menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồ Anh Tài

Agribank được tăng vốn, các ngân hàng khác chờ đợi gì?

Giải "cơn khát" vốn điều lệ không phải là câu chuyện riêng của Agribank và còn là nỗi mong mỏi của nhiều ngân hàng quốc doanh khác.

Câu chuyện Agribank

3.500 tỉ đồng là số vốn tối đa mà Quốc hội đã cơ bản nhất trí bổ sung vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Nguồn vốn được xác định từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019. Số tiền này cũng tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank.

Như vậy, nếu nội dung này được đưa vào nghị quyết, vướng mắc tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 về yêu cầu không dùng ngân sách nhà nước (NSNN) để cấp vốn cho tổ chức tín dụng thương mại sẽ được hoá giải. Vậy nhưng, vẫn còn một số việc phải làm trước khi số tiền này được giải ngân đến Agribank.

Trước hết, để đảm bảo điều kiện tăng vốn, trình tự và thủ tục theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Chính phủ phải sửa Nghị định 91/2015/NĐ-CP để thêm đối tượng bổ sung vốn là ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn đầu tư của nhà nước, hiện tại, nghị định chưa có đối tượng này.

Thứ hai, nếu khoản bổ sung vốn được xem là vốn đầu tư phát triển, có thể Chính phủ lại phải trình Quốc hội bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và hàng năm (năm 2020). Nếu không xem đây là hoạt động đầu tư phát triển thì không phải thực hiện theo Luật Đầu tư công.

Vấn đề nằm ở chỗ, thời hạn kết thúc kỳ trung hạn 2016-2020 chỉ còn lại vỏn vẹn 6 tháng. Vậy nên, Chính phủ cần khẩn trương hơn nữa trong chu trình ngân sách này.

Các ngân hàng quốc doanh khác chờ đợi gì?

Cơn khát vốn điều lệ không phải là câu chuyện riêng của Agribank. Đó cũng là mong mỏi của 3 ông lớn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Vietcombank (VCB) và Vietinbank. Với mức vốn điều lệ hiện có lần lượt là 40.220 tỉ đồng, 37.089 tỉ đồng và 37.234 tỉ đồng; tổng tài sản lần lượt là 1,49 triệu tỉ đồng; 1,24 triệu tỉ đồng và 1,223 triệu tỉ đồng.

Hiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của cả 3 ngân hàng này đang ở ngưỡng 9%. Bình quân chung của cả 4 NHTM lớn là 9,65% - thấp hơn khối cổ phần tư nhân và gần ngưỡng yêu cầu tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN là 8%. Tính đến 31-3-2020, tỷ lệ an toàn vốn của BIDV là 8,58%; Vietcombank 10,02% và VietinBank 10,67%.

Qua những tranh luận, ý kiến của các đại biểu quốc hội tại nghị trường về việc tăng vốn cho Agribank, hẳn các ngân hàng này đều biết, họ không thể trông chờ vào NSNN. Vậy bài toán này rồi sẽ được xử lý ra sao? Lời giải cần làm riêng cho từng ngân hàng và phải đặt chung trong mối quan hệ với cân đối ngân sách đang khó khăn hiện nay.

Với Vietinbank, ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà nước là 64,4%, dưới mức sàn là 65% theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chạm ngưỡng giới hạn. NSNN sẽ không chi thêm để bổ sung vốn.

Do đó, con đường gần như duy nhất đối với Vietinbank không thể khác (nếu không được cấp từ NSNN) là tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại hay chi trả toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu. Vấn đề này, thẩm quyền quyết định nằm trong tay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định 93/2017/NĐ-CP.

Còn BIDV, đây là NHTM cổ phần mà Nhà nước nắm giữ với tỷ lệ cao nhất hiện nay, do đó, ngân hàng này còn “room” cao nhất cho bài toán thoái vốn. Năm 2019, BIDV có bước đi thành công với thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu cho KEB Hana Bank, Hàn Quốc. Khi đó, tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại BIDV giảm từ 95,28% xuống còn 81%. Nghĩa là, Nhà nước có thể tiếp tục chỉ đạo BIDV xem xét nhượng lại vốn nhà nước cho nhà đầu tư bên ngoài (mặc dù việc này thực hiện không hề dễ dàng).

Phương án 2 có thể là cho phép trích lập Quỹ đầu tư phát triển để làm nguồn bổ sung vốn và cho phép chi trả cổ tức một phần bằng cổ phiếu, một phần bằng tiền.

Một lần nữa, thẩm quyền quyết định ở Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính theo đúng quy định tại Nghị định 93/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc phải hài hoà lợi ích giữa ngân hàng và ngân sách là điều các bên liên quan cần xét đến, cân nhắc quyết định.

Và trường hợp VCB, cuối năm 2018, VCB cũng đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho 2 cổ đông nước ngoài là GIC, quỹ đầu tư của Singapore và cổ đông chiến lược Mizuho.

Từ đó, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước tại đây đã giảm từ 77,1% xuống còn 74,8% hiện tại. Năm ngoái, VCB đạt lợi nhuận kỷ lục với hơn 23.000 tỉ đồng trước thuế. Lợi nhuận chưa phân phối của VCB lũy kế đến 31-3-2020 còn lại là hơn 30.234 tỉ đồng. Về nguyên lý, nếu được tăng vốn bằng lợi nhuận giữ lại/trả cổ tức một phần nhất định bằng cổ phiếu, VCB sẽ có thêm nguồn lực tài chính để đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động theo Basel II.

An toàn cho hoạt động ngân hàng, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế là yêu cầu bắt buộc khi chúng ta tham gia cuộc chơi toàn cầu. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu các NHTM phải tuân thủ mức vốn tự có theo Basel II vào cuối năm 2020 và đến năm 2025 và Việt Nam sẽ có 2-3 ngân hàng thuộc top 100 châu Á về tài sản.

Do đó, việc cho phép các NHTM có vốn nhà nước được tích lũy vào Quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn bằng lợi nhuận chưa phân phối hay chi trả (một phần hoặc toàn bộ) cổ tức bằng cổ phiếu là điều cần làm ngay. Tỷ lệ nào thì cần một phép tính cụ thể, nhằm dung hòa được giữa cân đối ngân sách chung và tính an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại