menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồng Ngọc

Áp lực lạm phát đè nặng lên kinh tế Mỹ

Lạm phát Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm. Rủi ro đình lạm đè nặng lên người tiêu dùng, nhà đầu tư và ngân hàng trung ương Mỹ.

Theo CNN, giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 7% trong năm qua. Giá nhà đất cũng tiếp tục tăng cao. Nhưng điều tồi tệ hơn là giá cả leo thang khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Đó là tình trạng lạm phát đình trệ, hay đình lạm - cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với người tiêu dùng Mỹ, nhà đầu tư và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Đình lạm là một thách thức khó vượt qua, nhất là đối với FED và những ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Bởi có rất ít công cụ để đối phó với tình trạng lạm phát và suy thoái cùng một lúc. Cách tốt nhất để kích thích một nền kinh tế suy yếu là giảm lãi suất. Nhưng lãi suất đã ở gần mức 0 trong suốt 2 năm qua.

Áp lực lạm phát đè nặng lên kinh tế Mỹ

FED đã phát đi tín hiệu nâng lãi suất. Nhưng giới quan sát cho rằng động thái của Fed có thể quá chậm. Ảnh: Reuters.

Ác mộng đình lạm

FED đã ra tín hiệu nâng lãi suất để đối phó với tình trạng lạm phát. Nhưng điều này có thể hãm phanh nền kinh tế. Đó là nỗi lo ngại lớn nhất tại Anh - nơi ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để chống lại rủi ro lạm phát.

Việc nâng lãi suất cũng có xu hướng tạo thêm áp lực cho lãi suất trái phiếu dài hạn.

Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 của Mỹ đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982.

Lạm phát tăng cao làm gia tăng chi phí hộ gia đình, ăn mòn tiền lương, gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và FED.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, thước đo lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - cũng tăng 5,5% trong tháng 12, đánh dấu mức kỷ lục trong vòng nhiều thập kỷ.

Giá cả có thể giảm đi khi những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng được giải quyết phần nào. Tuy nhiên, hầu hết giới quan sát cho rằng lạm phát khó có thể trở lại mức trước đại dịch.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là vòng xoáy giá cả - tiền lương. Người lao động muốn tăng lương để bù đắp chi phí tăng cao. Còn các công ty buộc phải tăng giá nhằm trả chi phí lao động cao hơn.

Tăng trưởng chậm lại trong quý III/2021 đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo. Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi vào quý IV/2021 và tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2022.

Nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục gặp trở ngại. Đó là những rắc rối kéo dài của chuỗi cung ứng và sự xuất hiện của biến thể mới Omicron.

Rủi ro sai lầm chính sách

Giới quan sát bắt đầu lo ngại rằng Fed có thể chọn sai thời điểm thắt chặt chính sách. Điều đó khiến cơ quan này tập trung vào giải quyết vấn đề ổn định giá cả thay vì thúc đẩy thị trường việc làm.

"Cần chuẩn bị cho nguy cơ Fed đưa ra một chính sách sai lầm", bà Kristina Hooper - Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco - nhận định.

FED đang đối mặt với một tình huống chưa từng có. Các ngân hàng trung ương đã phải xử lý nhiều cuộc khủng hoảng trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, nền kinh tế hiện đại chưa từng xử lý một mối đe dọa lạm phát sau đại dịch toàn cầu.

Theo biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 14-15/12/2021 của Fed, một số quan chức Fed tin rằng đã đến lúc thu hẹp danh mục 8.800 tỷ USD, bao gồm trái phiếu và các tài sản khác.

FED đang đối mặt với một tình huống chưa từng có. Các ngân hàng trung ương đã phải xử lý nhiều cuộc khủng hoảng trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, nền kinh tế hiện tại chưa từng xử lý một mối đe dọa lạm phát sau đại dịch toàn cầu - Nhà báo Paul R. Monica của CNN

Các quan chức này cho rằng việc thu hẹp quy mô của bảng cân đối kế toán cần được triển khai sớm sau khi FED bắt đầu nâng lãi suất.

Biên bản cuộc họp nhấn mạnh lãi suất cần "được nâng sớm hơn dự định trước đó".

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo FED có thể nâng lãi suất 4 lần trong năm nay và bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán kể từ tháng 7.

"Tốc độ phục hồi nhanh của thị trường lao động Mỹ và những tín hiệu cứng rắn được đưa ra trong biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ của FED đều chỉ ra rằng các chính sách tiền tệ sẽ sớm được bình thường hóa", ông Jan Hatzius - chuyên gia tại Goldman Sachs nhận định.

"Do đó, chúng tôi đẩy nhanh dự báo về thời điểm FED giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 12 về tháng 7", ông giải thích.

Ngân hàng đầu tư Phố Wall cũng cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Giới quan sát cho rằng điều này có thể tác động tiêu cực tới Bitcoin và những loại tài sản rủi ro khác.

Một số nhà kinh tế lo ngại rằng FED đã hành động quá muộn để ngăn chặn lạm phát. Điều đó có thể buộc cơ quan này phải đưa ra những động thái quyết liệt hơn trong thời gian tới và gây tổn hại tới nền kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại