menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Đình Đạt

Bài toán du lịch nội địa quá tải, thị trường quốc tế khó đoán

Trong khi lượng du khách quốc nội tăng cao dịp hè 2022 thì chính sách visa đang là rào cản để mở đường phục hồi đón khách quốc tế sắp tới.

Khách du lịch nội địa tăng cao

Ngày 11/7, số liệu công bố của Tổng cục Du lịch cho thấy, thị trường du lịch nội địa đã không những hồi phục mà còn tăng trưởng cao hơn so với trước dịch Covid-19. Trong 6 tháng qua, cả nước có 60,8 triệu khách du lịch nội địa, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Số liệu do các cơ quan quản lý du lịch địa phương công bố cũng cho thấy mảng du lịch nội địa đang tăng trưởng tốt. Trong đó, Tp.HCM đón hơn 11 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 43% so với nửa đầu năm ngoái, tổng thu từ khách du lịch (gồm một phần thu từ khách quốc tế) đạt 49.681 tỉ đồng, tăng gần 30%.

Còn Tp.Hà Nội ước đón hơn 8,6 triệu lượt khách, tăng gần gấp 3 so với cùng kỳ, trong đó có khoảng 8,4 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 25.200 tỉ đồng, hơn gấp hơn 3 lần so với nửa đầu năm ngoái. Quảng Ninh cũng đón 5,5 triệu lượt khách, tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ, chủ yếu là khách trong nước.

Nhiều tỉnh, thành khác như Lâm Đồng, Khánh Hòa và Kiên Giang cũng cho biết lượng khách du lịch, chủ yếu là khách trong nước tăng rất cao. Cụ thể, Lâm Đồng đón 3,72 triệu lượt khách nội địa, tăng 86,5%, Khánh Hòa có hơn 1 triệu lượt khách nội địa, tăng gần 129% và Kiên Giang đón 3,5 triệu lượt khách, phần lớn là khách Việt, tăng hơn 51% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Tính chung cả nước, ngành du lịch đã đón 60,8 triệu lượt khách trong sáu tháng qua, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tổng thu từ khách du lịch, chủ yếu là từ khách du lịch trong nước đạt 265.000 tỷ đồng.

Lượng khách du lịch tăng trưởng tốt đã khiến số lượng doanh nghiệp lữ hành hoạt động nhiều hơn. Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 226 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái và 1.060 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa.

Nhiều khách sạn cũng đã mở cửa trở lại. Hiện nay, cả nước có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.936 phòng. Trong đó, có 215 khách sạn 5 sao với 72.546 phòng và 334 khách sạn 4 sao với 44.964 buồng.

Lo xa cho mùa du lịch quốc tế

Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra, cả nước chỉ đón 413.400 lượt khách du lịch quốc tế trong 6 tháng qua, tức là chỉ đạt 10% so với kế hoạch mà Tổng cục Du lịch đề ra.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: “Các quốc gia khác cũng chưa thu hút được nhiều du khách quốc tế. Nguyên nhân chính là do chính sách đón khách quốc tế của các nước cũng không đồng bộ”.

Chẳng hạn, hiện nay, khách khó đến châu Âu do thủ tục thị thực (visa) khá nhiêu khê. Trong cùng khối, vẫn có nước mở, nước đóng hoặc mở cửa cho khách nước này nhưng không mở cửa cho khách nước khác.

Đối với Việt Nam, thời hạn visa cho khách du lịch chưa thật sự thoáng so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi visa vào các nước du lịch có giá trị đến 60 ngày nhưng vào Việt Nam chỉ có giá trị 15 ngày. Do đó, ông Bình cho rằng, cần phải nghiên cứu lại chính sách visa nhập cảnh, xem xét mở rộng thị trường, tăng thời gian lưu trú với khách du lịch nếu muốn thu hút nhiều khách quốc tế hơn.

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc kinh doanh Công ty Viettourist cũng cho hay: “Do vừa mở cửa trở lại nên lãnh sự quán một số nước vẫn hạn chế cấp visa du lịch. Thêm nữa, nhu cầu đi lại của người dân và du khách tăng cao nhưng do số chuyến bay còn ít nên giá vé cao hơn so với trước khi có dịch Covid-19. Không chỉ riêng Việt Nam, giá dịch vụ ở nhiều nơi như Mỹ, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Anh quốc cao gấp đôi so với trước dịch”.

Bài toán du lịch nội địa quá tải, thị trường quốc tế khó đoán
Chính sách visa là rào cản để Việt Nam tăng tốc đón khách quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng đánh giá: “Với gần 80% các khách sạn nghỉ dưỡng mở cửa và hầu như kín phòng thì chúng ta cũng không thể lạc quan quá sớm khi mùa hè vẫn chưa kết thúc. Nếu chỉ dựa vào thị trường nội địa thì từ cuối tháng 8 trở đi thì riêng ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ bước vào mùa thấp điểm ảm đạm”.

Bởi lẽ, mặc dù các tín hiệu rất tốt từ thị trường Hàn Quốc và Thái Lan đang tăng trưởng nhanh thì ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa có nhiều thông tin khi nào các chuyến bay từ thị trường là Trung Quốc sẽ được khởi động lại.

Theo nhận định của ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thách thức lớn nhất nằm ở thời điểm sau ngày 15/8 khi khách nội địa giảm nhiều. Lúc này câu hỏi là làm sao để doanh nghiệp duy trì hoạt động khi mùa cao điểm khách nội địa đi qua và khách du lịch quốc tế vẫn chưa quay lại ổn định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại