menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đoan Trang

Bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp sẽ có lãi để được hưởng chính sách giảm thuế?

Đại biểu quốc hội cho hay sẽ bấm nút thông qua việc giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng băn khoăn liệu có bao nhiêu doanh nghiệp đủ sức có lãi để hưởng chính sách này?

"Tôi sẽ bấm nút thông qua việc giảm 30% thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng vẫn còn đó nỗi băn khoăn bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp sẽ có lãi để hưởng chính sách này", Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu.

Sáng 13/6, phiên thảo luận toàn thể đầu tiên của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách, đã có 26 đại biểu phát biểu, 3 vị tham gia tranh luận, và cuộc chiến với đại dịch Covid- 19 được đánh giá dưới nhiều góc độ.

Nới lỏng có liều lượng

Khi kinh tế suy giảm, nguyên lý cơ bản là nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu công và tăng cung ứng vốn để kích thích nền kinh tế tăng cung. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 làm cả cung và cầu đều suy giảm nên việc nới lỏng mỗi chính sách cần phải có liều lượng phù hợp, đại biểu Hàm nhấn mạnh.

Vị đại biểu thành viên Uỷ ban giúp Quốc hội "gác cửa" ngân sách cũng chi ra rằng, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, có lãi, không bao quát hết các doanh nghiệp khó khăn. Vì thế cần có thêm chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn, do đứt đoạn nguồn cung đầu vào hoặc thị trường đầu ra.

Ông Hàm cho rằng, để đảm bảo dòng tiền cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả năm 2021. Cũng cần lưu ý nới lỏng chính sách tiền tệ, phải kiểm soát được các chỉ số an toàn nợ của ngân hàng, không để phát sinh nợ xấu quá mức và phải kiểm soát được lạm phát, ông Hàm nói.

Đại biểu Hàm cũng sốt ruột khi mà thu ngân sách giảm mạnh, trong khi phải tăng chi để chống dịch, khôi phục kinh tế nên cần sắp xếp lại chi và nới trần bội chi. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ chưa trình phương án cụ thể để điều chỉnh các chỉ tiêu ngân sách làm căn cứ cho Quốc hội xem xét quyết định.

Thông điệp được đại biểu Hàm nhấn mạnh là trong điều kiện gấp gáp hiện nay vẫn cần phải có khoảng lặng để đánh giá và hạn chế tác động tiêu cực của các chính sách. Khoảng lặng đó để xem chính sách có đặt mục tiêu không. Kết quả mang lại có vượt trội so với hậu quả tiêu cực của chính sách không.

Với nỗi băn khoăn bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp sẽ có lãi để hưởng chính sách giảm 30% thuế thuế thu nhập mà Chính phủ đã trình, ông Hàm đặt vấn đề: có công bằng không khi một doanh nghiệp thừa tiêu chí lao động chẳng hạn sử dụng 150 lao động nhưng doanh thu vượt ngưỡng một chút, ví dụ là 55 tỷ không được hưởng chính sách, trong khi doanh nghiệp sử dụng ít lao động hơn nhiều, có doanh thu ít hơn một chút lại được hưởng chính sách. Việc không phân biệt doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ thương mại không phân biệt có bị giảm lãi hay không, liệu có công bằng không?

"Tôi sẽ thống nhất dừng tăng lương nhưng sẽ trăn trở liệu có còn thực hiện được chính sách tiền lương mới theo lộ trình Nghị quyết 27 của trung ương không? Bao giờ thực hiện được? Mọi chính sách tài khóa thông qua là giảm thu hàng tỷ đồng hoặc chi thêm hàng tỷ đồng đã đến ngưỡng giới hạn nguồn lực chưa? Sẽ phải nới bội chi bao nhiêu khi thu giảm sâu như hiện nay? Thị trường trái phiếu có hấp thụ được không? Lãi phải trả như thế nào khi vay thêm trong khi 2020-2021 nhiều khoản nợ đến hạn phải vay mới để trả nợ cũ đáo hạn. Cơ cấu lại nợ vẫn phải thực hiện là sức ép rất lớn đến thị trường trái phiếu còn khiêm tốn, dư địa nguồn lực hạn hẹp, cần phải có khoảng lặng trong cuộc chiến gấp gáp này", ông Hàm kết thúc phát biểu.

Cần một cuộc trở về với doanh nghiệp trong nước

Tại phiên thảo luận, khá nhiều ý kiến nhắc tới những dự báo lạc quan về dòng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch mà Chính phủ đã thành lập tổ công tác để đón làn sóng này. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết nhiều địa phương cũng bắt đầu rục rịch chủ trương xây dựng các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nhân lo ngại, bởi qua các con số thống kê mà các chuyên gia chỉ ra cho thấy quy mô đầu tư nước ngoài càng lớn thì nội lực nền kinh tế có chiều hướng yếu đi, dễ tổn thương trước khủng hoảng mà đại dịch COVID-19 đã phần nào chứng minh. Nêu những con số về chuyển giá, trốn thuế đã được Kiểm toán nhà nước nêu với quy mô 20% GDP, 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 40% giá trị sản xuất công nghiệp, 50% kim ngạch xuất khẩu và 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, đại biểu Nhân đặt câu hỏi: chúng ta nghĩ gì với 50% số doanh nghiệp FDI kê khai báo lỗ. Liệu sau những ưu đãi suốt thời gian qua đã tiêu hao bao nhiêu nguồn lực của đất nước, Việt Nam khó lòng vượt qua bẫy thu nhập trung bình với một tiến trình như vậy và do đó việc ứng xử thận trọng với dòng vốn này theo Nghị quyết 50 trong thời gian tới là vô cùng cần thiết.

Ở một chiều hướng khác, ông Nhân nhấn mạnh, dù trong thời gian đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, kinh tế trì trệ nhưng mua bán sáp nhập vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Khi các doanh nghiệp Việt vẫn còn loay hoay tìm cách phục hồi sau đại dịch thì đây cũng là cơ hội tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó và thâu tóm. Bên cạnh các FTA thế hệ mới đã, đang và sẽ có hiệu lực tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp FDI vốn đang nắm giữ tỷ trọng chủ lực trong xuất khẩu.

"Từ những lý do đó song hành cùng tổ công tác đón làn sóng đầu tư thiết nghĩ cũng cần phải có một cuộc trở về với doanh nghiệp trong nước, bởi đây mới chính là động lực quan trọng của nền kinh tế. Trước những diễn biến phức tạp trên và những tồn tại đã được nhận diện, việc gia cố nội lực nền kinh tế tại thời điểm này là vô cùng bức bách", ông Nhân nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại