menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Bùi

Cẩn trọng hiện tượng nhà đầu tư ngoại chi phối thương mại điện tử

Hoạt động thương mại điện tử cần rất nhiều vốn đầu tư để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần

Thương vụ sáp nhập giữa 2 sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki và Sendo được công bố hôm đầu tháng 6 vừa qua, hứa hẹn sẽ thúc đẩy thị trường TMĐT vào thế cạnh tranh gay cấn hơn. Đặc biệt, sự kết hợp này sẽ giúp Tiki - Sendo có lợi thế lớn trong việc thu hút

Nguy cơ ẩn sau hình thức đầu tư gián tiếp

Trong khi hoàn tất những bước cuối cùng để sáp nhập, thì nguồn tin từ tờ Dealstreet Asia cho hay, Tiki vừa huy động thành công thêm 130 triệu USD trong vòng huy động vốn mới nhất mà dẫn đầu là Công ty quỹ tư nhân Northstar Group (Singapore). Các chuyên gia nhận định, sau thương vụ này, cuộc đua hút vốn trên thị trường TMĐT sẽ còn phát triển sôi động hơn.

Bộ Công thương đánh giá, với tốc độ tăng trưởng hàng năm thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á, TMĐT Việt Nam đang là lĩnh vực thu hút mạnh các NĐT nước ngoài. Hiện nay, cả 4 sàn giao dịch TMĐT lớn nhất là Shoppe, Lazada, Tiki và Sendo đều có sự tham gia của các NĐT nước ngoài, trong đó NĐT Trung Quốc nắm tỷ trọng đáng kể tại 3 sàn.

Đơn cử như Lazada có vốn đầu tư của Alibaba (Trung Quốc) và Temasek holding (Singapore). Trong đó, Tập đoàn Alibaba đã đầu tư 4 tỷ USD vào Lazada chỉ trong 3 năm và giành quyền kiểm soát với 83% cổ phần tính đến năm 2018. Shopee nhận vốn đầu tư 50 triệu USD của Công ty SEA (Singapore), mà Tencent (Trung Quốc) đang là cổ đông lớn nhất của SEA với 40% cổ phần. Tiki có vốn đầu tư từ JD (Trung Quốc) chiếm khoảng hơn 20%. Sendo có hơn 65% cổ phần được nắm giữ bởi 16 cổ đông ngoại.

Một chuyên gia của Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công thương phân tích, thời gian qua hoạt động đầu tư vào các sàn TMĐT được thực hiện chủ yếu bằng phương thức gián tiếp, thông qua công ty con tại quốc gia thứ ba, hoặc thông qua các hình thức hợp tác kinh doanh khác ngoài việc góp cổ phần. Với những nguồn đầu tư gián tiếp như vậy, việc định danh, quản lý và giám sát DN có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, Bộ Công thương nhận được ý kiến quan ngại từ một số cơ quan, tổ chức cho rằng với vai trò ngày càng lớn của TMĐT trong hệ thống phân phối nói riêng và hoạt động kinh tế - xã hội nói chung, việc NĐT nước ngoài chi phối lĩnh vực TMĐT có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực đối với hệ thống thương mại, thị trường sản xuất nội địa và vấn đề an ninh thông tin quốc gia.

Theo đó, thông qua nắm giữ các cơ sở dữ liệu liên quan đến hàng trăm nghìn người bán và hàng triệu người mua của các sàn giao dịch TMĐT, NĐT nước ngoài có thể khai thác lượng lớn dữ liệu của người dân và kiểm soát được kênh thông tin quan trọng có tác động đáng kể đến lĩnh vực sản xuất tiêu dùng trong tương lai.

NĐT nước ngoài, thông qua việc tham gia quản lý các sàn giao dịch TMĐT, có thể tác động đến chính sách chung của sàn để hỗ trợ kỹ thuật và tạo thuận lợi cho người bán nước ngoài tham gia bán hàng trên sàn, từ đó tăng tỷ trọng hàng nhập khẩu trong các kênh phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng. Về lâu dài có thể kéo theo hệ lụy như tràn lan hàng nước ngoài, giảm tỷ lệ hàng nội địa và người bán hàng Việt, từ đó triệt tiêu hoạt động sản xuất trong nước.

Nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia đã cảnh báo thị trường TMĐT Việt Nam đang được quản lý không tương đồng với thương mại bán lẻ, trong khi bản chất đều là hoạt động phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Theo quy định hiện hành, các DN bán lẻ trực tiếp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với mạng lưới bán lẻ của mình và đối với mỗi cơ sở bán lẻ bổ sung. Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của NĐT nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài tại Việt Nam cũng có quy định cụ thể với trường hợp góp vốn, mua lại phần vốn góp của tổ chức kinh tế nước ngoài trong tổ chức kinh tế của Việt Nam đã có sẵn mạng lưới, sẵn thương hiệu để tránh trường hợp lách kiểm tra ENT. Do vậy, các chuyên gia cho rằng với bản chất là phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng, hoạt động TMĐT phải được quy định thống nhất như hoạt động thương mại bán lẻ trực tiếp.

Đề xuất quy định siết chặt quản lý

Hiện nay, hoạt động TMĐT trên thị trường Việt Nam đang được quản lý theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT. Mặc dù đã có hiệu lực 6 năm, song nghị định này chưa có quy định về việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vào DN kinh doanh sàn giao dịch TMĐT Việt Nam.

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công thương đang đề xuất phương án bổ sung một số quy định về hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài, kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT để phù hợp với thực tiễn hiện nay, đảm bảo an ninh quốc gia, cam kết quốc tế và phù hợp với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Đại diện của Bộ Công thương cho biết, nếu thực hiện phương án này, sẽ có một số ngoại lệ được tính đến như đối với các start - up hoặc các trường hợp đã được quy định theo pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, cơ quan này khẳng định, việc quy định quản lý đầu tư nước ngoài không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của NĐT, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN, không làm tăng chi phi khi thực hiện chính sách.

Tuy nhiên, cũng có lo ngại việc quy định kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT dẫn đến sự thiếu năng động, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này; đồng thời, khiến DN hoạt động trong lĩnh vực TMĐT không thu hút được nguồn vốn để mở rộng thị trường.

Lãnh đạo một sàn TMĐT cho rằng, hoạt động TMĐT cần rất nhiều vốn đầu tư để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần; và thực tế là hoạt động của 4 sàn TMĐT lớn nhất hiện nay vẫn đang trong giai đoạn “đốt tiền” để làm thương hiệu. Từ trước tới nay, sự phát triển của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đều là đi lên từ một công ty nhỏ, sau đó liên kết với đối tác nước ngoài để phát triển và lớn mạnh. Do đó nếu siết chặt quản lý thì cũng đồng nghĩa với việc hạn chế nguồn vốn nước ngoài vào lĩnh vực này, kéo theo đó sẽ rất khó nâng quy mô các sàn TMĐT hiện có.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại