menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lý Bằng

Châu Âu: Giá khí đốt vẫn tăng hơn 400%, dòng chảy phương Bắc 2 có được “chảy” trong năm 2022?

Dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) chạy từ Nga sang Đức có được cấp phép hoạt động vào đầu tháng 1/2022 hay không?

Dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) chạy từ Nga sang Đức có được cấp phép hoạt động vào đầu tháng 1/2022 hay không là câu hỏi được dư luận vô cùng quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do giá khí đốt tăng kỷ lục.

Ngày 29/12/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nord Stream 2 đã sẵn sàng cho xuất khẩu khi đoạn đường ống thứ hai được bơm đầy, qua đó có thể giúp làm dịu đà tăng giá khí đốt ở châu Âu.

Mặc dù Nord Stream 2 đã được hoàn thành hồi tháng 9/2021 nhưng vẫn chưa bắt đầu hoạt động thương mại do chờ sự chấp thuận của Đức và Liên minh châu Âu (EU) theo quy định. Dự kiến phía Đức tới đầu tháng 1/2022 sẽ quyết định việc cấp phép hoạt động cho dự án, sau đó quyết định về dự án sẽ được gửi tới Ủy ban châu Âu.

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục mới trong ngày 21/12/2021, tăng gần 800% kể từ đầu năm nay. Tuy mức giá này có giảm xuống đôi chút trong ngày 24/12 nhưng vẫn ở mức tăng hơn 400% kể từ đầu năm.

Theo nhận định của phía Nga, châu Âu đang chịu mức giá khí đốt cao kỷ lục do không ký được hợp đồng cung ứng dài hạn, nhưng các nước này có thể giảm bớt áp lực bằng cách chấm dứt sự đình trệ của dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Thực tế cho thấy, sản lượng khí đốt khai thác tại các nước thuộc EU đang giảm mạnh. Do các mục tiêu khí hậu của EU, các loại nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên đang dần được thay thế. Nước Đức hầu như không có trữ lượng khí đốt tự nhiên và chỉ có thể tự cung cấp 5% nhu cầu của mình, nhưng nhu cầu này có xu hướng ngày càng giảm.

Trong quá trình chuyển đổi năng lượng, Đức sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga trong một thời gian nữa. Tính riêng trong năm 2019, hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên mà Đức nhập khẩu (51%) đến từ Nga. Các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính khác cho Đức là Na Uy (27%) và Hà Lan (21%). Trong EU, Đức là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga với quy mô 55,6 tỷ mét khối trong năm 2019.

Là hệ thống gồm hai đường ống đưa khí đốt qua Biển Baltic - vùng lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Nga và Thụy Điển, Nord Stream 2 cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không phải trung chuyển qua Ukraine, vốn là tiêu điểm căng thẳng trong quan hệ giữa Moscow và Washington.

Việc lắp đặt các tuyến đường ống trên đã bị ngưng trệ do Mỹ - quốc gia đang thúc đẩy bán khí đốt hóa lỏng của mình sang châu Âu - đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với dự án vào tháng 12/2019 như một phần của Đạo luật Bảo vệ Năng lượng cho châu Âu (PEESA), yêu cầu các công ty chịu trách nhiệm đặt đường ống ngừng hoạt động.

Washington lo ngại Nord Stream 2 sẽ khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine. Trong khi đó, Moscow nhiều lần kêu gọi không chính trị hóa vấn đề, nhấn mạnh Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ có lợi cho Nga mà cho cả Liên minh châu Âu (EU). Đức cũng ủng hộ việc hoàn tất dự án này.

Vậy Nga sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bị hủy?

Thu nhập từ xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách của Nga. Tuy nhiên, từ quan điểm kinh tế của Moscow, dự án Nord Stream 2 ít quan trọng hơn nhiều so với việc xuất khẩu dầu thô vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, nếu không có Dòng chảy phương Bắc 2, động lực quan trọng cho sự phát triển của các mỏ khí mới ở Nga sẽ không còn khi các tuyến đường vận chuyển thay thế sẽ đắt hơn đáng kể, làm tăng chi phí và tất nhiên lợi nhuận sẽ giảm mạnh. Việc chấm dứt dự án này không có nghĩa là Nga sẽ xuất khẩu khí đốt ít hơn, chỉ là việc vận chuyển trên đất liền sẽ xa hơn và phải thông qua các quốc gia trung chuyển như Ukraine hoặc Ba Lan.

Tuyến dường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 dài hơn 1.200 km, trị giá 11 tỷ USD, chạy từ Nga sang Đức với công suất 55 tỷ m3 khí mỗi năm, cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga đến Đức và các nước châu Âu khác.

Nord Stream do tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga xây dựng từ năm 2018 và một nửa chi phí do các công ty năng lượng châu Âu chi trả, cụ thể là công ty Uniper và công ty Wintershall Dea thuộc tập đoàn BASF của Đức, tập đoàn dầu khí quốc tế Shell, tập đoàn OMV của Áo và tập đoàn Engie của Pháp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại