menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồ Anh Tài

Chiến lược vung tiền thâu tóm “lục địa đen” của Trung Quốc

Tại Djibouti, một đất nước nhỏ bé nhưng nằm ở vị trí chiến lược, sự hiện diện của Trung Quốc được nhìn thấy ở khắp mọi nơi.

Các công ty Trung Quốc đã rót vốn và xây dựng cảng lớn nhất châu Phi, tuyến đường sắt tới Ethiopia và căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên của Bắc Kinh tại Djibouti. Dưới biển, Trung Quốc đang xây dựng tuyến cáp truyền dữ liệu xuyên qua khu vực, từ Kenya tới Yemen. Tuyến cáp này sẽ kết nối một trung tâm internet, nơi đặt các máy chủ được vận hành chủ yếu bởi các công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc.

Các khoản đầu tư ồ ạt của Trung Quốc ở Djibouti là mô hình thu nhỏ, cho thấy cách thức Trung Quốc nhanh chóng giành được vị thế chiến lược trên toàn lục địa. Các nước phương Tây, bao gồm những nước từng cai trị các quốc gia châu Phi thời thực dân thuộc địa, đã sử dụng những gói viện trợ hào phóng để đổi lại các thỏa thuận thương mại và an ninh trong suốt hàng chục năm qua. Trong khi đó, các dự án do Trung Quốc rót vốn đã mang lại sự phát triển hạ tầng khổng lồ cho khu vực này trong vòng chưa đầy một thế hệ.

Các hoạt động xây dựng này chủ yếu sử dụng các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc. Những con đường do Trung Quốc xây dựng đã vươn ra khắp châu lục, cùng với đó là những cây cầu, sân bay, đập và nhà máy điện khổng lồ. Tất cả đều nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

Theo Ernst & Young, các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào châu Phi số tiền gấp đôi so với các công ty Mỹ trong giai đoạn 2014-2018, lên tới 72,2 tỷ USD.

Chiến lược vung tiền thâu tóm “lục địa đen” của Trung Quốc
Tuyến tàu điện hiện đại đầu tiên của châu Phi nối Ethiopia-Djibouti do các công ty Trung Quốc xây dựng được hoàn thành vào năm 2016. (Ảnh: Xinhua)

“Người Trung Quốc đang tính xa hơn về dài hạn ở Djibouti nói riêng và châu Phi nói chung. Djibouti là một mắt xích trong chuỗi kinh tế trải dài dọc rìa phía nam của Ấn Độ Dương, từ các cảng ở Campuchia cho tới Sri Lanka và Pakistan. Họ có một kế hoạch chiến lược tổng thể. Còn chúng ta thì không”, David Shinn, cựu Đại sứ Mỹ tại Ethiopia, đồng thời là quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Djibouti vào cuối thập niên 1960, nhận định.

Tại Djibouti, kế hoạch chiến lược của Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn vì vị trí của nước này nằm ở cửa ngõ đi vào Biển Đỏ, nơi có khoảng 10% lượng dầu mỏ xuất khẩu và 20% hàng hóa thương mại đi qua eo biển hẹp ngay cạnh bờ biển của Djibouti trên tuyến đường đi vào và đi ra từ kênh đào Suez.

Vị trí chiến lược của Djibouti đã biến nước này trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới cáp dưới biển, nơi truyền dữ liệu giữa các lục địa. Sự đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng internet tại đây diễn ra trong bối cảnh khu vực xung quanh Djibouti bắt đầu tiếp cận với Internet, trong đó có một số khu vực hoàn toàn phụ thuộc vào Djibouti như một điểm trung chuyển để truyền tải dữ liệu.

Sự “phủ sóng” rộng khắp của Trung Quốc trên hàng loạt “mặt trận” tại châu Phi đã làm giảm bớt sự phụ thuộc của các nước trong khu vực vào các chính phủ phương Tây trong công cuộc phát triển.

Các khoản vay của Trung Quốc không đi kèm với những yêu cầu về cải thiện vấn đề nhân quyền, trong khi các khoản hỗ trợ của Mỹ đòi hỏi phải có. Sự “xâm nhập” của Trung Quốc vào châu Phi đã giúp nước này tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng, bao quát một thị trường màu mỡ được xem là trung tâm trên bản đồ thế giới về tiêu thụ hàng hóa giá rẻ, và nhận được sự ủng hộ đáng tin cậy tại các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Cạnh tranh Mỹ - Trung tại "lục địa đen"

Chiến lược vung tiền thâu tóm “lục địa đen” của Trung Quốc
Ngoại trưởng Djibouti Mahamoud Ali Youssouf bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2018. (Ảnh: AP)

Những người chỉ trích các khoản vay của Trung Quốc nói rằng, nước này đang tìm cách đưa các quốc gia đang phát triển, dễ bị tổn thương vào “bẫy nợ”, bòn rút ngân khố của các chính phủ, đẩy nhiều thế hệ người đóng thuế phải gánh những khoản nợ khổng lồ, thậm chí các ngân hàng Trung Quốc có thể siết nợ bằng cách chiếm hữu luôn những tài sản chiến lược quan trọng do chính họ xây dựng cho các nước vay nợ. Hiện Djibouti đang nợ Trung Quốc một khoản tương đương 70% GDP.

Các chính phủ châu Phi đã bác bỏ thẳng thừng về khả năng xảy ra những kịch bản trên, mặc dù đã từng có tiền lệ ở Sri Lanka, nơi một cảng biển nằm ở vị trí chiến lược đã được trao cho công ty Trung Quốc thuê lại trong 99 năm để trừ nợ, sau khi chính công ty này rót vốn xây dựng cảng đó.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách cạnh tranh với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, bằng cách thúc đẩy chương trình đầu tư tư nhân với tên gọi Châu Phi Thịnh vượng, mặc dù các khoản đầu tư của Washington vẫn “lép vế” so với các khoản vay của Bắc Kinh. Tại Djibouti, ngay cả chỉ huy các lực lượng vũ trang Mỹ tại châu Phi cũng kêu gọi cẩn trọng với Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn xây dựng các mối quan hệ lâu dài, chứ không phải ngắn hạn. Chúng tôi dẫn đầu các giá trị của chúng tôi, làm việc chăm chỉ và khao khát tăng cường các mối quan hệ đối tác trên lục địa châu Phi”, tướng Stephen J. Townsend phát biểu trong chuyến thăm tới Djibouti vào mùa hè năm 2019.

Căn cứ chính của quân đội Mỹ ở châu Phi, nơi đồn trú của 4.000 quân nhân và phi đội máy bay không người lái, được đặt tại Djibouti trong 2 thập niên.

Chiến lược vung tiền thâu tóm “lục địa đen” của Trung Quốc
Một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại châu Phi là nhà máy điện mặt trời 50 MW ở Kenya. (Ảnh: Xinhua)

Mỹ đã phải chi hàng trăm triệu USD để thuê căn cứ tại Djibouti, nơi Washington thực hiện các chiến dịch để tiêu diệt nhóm phiến quân Hồi giáo al-Shabab tại nước láng giềng Somalia. Tuy nhiên, Mỹ không có nhiều hoạt động để giúp phát triển Djibouti.

Mặc dù chính phủ của nhiều nước châu Phi, bao gồm Djibouti, vẫn hy vọng về sự đầu tư lớn hơn của Mỹ, song Trung Quốc sẵn sàng “vung tiền” khiến các nước trong khu vực đồng loạt chuyển hướng sang Bắc Kinh.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tổ chức diễn đàn thường niên về hợp tác Trung Quốc - châu Phi với sự tham gia của gần như toàn bộ 54 nguyên thủ các nước châu Phi. Trong khi đó, tại lễ khởi động chương trình Châu Phi Thịnh vượng tại Mozambique năm nay, Mỹ thậm chí không gửi một bộ trưởng nào trong nội các tới dự.

“Đúng là, nợ của chúng tôi với Trung Quốc chiếm 71% GDP của chúng tôi, nhưng chúng tôi cần khoản (đầu tư) hạ tầng đó”, Ngoại trưởng Djibouti Mahamoud Ali Youssouf trả lời phỏng vấn bên lề cuộc họp tại New York hồi đầu tháng 12.

“Việc chúng tôi phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc là lẽ tự nhiên. Cả châu Âu và Mỹ đều không sẵn sàng xây dựng hạ tầng như chúng tôi cần. Chúng tôi đang đưa đất nước chúng tôi hướng đến tương lai, và chăm sóc đời sống của người dân chúng tôi. Ngay cả Mỹ cũng nợ Trung Quốc hàng nghìn tỷ USD”, Ngoại trưởng Djibouti cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại