menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Cường

Chuyển hình thức đầu tư 3 dự án PPP thuộc cao tốc Bắc - Nam: Triển khai nhanh để bảo đảm sử dụng hiệu quả vốn nhà nước

Việc chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công thuần túy một số dự án thành phần (DATP) thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đánh giá là cần thiết để sớm hoàn thành dự án quan trọng này, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, cần bảo đảm sau khi chuyển đổi phải thực hiện thủ tục nhanh hơn so với PPP, sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước.

Dự án Xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (gọi tắt là Dự án) được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 gồm 11 DATP, trong đó, 3 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công thuần túy và 8 DATP đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thực tế triển khai 8 dự án PPP phát sinh một số khó khăn liên quan đến khả năng huy động nguồn vốn tín dụng, năng lực nhà đầu tư... dẫn đến tiến độ triển khai khó bảo đảm theo kế hoạch.

Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã nghiên cứu, báo cáo Thường trực Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án trọng điểm ngành GTVT từ PPP sang đầu tư công thuần túy. Đối với các DATP thuộc Dự án, Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư của 3 dự án: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo Bộ Tài chính, với phương án chuyển đổi như trên, chi phí đầu tư của 6 dự án đầu tư công thuần túy (3 dự án đang thực hiện và 3 dự án dự kiến chuyển đổi) và chi phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến sẽ có tổng nhu cầu vốn khoảng 54.365 tỷ đồng. Với kế hoạch vốn đã được Quốc hội thông qua cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 55.000 tỷ đồng, sẽ không còn nguồn vốn để hỗ trợ cho 5 dự án PPP còn lại. Đồng thời, đến thời điểm hiện nay, kế hoạch vốn giao cho Dự án là 16.593 tỷ đồng; giải ngân được khoảng 6.800 tỷ đồng nên khả năng giao hết số kế hoạch còn lại 37.772 tỷ đồng và giải ngân hết kế hoạch vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 là khó khả thi.

Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công với các dự án trọng điểm như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020. Xem xét việc áp dụng chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3 để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Vì vậy, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành đồng bộ toàn tuyến cao tốc và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT báo cáo phương án thực hiện cụ thể (mục tiêu, tiến độ, kết quả từng giai đoạn...) bao gồm cả các dự án đầu tư công thuần túy và đầu tư PPP; đặc biệt, đánh giá rõ khả năng giải ngân vốn ngân sách nhà nước đã bố trí giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công. Bộ GTVT cũng cần hoàn thiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về điều chỉnh phương án đầu tư làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo.

Nhấn mạnh sự cần thiết chuyển đổi hình thức đầu tư đối với một số dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lưu ý nguyên tắc chung là các dự án chuyển đổi phải nối tiếp với các đoạn đang triển khai, có khả năng hoàn thành sớm các thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, giải ngân hết kế hoạch vốn hằng năm đã được giao trong giai đoạn 2018 - 2020 và gối đầu chuyển tiếp thực hiện ngay trong giai đoạn kế tiếp. “Cần tránh tình trạng phải kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn và tình trạng có kế hoạch vốn nhưng dự án không thể triển khai, không thể giải ngân được”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, tính toán lại chi tiết trong tổng mức đầu tư, tiến độ triển khai các dự án chuyển đổi, bảo đảm khả thi hơn, rút ngắn hơn thời gian hoàn thành thủ tục so với tiến độ thủ tục hiện hành theo hình thức PPP.

Về lựa chọn nhà thầu sau khi chuyển đổi, Bộ KH&ĐT đề nghị, bên cạnh việc tiết giảm chi phí lãi vay, lợi nhuận nhà đầu tư trong tổng mức đầu tư dự án và một số ràng buộc khác, nếu được cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định thầu, cần quy định tiết kiệm từ 5 - 7% so với dự toán được phê duyệt của gói thầu được chỉ định. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng với các nhà thầu được lựa chọn để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại