menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo An

Cổ phiếu “thịt heo” liệu có tạo sóng?

Mặc dù giá thịt heo đã tăng mạnh nhưng cổ đông nắm giữ cổ phiếu các công ty liên quan đến mặt hàng này vẫn thất vọng vì giá cổ phiếu giảm sâu hoặc không tăng mấy trong năm qua.

Thị trường nhiều tiềm năng nhưng phân mảnh

Theo ước tính, giá trị thị trường thịt của Việt Nam đạt 12 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018, trong đó 62% là thịt heo. Về các công ty đang hoạt động trên thị trường, Công ty cổ phần (CTCP) Chăn nuôi CP Việt Nam, công ty con của tập đoàn CP Thái Lan đang là nhà sản xuất thịt lớn nhất tại Việt Nam, với thị phần thịt heo ước tính khoảng 16% trong năm 2018.

Một số nhà sản xuất thịt heo quy mô khác có thể kể tới là CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), CTCP tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), CTCP Masan MEATLife (MML), CTCP GreenFeed Việt Nam... Trong đó, ngoại trừ MEATLife sản xuất các sản phẩm thịt mát, hầu hết doanh nghiệp còn lại đều tập trung vào thịt ấm, phân phối thịt heo chủ yếu qua chợ truyền thống và siêu thị. Tất cả doanh nghiệp đều sử dụng mô hình trang trại hợp tác để tăng sản lượng.

Với Dabaco, doanh nghiệp này đang sở hữu tám trung tâm chăn nuôi heo ở miền Bắc với tổng công suất thiết kế khoảng 750.000 heo giống mỗi năm. Các sản phẩm chăn nuôi heo chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Dabaco (năm 2018 chiếm 49%). Do vậy, sự biến động của thị trường thịt heo có ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của doanh nghiệp này.

Lũy kế chín tháng đầu năm 2019, doanh thu của DBC đạt hơn 5.323 tỉ đồng, tăng gần 5%, song giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp giảm về 685 tỉ đồng. Bên cạnh đó, áp lực chi phí lãi vay tăng đáng kể, khiến lợi nhuận sau thuế của DBC chỉ còn 47 tỉ đồng, bằng một phần năm cùng kỳ năm ngoái.

So với kế hoạch 10.401 tỉ đồng doanh thu và 356 tỉ đồng lãi ròng, trong chín tháng đầu năm nay, DBC mới chỉ thực hiện được 51% kế hoạch doanh thu và 13% kế hoạch lợi nhuận. Tuy nhiên, trong quí 4-2019 và năm 2020, với việc giá thịt heo có mức tăng phi mã, kết quả kinh doanh của DBC nhiều khả năng sẽ có sự cải thiện mạnh trong các quí tới.

Năm 2019 mặc dù giá thịt heo tăng mạnh nhưng cổ đông nắm giữ cổ phiếu các công ty liên quan đến mặt hàng này vẫn thất vọng vì giá cổ phiếu giảm sâu hoặc không tăng mấy.

Việc cổ phiếu của các công ty “thịt heo” có khả năng tạo “sóng” trong các quí tới hay không vẫn còn là một ẩn số!

Trong khi đó, với Tổng công ty Chăn nuôi - Vilico (mã VLC), tỷ trọng doanh thu của mảng chăn nuôi heo so với doanh thu thuần hiện ở mức rất thấp, chỉ khoảng 2%. Kể từ khi CTCP GTNFoods sở hữu chi phối Vilico, đơn vị này đã định hướng hoạt động của VLC tập trung chính vào lĩnh vực sữa (Mộc Châu Milk) thay vì chăn nuôi.

MML, công ty con trực thuộc tập đoàn Masan (MSN), mới chỉ tham gia thị trường chăn nuôi và chế biến thịt kể từ năm 2018. Tuy nhiên, tháng 4-2019 MML buộc phải tạm dừng nhà máy do địa bàn nơi nhà máy hoạt động xuất hiện dịch tả heo châu Phi.

MML mới chỉ hoạt động trở lại từ tháng 6-2019 và bắt đầu phân phối tại thị trường TPHCM từ ngày 27-9-2019 nên hiện mảng thịt đóng góp chưa được nhiều vào kết quả kinh doanh chung của tập đoàn Masan. Dù vậy, điều được giới đầu tư chú ý là triển vọng dài hạn của MML.

Lãnh đạo MML cho hay, hiện mảng thịt mát đóng góp 1% trong tổng doanh thu, MML kỳ vọng sẽ nâng tỷ trọng này lên 7% vào năm 2022, qua đó chiếm lĩnh 10% thị phần mảng thịt mát với doanh số khoảng 1-2 tỉ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, MML dự kiến sẽ chuyển từ giao dịch trên sàn UpCom sang niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2022 hoặc 2023.

2019, nguội lạnh trên sàn!

Với việc tăng phi mã của giá thịt heo trong thời gian qua, không ít nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã và đang kỳ vọng vào các cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến mặt hàng này. Trong lịch sử, thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến các đợt “sóng” khi giá nhiên liệu có sự thay đổi mạnh, như sóng cổ phiếu cao su tự nhiên khi giá cao su tăng mạnh cuối năm 2016 và tạo đỉnh chín năm vào tháng 1-2017, hay sóng dầu khí vào năm 2014, sóng thép năm 2017.

Do đó, sự kỳ vọng về xuất hiện “sóng” cổ phiếu ngành chăn nuôi heo là có cơ sở. Tuy nhiên, diễn biến của hầu hết các cổ phiếu có hoạt động liên quan đến thịt heo tính đến nay đều chưa có nhiều nổi bật.

Trong vòng một năm qua, cổ phiếu DBC mới chỉ tăng nhẹ 4%, lên mức 25.200 đồng/cổ phiếu lúc đóng cửa phiên ngày 3-1-2010. Đáng chú ý, cổ phiếu này có diễn biến khá trồi sụt khi trải qua hai tuần đầu tháng 10 tăng giá mạnh, sau đó giảm sâu trở lại trước khi hồi phục kể từ giữa tháng 12-2019 đến nay.

Trong khi đó, cổ phiếu VLC có diễn biến gần như đi ngang với thanh khoản ở mức rất thấp, chỉ vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên.

Ngày 9-12-2019, Masan MEATLife - đơn vị sở hữu thương hiệu thịt mát MEATDeli đã đưa 324,3 triệu cổ phiếu MML lên giao dịch trên sàn UpCom với giá tham chiếu 80.000 đồng/cổ phiếu. Trái với giao dịch sôi động trên thị trường OTC trước thời điểm lên UpCom, cổ phiếu MML giảm 12,6% ngay trong phiên khai trương giao dịch và hiện tại giao dịch quanh mức 66.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm 18% so với mức giá hồi mới lên sàn.

Tương tự Masan MEATLife, cổ phiếu VSN của Vissan đến nay cũng đã giảm 27% so với đầu năm 2019, xuống còn 31.300 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 3-1-2020. Điều đáng nói là diễn biến kém tích cực của cổ phiếu VSN diễn ra trong bối cảnh Vissan ghi nhận kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm 2019 ở mức khả quan, với 3.522 tỉ đồng doanh thu và 149 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 10% và 42% so với cùng kỳ năm 2018.

Cùng chiều với diễn biến của cổ phiếu MML và VSN, cổ phiếu PSL của CTCP Chăn nuôi Phú Sơn cũng giảm mạnh 35% trong vòng một năm qua với thanh khoản thấp, khối lượng giao dịch bình quân chỉ vài ngàn đơn vị mỗi phiên.

Như vậy, có thể thấy năm 2019 mặc dù giá thịt heo tăng mạnh nhưng cổ đông nắm giữ cổ phiếu các công ty liên quan đến mặt hàng này vẫn thất vọng vì giá cổ phiếu giảm sâu hoặc không tăng mấy. Việc cổ phiếu của các công ty “thịt heo” có khả năng tạo sóng trong các quí tới hay không vẫn còn là một ẩn số

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại