menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Tùng Thiện Pro

[CÙNG BÀN LUẬN] Bí ẩn phía sau những cú sụt bất thường

Cho đến tận thời điểm này, truyền thông vẫn phân tích đổ lỗi về tình trạng giảm sâu của chứng khoán Việt Nam. Chúng ta gọi đây là “những cú sụt bất thường”. Họ “không chịu” đưa ra nguyên nhân thực sự của vấn đề. Điều này có thể khiến nhiều người mất phương hướng về nhận định các tình huống. Khi đó, rất có thể nhà đầu tư sẽ tiếp tục chịu thiệt hại lớn.

Trong nội dung bài viết, đầu tiên, chúng ta sẽ xem xét qua sự phụ thuộc của thị trường Việt Nam vào thị trường quốc tế. Tiếp theo là những biến động đặc thù khiến thị trường giảm sâu rất bất thường. Chúng không chỉ gây bất ngờ lớn cho hầu hết nhà đầu tư, mà cả các “chuyên gia”. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính giống như đang bị che dấu. Cuối cùng, bài viết sẽ chỉ ra nguyên nhân thực sự của những bất thường.

Sự phụ thuộc của chứng khoán Việt nam

Trước hết, chúng ta sẽ xem xét tính phụ thuộc bình thường của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này sẽ giúp làm nổi bật về “những cú sụt bất thường”.

Việt Nam là một thị trường nhỏ, lại phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Vì vậy, sẽ rất dễ hiểu khi chứng khoán trong nước cũng đi theo sự biến động của chứng khoán thế giới.

Chịu ảnh hưởng từ chứng khoán Mỹ

Điều này không có gì lạ, dường như ai cũng quan sát thấy. Bởi vì Mỹ là một nền kinh tế khổng lồ, chiếm tới 24% tổng GDP toàn cầu. Do vậy, nền kinh tế và chứng khoán Mỹ thường ảnh hưởng lớn đến kinh tế nói chung và chứng khoán thế giới nói riêng. Tác động như vậy đối với Việt Nam là không ngoại lệ.

Mặc dù vậy, thời gian gần đây, có một vài xu hướng bất thường xuất hiện. Nghĩa là có những giai đoạn, cả thị trường Mỹ và thế giới tăng đột biến. Trong khi đó, thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng giảm sâu. Chúng ta sẽ xem xét chi tiết ở phần sau.

Những điều thường thấy

Để quan sát kỹ hơn và có nhận định so sánh, chúng ta sẽ xem xét biểu đồ chỉ số Dow Jones và VN-Index. Khoản thời gian so sánh là trong vòng 5 năm qua.

Biểu đồ được lấy từ trang tradingview. Trong đó, phía trên là biểu đồ chỉ số Dow Jones, phía dưới là Biểu đồ chỉ số VN-Index:

[CÙNG BÀN LUẬN] Bí ẩn phía sau những cú sụt bất thường

Nhìn chung, hai biểu đồ khá đồng dạng. Nói cách khác, có thể tin rằng chứng khoán Việt Nam biến động theo chứng khoán Mỹ. Hoặc cũng có thể nói rằng phụ thuộc vào chứng khoán Mỹ theo nghĩa nào đó. Đây là những diễn biến bình thường mà nhiều nhà đầu tư nhận thấy.

Trong hình trên, bạn lưu ý đường thẳng màu đỏ nối giữa hai biểu đồ. Đó là ở giai đoạn đầu tháng 2/2020. Mục đích là để bạn nhận biết rõ hơn sự tương đồng ở cả chiều giảm sâu và tăng mạnh trở lại.

Những cú sụt bất thường

“Những cú sụt bất thường” ở đây được hiểu theo nghĩa:

Chứng khoán Việt Nam biến động trái ngược so với chứng khoán Mỹ và thế giới. Hiện tượng này không phổ biến. Chúng chỉ xuất hiện ở những khoảng thời gian nhất định. Để xem xét kỹ hơn, chúng ta tiếp tục quan sát hai biểu đồ nói trên trong vòng 1 năm qua:

[CÙNG BÀN LUẬN] Bí ẩn phía sau những cú sụt bất thường

Đợt giảm bất thường mạnh nhất

Đường thẳng màu đỏ chỉ ra một ví dụ về sự khác biệt bất thường. Đó là vào khoảng cuối tháng 9 năm 2022. Trong đó, chứng khoán Mỹ bắt đầu chạm đáy và có xướng tăng, thậm chí tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp nối đà giảm rất sâu.

Theo Dow Jones, mốc chạm đáy để bắt đầu xu hướng tăng trở lại của chứng khoán Mỹ là ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, tính từ thời điểm đó, VN-Index giảm tiếp khoảng 20% mới chạm đáy vào ngày 15/11/2022. Nói cách khác, chỉ trong vòng một tháng rưỡi, tỷ lệ giảm của VN-Index “bằng cả năm” của Dow Jones.

Giảm do bất ổn từ lĩnh vực bất động sản

Đó là vào khoảng đầu tháng tư năm 2022, khi một loạt lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt. Trong đó, điển hình là vụ ông Nguyễn Văn Quyết – Chủ tịch FLC. Ngoài ra còn có lãnh đạo các doanh nghiệp khác như Đỗ Thành Nhân, Đỗ Anh Dũng, …

Nếu lấy đáy so với đỉnh, trong năm 2022, chỉ số Dow Jones giảm khoảng 22%. Nhưng vì những vấn đề nêu trên, chỉ số VN-Index đã giảm tới gần 40%!

Ở thời điểm ngày 2/12/2022, sau khi đã phục hồi mạnh, chỉ số Dow Jones chỉ còn cách đỉnh 6,5%. Trong khi đó, mặc dù đã tăng khá ấn tượng, VN-Index vẫn còn cách đỉnh tới gần 30% ở cùng thời điểm.

Nguyên nhân của những cú sụt bất thường

Nhìn chung, sự giảm sâu, hay những cú sụt bất thường, của thị trường Việt Nam giống như “hoạ vô đơn chí” vậy. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn nguyên nhân của những giai đoạn bất thường. Nghĩa là khi thị trường thế giới đã tăng, nhưng chứng khoán trong nước vẫn tiếp tục giảm sâu. Có thể thấy các nguyên nhân chủ yếu sau:

– Chính sách vĩ mô “cắc bụp”;

– Tình trạng vi phạm pháp luật;

– Nhận thức và tâm lý nhà đầu tư.

Không thể đổ lỗi cho “thị trường thế giới”

Nếu nói về những cú sụt bất thường, người ta không thể đổ lỗi cho “thị trường thế giới”. Bởi vì theo biểu đồ trên, từ cuối tháng 9/2022 đến 15/11/2022, thị trường thế giới đã tăng mạnh trở lại. Còn thị trường Việt Nam thì vẫn “cắm đầu” lao xuống thêm tới 20%.

Nói cách khác, chỉ trong vòng hơn một tháng, chứng khoán giảm bằng khoảng cả 3 năm gửi tiết kiệm. Nhưng đáng tiếc, thị trường thế giới lại được viện dẫn là nguyên nhân chủ yếu cho trạng thái giảm bất thường. Chúng ta thấy sự đổ lỗi “ngược đời” này từ cả “chuyên gia”, cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán, và truyền thông.

Chính sách vĩ mô “cắc bụp”

Để hiểu tại sao nói rằng chính sách vĩ mô “cắc bụp”, chúng ta xem qua chính sách điều hành vĩ mô của Mỹ.

Trong hầu hết các chính sách vĩ mô, người Mỹ luôn có kế hoạch và thông cáo báo chí rất sớm. Hãy lấy ví dụ của FED trong điều hành chính sách tiền tệ. Cơ quan này thường có lịch họp, nội dung họp để thông cáo báo chí cách đó một vài tháng (1). Tương tự, giới chuyên gia và người dân cũng đã nắm được quan điểm điều hành chính sách tiền tệ rõ ràng khá lâu trước khi nó được triển khai. Điều này trước hết thể hiện ở mức và tỷ lệ tăng lãi suất trong tương lai.

Người ta có thể thấy chính sách minh bạch như vậy khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhưng tại Việt Nam, có vẻ nhà đầu tư nên sử dụng “thuật ngữ” thông dụng trong lĩnh vực chứng khoán để mô tả chính sách tiền tệ như vậy. Đó là Ngân hàng Nhà nước đã “úp sọt” thành công người dân nói chung, doanh nghiệp và nhà đầu tư nói riêng. Hiển nhiên, chính sách này đã góp phần vào những cú sụt bất thường như đã nêu.

Rõ ràng, người ta có quyền đặt câu hỏi về những ai đang hưởng lợi từ chính sách vĩ mô?

Bạn có thể so sánh với chính sách tiền tệ ở nhiều nước trên thế giới đã được đề cập. Chúng ta không khỏi cảm thấy hài hước đến “ngỡ ngàng” khi một số báo cũng phải giật tin:

[CÙNG BÀN LUẬN] Bí ẩn phía sau những cú sụt bất thường
Ảnh: Chụp báo Hà tĩnh từ Google

Tình trạng vi phạm pháp luật

Những “cú sụt bất thường” nêu trên thường gắn chặt với tình trạng vi phạm pháp luật. Cụ thể hơn là trong lĩnh vực chứng khoán, và điều hành doanh nghiệp nói riêng.

Đồng thời, một đặc điểm nữa khá dễ nhận biết. Đó chính là tình trạng vi phạm pháp luật phổ biến hơn cả trong lĩnh vực bất động sản. Đặc điểm này dẫn đến cổ phiếu bất động sản được xem là nguy hiểm nhất.

Nhận thức và tâm lý nhà đầu tư

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính mà các cơ quan quản lý nhà nước thường đổ lỗi. Tuy nhiên, với những vấn đề “úp sọt” và nhờn luật như trên, có nhà đầu tư nào không giật mình? Đây không phải là phản ứng đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nó là thực trạng của hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới nếu xảy ra các sự kiện tương tự. Và điều này vẫn luôn tạo ra những cú sụt bất thường.

Chẳng hạn, sự kiện chuyến viếng thăm của bà Pelosi đến Đài loan khiến không ít thị trường lao dốc thẳng đứng. Hay thông tin có thể bị huỷ niêm yết của Alibaba đã ảnh hưởng nặng lên tối thiểu là chứng khoán Hongkong và Thượng Hải. Bởi vì nhà đầu tư chứng khoán nói chung cực kỳ nhạy cảm với thông tin.

Mặc dù vậy, nhận thức và tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng góp phần nào đó tạo ra “những cú sụt bất thường”. Đây nên được xem là đặc thù của các thị trường kém phát triển. Thậm chí, phổ biến nhà đầu tư tham gia thị trường giống như cờ bạc trong chứng khoán vậy.

Hơn thế, dường như chúng ta được trang bị quá ít kiến thức. Nhiều nhà đầu tư còn đề cao “thực chiến”. Nhưng chúng ta đã trả lời trong bài viết “thực chiến” hay “hùng hục chặt cây?”.

Từ những cú sụt bất thường, nên rút ra điều gì?

Đối với “những cú sụt bất thường”” vừa qua, người ta không nên chỉ đổ lỗi cho “khách quan”. Cụ thể hơn còn có nguyên nhân chủ quan từ các cơ quan quản lý nhà nước và “chuyên gia”.

Điều gì xảy ra nếu không nhận thức đúng? Đơn giản là nhiều nhà đầu tư có thể sẽ tiếp tục lỗ nặng.

Đây là giai đoạn bạn cần chú ý đến những rủi ro tiềm tàng khi thị trường đang hưng phấn. Nghĩa là nhà đầu tư nên chuẩn bị trước cho cả những tình huống bất lợi. Bởi vì nguyên nhân suy thoái kinh tế vẫn chưa chấm dứt. Có thể thị trường sẽ lặp lại tình trạng giảm mạnh tương tự như đầu năm 2022 hoặc từ tháng 10 đến giữa tháng 11/2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Hoàng Tùng Thiện Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

26 Yêu thích
23 Bình luận 24 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại