menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Đức Giang

Đề xuất lấp hồ Thành Công xây chung cư: Cẩn trọng là việc làm cần thiết

Người dân sống quanh khu vực hồ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) lâu nay vốn đã bức xúc vì tình trạng cao ốc bủa vây, nay lại "dậy sóng" trước đề xuất lấp một phần hồ để xây chung cư.

Người dân sống quanh khu vực hồ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) lâu nay vốn đã bức xúc vì tình trạng cao ốc bủa vây xung quanh thì nay lại "dậy sóng" trước đề xuất lấp một phần hồ để xây chung cư của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Việt Hưng. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thủ đô đang ở mức rất xấu, nhiều người lo ngại việc san lấp hồ sẽ khiến thành phố phải gánh chịu những hệ lụy sau này.

Từ không gian mở thành không gian kín

Đây không phải lần đầu tiên việc đề xuất lấp hồ Thành Công được doanh nghiệp này đưa ra. Trước đó, cách đây 2 năm, lãnh đạo Công ty này đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1 ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, đề xuất đã vấp phải sự phản đối của lãnh đạo thành phố cũng như người dân, chuyên gia…

Còn lần này, Công ty lại tiếp tục đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị; đồng thời cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.

Cụ thể, theo 2 phương án mà nhà đầu tư đưa ra thì phương án 1 cơ bản tuân thủ theo quy hoạch được duyệt, giữ nguyên ranh giới, quy mô khu vực lập quy hoạch khoảng 23,06 ha. Tầng cao khối nhà chung cư cơ bản tuân thủ quy chế cao tầng được duyệt (không quá 24 tầng). Đồng thời, chủ đầu tư đề xuất thêm một số công trình chức năng thương mại dịch vụ, văn phòng... cao 35 tầng (vượt so với quy chế cao tầng). Dân số giữ nguyên theo hiện trạng khoảng 20.000 người.

Còn phương án 2 sẽ điều chỉnh lại ranh giới lập quy hoạch lên 24,34 ha; trong đó, có đề xuất mở rộng diện tích 4.267 m2 mặt hồ Thành Công để làm nhà tái định cư. Theo đó, phần diện tích mặt nước bị mất đi sẽ được bù lại tại khu vực khác trong dự án. Tầng cao công trình tối đa 35 tầng, dân số khoảng 22.000 người, tăng 2.000 người.

Ngay sau khi đề xuất trên được đưa ra, dư luận đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nêu rõ quan điểm không đồng tình và cho rằng đây là phương án không hợp lý và trái với quy hoạch đặt ra.

Theo ông Nghiêm, hồ là cảnh quan thiên nhiên nên không chỉ đong đếm ở diện tích mặt nước mà còn ở hình dáng, thẩm mỹ. Hiện nay, hồ Thành Công tiếp cận một phần ở ngã tư Huỳnh Thúc Kháng tạo nên không gian mở. Nếu lấp đi để xây dựng công trình cao 35 tầng thì sẽ đánh đổi không gian của ngã tư trở thành không gian kín.

Trong phương án cải tạo khu tập thể Thành Công, tầng cao tối đa được đề xuất nâng lên tới 35 tầng và chiếm tới 70% là tỷ lệ căn hộ nhỏ loại 47,5m2; 20% là loại căn hộ 60m2 và 10% còn lại là loại căn hộ 75m2. Theo ông Nghiêm, với tỷ lệ cơ cấu căn hộ như vậy thì mật độ dân cư sẽ lớn hơn 10% so với quy hoạch dự định.

Còn theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện nay, trong quy hoạch đô thị đã quy định khi xây dựng đô thị ít nhất phải để lại 20% diện tích để làm hồ điều hòa, đường đi lại và công viên cây xanh. Tuy nhiên, đến nay rất hiếm khu đô thị có hồ, thậm chí Linh Đàm là khu đô thị kiểu mẫu nhưng hồ cũng bị lấp đi một phần. Đó là hiện trạng bất cập trong công tác quản lý quy hoạch.

Thực tế cho thấy, tại các khu chung cư phía Tây và Tây Nam Thủ đô, xây chung cư càng nhiều thì càng ngập nặng mỗi khi có mưa lớn, đặc biệt là khu vực phía Hà Đông. Tất cả các khu đô thị mới sau này ở khu vực trên đều xây dựng trên cơ sở các hồ ao, ruộng lúa. Trước đây, nhân dân trồng lúa rất kinh nghiệm, chỗ nào trũng thì mới trồng lúa, còn cao ráo thì trồng hoa màu, cây cối.

Theo ông Tùng, người dân quanh khu vực hồ Thành Công lâu nay đã bức xúc vì có nhiều cao ốc xây "bịt mặt", nay lại đề xuất lấp một phần diện tích hồ. Nếu điều này xảy ra, việc phải trả giá bằng môi trường, ngập lụt, tắc đường và hơn thế là sức khỏe người dân sẽ khó tránh khỏi.

Đồng tình với quan điểm này, bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, đây là chuyện ngược đời bởi tạo thêm hồ còn không được, nay lại đề xuất lấp một phần hồ. Hồ là "lá phổi" để điều hòa nước, không khí và môi trường. Thực tế đã nhìn rõ hậu quả của việc lấp hồ, lấp cống trong quá trình xây dựng, đó là tình trạng ngập lụt trong thành phố.

Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên

Có một thực tế là để có lợi nhuận, chủ đầu tư buộc phải nâng tầng. Điều này sẽ dẫn đến gia tăng dân số, gây áp lực lên hạ tầng đô thị và trong khu vực. Hiện chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Việt Hưng đang báo cáo mức tăng mật độ dân cư ở khu Thành Công là 10%, nhưng nhiều người lo ngại con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Dẫn chứng ở khu vực Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Thạc sỹ - Kiến trúc sư Nguyễn Thành Hưng (Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia) nhận định, mật độ cư dân ở khu Thành Công rất có thể sẽ như vậy bởi hiện tại đã rất đông, thậm chí có thể vượt ngưỡng trong vài năm nữa. Vậy thì việc xây chung cư mới sẽ đẩy mật độ dân cư thực tế đến mức nào?. Nếu vượt ngưỡng sẽ gây ra những hệ lụy sau này và khổ nhất vẫn là những người dân vô tội. Đặc biệt, việc lấp hồ làm ảnh hưởng lớn đến việc điều tiết nước, không khí, cảnh quan trong khu vực.

"Chắc chắn quanh hồ Thành Công, chẳng hộ dân nào chờ đợi bi kịch chỉ cách nhà chừng 1km mà 7h tối đi làm về chưa vượt qua nổi tình trạng hỗn độn vì tắc đường", ông Hưng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, việc lấp một phần hồ Thành Công hay bất cứ hồ nào ở Hà Nội là sai lầm, không thể chấp nhận được. Việc cải tạo chung cư cũ là cần thiết, nhưng phải bảo đảm hài hòa nhiều vấn đề của đô thị. Nhà nước phải giám sát các doanh nghiệp, không thể chọn những doanh nghiệp không đủ năng lực để triển khai vì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó kiểm soát. Ở Hà Nội, những khu đô thị vệ tinh đang hình thành, thành phố nên tạo điều điện cho các doanh nghiệp thực hiện tại các khu đô thị đó thay vì lấp hồ để xây chung.

Về phía đơn vị quản lý Nhà nước, trước đề xuất lấp một phần hồ Thành Công để xây dựng chung cư, đại diện lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định đây chỉ là ý tưởng trong nội dung đề xuất của nhà đầu tư báo cáo trước Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố và chưa nhận được sự đồng thuận của các thành viên Hội đồng thẩm định. Nhà đầu tư cần nghiên cứu lại phương án lập ý tưởng quy hoạch cho khu vực này tuân thủ theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng nhấn mạnh, hồ Thành Công hay bất kỳ hồ nào khác trên địa bàn thành phố đều là tài sản vô giá cần được bảo vệ, không có chuyện nhà đầu tư thích làm gì cũng được. Vì vậy, những ý tưởng lập quy hoạch cải tạo xây mới chung cư cũ đều được Hội đồng thẩm định đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình UBND thành phố xem xét, quyết định làm cơ sở để nhà đầu tư tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500

Quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch sẽ phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi trình phê duyệt theo đúng quy trình, quy định, chứ không có chuyện nhà đầu tư đề xuất là được phê duyệt.

Cũng theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, nhiều phương án cải tạo chung cư cũ vừa trình Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố; trong đó có hồ Thành Công có điểm hạn chế rất lớn là đều đề xuất tăng nhà cao tầng, làm giảm nhiều chỉ tiêu về diện tích cây xanh, trường học và tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng. Trong khi đó, Hà Nội đang khó điều tiết giảm dân số nội đô nhằm cải thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Với điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực nghiên cứu quy hoạch hiện nay chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt, việc các nhà đầu tư đề xuất tăng tầng cao và quy mô dân số không phù hợp với định hướng quy hoạch chung và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô Hà Nội. Do đó, một số nội dung đang vượt quá thẩm quyền quyết định của UBND thành phố Hà Nội và phải báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại