menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Văn Thái

Dịch tả lợn châu Phi: Cần đánh giá lại con số 8,5% lợn bị tiêu hủy

Giá thịt lợn hiện vẫn đang đứng ở mức rất cao, xấp xỉ với giá thịt bò, có nơi đã lên tới 180.000- 200.000 đồng/kg. Nhiều ý kiến đặt vấn đề hoài nghi về con số thống kê số lợn chết và tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi mà phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra. Bởi với 5,8 triệu con tương đương 8,5% tổng lượng lợn hơi cả nước bị tiêu hủy rõ ràng không “nhằm nhò” gì mà giá vẫn tăng một cách vô lý?

Con số liệu có “hơi” lạc quan?

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết ngày 13/11/2019, cả nước đã có 8.400 xã có dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy 5,8 triệu con lợn, tương đương hơn 300.000 tấn thịt hơi, chiếm 8,5% tổng lượng lợn hơi cả nước. Không chỉ thông tin những con số rất đẹp, phía Cục Thú y cũng đưa ra những con số “phấn khởi” khi đến thời điểm này, chúng ta cũng đã có trên 5.000 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch mới.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, khi đi làm việc trực tiếp tại Đồng Nai, Hà Nam, và các tỉnh thành khác, con số này còn cao hơn nhiều. “Rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tự họ tiêu hủy, thậm chí vứt ra sông, ra suối mà không báo cáo, nguyên nhân do nhiều hộ dân lo sợ nếu báo cáo sẽ bị tiêu hủy cả đàn. Như vậy, lượng lợn bị tiêu hủy còn cao hơn rất nhiều số liệu mà hiện nay chúng ta đã có”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Điều này hoàn toàn có căn cứ, bởi mới đây nhất, tại miệng cống thuộc địa bàn xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) người dân phát hiện nhiều xác lợn chết trong bao tải. Chính quyền xã Ngọc Sơn cũng đã nhận định đây là số lợn chết do mắc dịch tả lợn châu Phi nên phối hợp với cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm và đào hố chôn lấp theo quy định. Trước đó, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng vứt trộm ra sông. Vào thời điểm tháng 5/2019, số lượng lợn chết vớt được từ kênh mương hoặc trôi nổi trên sông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được tính tới cả chục tấn....

Trong khi giá lợn vẫn đứng ở mức ngất ngưởng thì trong các báo cáo của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đưa ra những giải pháp chung chung như: Cần thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các loại thực phẩm của từng vùng, nhất là mặt hàng thịt lợn; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho vấn đề lưu thông mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt lợn; các địa phương cần chú trọng làm tốt công tác tái đàn lợn có kiểm soát;… Giá thịt lợn thì vẫn đang đứng ở mức cao xấp xỉ với giá thịt bò. Giải pháp phía Cục Chăn nuôi đưa ra dường như “không có lối thoát”. Nhiều ý kiến hoài nghi về con số 5,8 triệu con lợn bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi so với 25 triệu con trên cả nước thì “nhằm nhò” gì mà giá vẫn tăng một cách vô lý? Rõ ràng, phải nhìn nhận vào thực tế rằng, nguồn cung thịt lợn đang thiếu và việc giá thịt tăng cao ở một số địa phương không thể do khâu lưu thông.

Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì chiều 18/11, tại trụ sở Chính phủ, đại diện Bộ Tài chính cũng đưa ra nhận định, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "hơi lạc quan".

Khẳng định thiếu hụt về nguồn cung là rõ ràng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT làm rõ các vấn đề: Kế hoạch của Bộ là giảm thiếu hụt, bù đắp được bao nhiêu, bao nhiêu phải nhập; số lượng đã mất đi thì phải triển khai công tác tái đàn; Bộ đã ngồi tính toán cho từng tỉnh tái đàn như thế nào? Tái ở đâu, biện pháp tái thế nào mà không để dịch bệnh. “Cứ nói chung chung tái đàn, sản xuất giờ mới cần bàn tay của Nhà nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tăng phối hợp, tránh "đá bóng" trách nhiệm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê làm lại báo cáo, đánh giá thực chất, trong đó Bộ NN&PTNT phải tính toán kỹ cung - cầu từng tháng, nhất là trong 3 tháng tới, báo cáo Chính phủ kế hoạch cụ thể về việc tái đàn để đảm bảo bù đắp nguồn cung, đảm bảo không dư thừa cho giai đoạn sau.

Phát biểu tại Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh thành phố trong cả nước năm 2019, diễn ra chiều ngày 20/11, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện mặt hàng thịt lợn tăng giá rất cao. Rõ ràng nguồn cung thịt lợn thiếu. Thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm. Sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9 - 10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước. Như vậy, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng có thể thiếu mấy chục nghìn tấn thịt lợn. Đây là con số thực tế mà các địa phương có thể biết hơn ai hết.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị gần 60 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị giao thương kết nối dung cầu phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT địa phương để có thể xác định chính xác tình hình nguồn cung thịt lợn hiện tại. Để từ đó mới có giải pháp cụ thể cho đảm bảo nguồn cung và công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp trước, trong và ngay sau Tết.

Dịch tả lợn châu Phi diễn ra gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và nay là cả người tiêu dùng - khi phải mua thịt lợn với giá cao “ngất ngưởng”. Để cùng nhau chống dịch, cũng như đảm bảo cân đối cung cầu nguồn cung thịt lợn, đòi hỏi sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người chăn nuôi. Bộ NN&PTNT tránh việc "đá bóng sang sân khác", đổ lỗi giá lợn thịt một số nơi tăng cao thất thường những ngày qua phần chính không phải do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề làm cho tình trạng trở nên phức tạp hơn, trong đó, có biểu hiện găm hàng, thổi giá.

Vào chiều ngày 22/11, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm Trưởng đoàn sẽ có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về công tác đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong đó, nội dung sẽ đánh giá tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhất là mặt hàng thịt lợn trong các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2019.

Trước đó, ngày 11/11, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu đã sang làm việc với Bộ NN&PTNT, làm rõ vấn đề có thiếu thịt lợn hay không, thiếu ở mức độ nào. Tại buổi làm việc, 2 Bộ đã thống nhất sơ bộ số liệu cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn các tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 như sau: Dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200 nghìn tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70 nghìn tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại