menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hải

Doanh nghiệp chăn nuôi lợn kỳ vọng lấy lại ưu thế trong nửa cuối năm 2022

Việc giá lợn hơi tăng cao và chi phí thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt có tác động tích cực đến các kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành sản xuất thịt.

Trong quý II/2022, doanh nghiệp chăn nuôi lợn phải đối mặt với khó khăn do chi phí sản xuất, giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi thời điểm đầu quý II không tăng đáng kể. Mặt khác, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và nuôi tái đàn. Do đó, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp giảm mạnh. Dù vậy nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cho là đang dần lấy lại ưu thế nhờ giá lợn hơi tăng cao và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm.

*Lợi nhuận bị bào mòn vì chi phí

Quý II/2022, biên lợi nhuận gộp của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) vẫn sẽ chịu áp lực do tác động của giá thức ăn chăn nuôi đầu vào tăng cao và giá lợn hơi đi ngang.

Cụ thể dù quý II, Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 2.966,37 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 93,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt đạt 14,28 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 18,1% về chỉ còn 9,6%.

Với biên lợi nhuận gộp chỉ là 9,6% trong quý II, đây là mức biên lợi nhuận gộp thấp nhất từ năm 2008 tới nay nếu tính theo năm.

Nguyên nhân lợi nhuận quý II lao dốc chủ yếu do tốc độ tăng giá vốn cao hơn tốc độ tăng doanh thu dẫn tới lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Dabaco Việt Nam cho rằng trong kỳ dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn.

Tình hình chính trị phức tạp trên thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraine gây biến động lớn tới giá cả nguyên vật liệu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế.

Công ty phải đối mặt với khó khăn do chi phí sản xuất, giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi thời điểm đầu quý II không tăng đáng kể. Mặc khác, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và nuôi tái đàn.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 5.772,2 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 22,88 tỷ đồng, giảm 96,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, Dabaco đặt kế hoạch tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,8% và 10,7% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 2,5% kế hoạch lợi nhuận và cách rất xa kế hoạch lãi 918 tỷ đồng.

Dabaco nằm trong top 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu cả nước, sở hữu 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việc tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi sẽ giúp công ty giảm áp lực tăng chi phí đầu vào và hưởng lợi từ giá lợn hơi tăng trong 6 tháng cuối năm.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng biên lợi nhuận gộp trong quý III/2022 sẽ phục hồi đáng kể so với quý trước, nhờ giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt và giá lợn hơi tăng cao từ giữa tháng 6/2022.

Đối với Công ty cổ phần Masan MEATLife - Masan MEATLife’s (mã chứng khoán: MML) do đã chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu của Masan MEATLife’s giảm 81% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.941 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2022. Doanh thu này hoàn toàn đến từ mảng kinh doanh thịt. Trên cơ sở so sánh tương đương, loại trừ doanh thu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần của Masan MEATLife’s giảm 6,1% do giá thịt lợn giảm.

Biên lợi nhuận gộp và biên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) của mảng trang trại lợn trong 6 tháng năm 2022 đạt 17,6% và 25,5%, giảm so với mức 44,9% và 50% trong cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT ước tính 40% thịt lợn đầu vào của Masan MEATLife’s được nhập từ bên thứ ba, do đó giá lợn hơi tăng sẽ dẫn đến tăng chi phí đầu vào. Tuy nhiên, Masan MEATLife’s có sức mạnh đặt giá giúp chuyển chi phí đầu vào tăng sang người tiêu dùng và tăng giá bán lẻ thông qua đa dạng hóa sản phẩm.

Do đó, VNDIRECT cho rằng biên lợi nhuận gộp của Masan MEATLife’s sẽ cải thiện nhẹ khoảng 1-2% trong quý III/2022 nhờ giá bán lẻ tăng sẽ bù đắp cho giá lợn hơi đầu vào tăng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) có mảng doanh thu thịt lợn đạt 259 tỷ đồng trong quý II, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ bán lợn là 66 tỷ, gấp 2,35 lần quý II/2021 và biên lợi nhuận gộp đạt 25,4%.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai sở dĩ đạt được kết quả tích cực như vậy là do có thể tận dụng sản lượng chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ mảng kinh doanh trái cây để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Chuối sấy thành bột (cung cấp đạm cho lợn) chiếm 40% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu như ngô và đậu tương chiếm 60%.

Do đó, công ty có giá vốn hàng bán khoảng 38.000 đ/kg, thấp hơn so với các đối thủ như Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Masan MEATLife’s và Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF).

Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai trong quý III/2022 sẽ tăng rõ rệt nhờ chi phí đầu vào thấp nhất trong số các nhà sản xuất thịt niêm yết.

*Gió đổi chiều 6 tháng cuối năm

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), ngành chăn nuôi đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nửa đầu năm 2022, khi giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi như giá ngô, giá lúa mỳ tăng rất mạnh, trong khi giá lợn không tăng đáng kể.

Tuy nhiên kể từ tháng 6 trở lại đây, diễn biến này đã có sự đảo chiều khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sự hạ nhiệt với giá ngô và lúa mỳ bắt đầu giảm, ngược lại giá lợn hơi đã tăng trở lại.

Với nhận định rằng giá nông sản tiếp tục hạ nhiệt trong cuối năm 2022 khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng được kiểm soát, cùng với đó giá lợn có thể duy trì đà tăng khi nguồn cung thiếu hụt, nhóm ngành chăn nuôi được kỳ vọng có sự cải thiện trong kết quả kinh doanh so với nửa đầu năm 2022

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, tính đến ngày 27/7, giá lợn trong nước tăng 19,9% so với tháng trước và 38,6% so với đầu năm; trong đó, khu vực miền Bắc ghi nhận mức tăng 18,3% so với tháng trước.

Công ty chứng khoán này cho rằng, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung ở một số tỉnh do dịch dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong quý I/2022; chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao và tác động từ đà tăng giá lợn ở Trung Quốc. Giá lợn Trung Quốc tăng đã ảnh hưởng đến giá lợn hơi nội địa tại miền Bắc do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt lợn chính của Việt Nam qua đường tiểu ngạch.

Giá lợn trong nước trung bình đạt 55.800 đồng/kg trong 7 tháng năm 2022, giảm tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gần đây, Chính phủ đang theo dõi sát diễn biến giá thịt lợn trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Giá thịt đóng góp khoảng 4% vào CPI của Việt Nam. Chứng khoán VNDIRECT nhận định, với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong 2022, Chính phủ sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt lợn tăng quá nhanh. Bên cạnh đó, chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm 2022.Do vậy, đà tăng giá thịt lợn gần đây có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng giá lợn sẽ đạt đỉnh 80.000 đồng/kg sau đó hạ nhiệt vào quý IV/2022. Trong khi giá thịt tăng thì giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm.

Giá một số hàng hóa có xu hướng giảm dần trong tháng 6/2022 sau khi tăng nhanh trong từ tháng 2 đến tháng 3/2022. Tháng 6/2022, giá lúa mì thế giới giảm 11,6% so với tháng trước, sau khi đạt mức cao kỷ lục trong 5 năm vào tháng 5/2022. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương vẫn dao động ở mức cao trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá đã chậm lại so với đầu quý II/2022.

Dựa trên dự báo giá hàng hóa toàn cầu cả năm của Ngân hàng Thế Giới (WB), Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm nhẹ khoảng 6-10% trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2022. Giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao trong quý III/2022 và hạ nhiệt dần trong quý IV/2022.

Giá hàng hóa toàn cầu đã tăng nhanh trong 6 tháng năm 2022 như lúa mì tăng 48,5% so với cùng kỳ, đậu tương tăng 12,8% và ngô tăng 20,8%. Do đó, giá hàng hóa trung bình trong cả năm sẽ ở mức cao hơn so với năm 2021.

Việc giá lợn hơi tăng cao và chi phí chăn nuôi hạ nhiệt có tác động tích cực đến các kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành sản xuất thịt.

Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất thịt đang được giao dịch P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) ở mức 11,5-20,7 lần, cao hơn mức định giá của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam trong giai đoạn tháng 6/ 2019 – tháng 12/2019 khi giá lợn hơi tăng cao.

“Nhà đầu tư nên thận trọng và chọn lọc giữa các cổ phiếu sản xuất thịt do chúng tôi cho rằng triển vọng tích cực phần lớn đã được phản ánh vào giá” chuyên gia từ Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại