menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồng Ngọc

Doanh nhân Âu Dương Đạt, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty VHT: “Khách hàng đang dạy tôi làm kinh doanh”

Với ông Âu Dương Đạt, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty VHT, sự yên bình kéo dài một thập kỷ là thách thức của người kinh doanh.

Nhưng quyết định thay đổi cốt lõi, tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp không phải là bài toán dễ dàng, nếu thiếu sự nhạy cảm với thị trường, với khách hàng.

Cú xoay bất ngờ

Cuối năm 2019, VHT hoàn tất việc mua lại toàn bộ Movecrop - một nền tảng quản lý đơn hàng, điều phối nhân viên giao hàng do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng. Cách thức vận hành của Movecrop rất giống Grab Express, Go Send…, chỉ khác là Movecrop hướng đến khách hàng là doanh nghiệp.

Theo đó, Movecrop cung cấp công cụ cho các doanh nghiệp giao hàng truyền thống hoặc các doanh nghiệp có chuỗi cửa hàng lớn, để họ có thể tận dụng và quản lý tài xế trong việc giao nhận sản phẩm, hàng hóa.

Việc sáp nhập này đã để lại nhiều thắc mắc trong giới kinh doanh.

Từ trước tới nay, VHT được biết đến như một đại lý cung cấp dịch vụ tiếp thị qua tin nhắn. Mô hình kinh doanh này khá đơn giản. VHT mua số lượng lớn tin nhắn của các nhà mạng với giá sỉ và cung cấp lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu với giá bán lẻ. Nói một cách khác, VHT và Movecrop không có gì liên quan.

Nhưng, với VHT và ông Âu Dương Đạt, mọi việc đều có thể và quyết định sáp nhập như một cú xoay người thành công.

Kết thúc năm 2019, cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp này đã ghi nhận những thay đổi. Dù doanh số năm 2019 giảm hơn một nửa so với năm 2018, nhưng lãi gộp lại tăng gấp đôi.

“Chúng tôi đã thay đổi mô hình kinh doanh cốt lõi. Từ đơn vị bán tin nhắn, chúng tôi trở thành một đơn vị cung cấp phần mềm như một dịch vụ (Software as a Service). Nhưng mọi việc không từ trên trời rơi xuống. Tôi luôn theo dõi khách hàng của mình, xem họ đang làm gì để học hỏi”, ông Đạt thẳng thắn.

Theo lời kể của ông Đạt, bước chuyển mình của VHT phải tính từ năm 2017. Khi đó, Công ty tập trung đầu tư vào hạ tầng VoIP (Voice over IP) và cung cấp dịch vụ tổng đài. Mục tiêu cuối cùng là dùng công nghệ giúp doanh nghiệp có thể giảm giá cước điện thoại khi liên lạc với khách hàng, tiết kiệm chi phí viễn thông, giảm trung bình từ 1.000 đồng/phút xuống còn 300 - 500 đồng/phút (tùy theo quy mô của doanh nghiệp và sản lượng thoại hàng tháng).

Để đạt được tính toán trên, VHT đã đầu tư hạ tầng VoIP Platform, dựa trên giao thức SIP (Session Initiation Protocol – Giao thức Khởi tạo phiên) của Aarenet (Thụy Sỹ). Cũng phải nói thêm, công nghệ Aarenet đang được nhiều nhà mạng lớn lựa chọn đầu tư hệ thống, cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Giải thích một cách đơn giản, SIP là một giao thức truyền thông để truyền tín hiệu và điều khiển các phiên truyền thông đa phương tiện trong các ứng dụng điện thoại Internet, hỗ trợ các cuộc gọi điện thoại thông thường và gọi điện có hình (video) trong các hệ thống điện thoại IP, hoặc các ứng dụng qua mạng Internet.

Khoảng vài năm trước, một số công ty viễn thông đã phát triển các hệ thống SIP, nhưng chủ yếu dựa trên đầu số cố định và phải trả cước kết nối với các nhà mạng di động khi gọi cho người dùng cuối, hầu hết là các thuê bao di động, dẫn đến giá thành cao khi cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.

Cách của VHT là đầu tư công nghệ, hợp tác với các nhà mạng di động để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa các gói cước gọi nội mạng, với mức giá rẻ hơn.

Người kinh doanh thực dụng

Âu Dương Đạt vốn là Giám đốc được thuê để điều hành Việt Hưng Thái, doanh nghiệp tiền thân của VHT, thành lập vào năm 2007. Khi đó, Giám đốc Âu Dương Đạt được nhận 10% cổ phần.

Hai năm sau, các nhà sáng lập VHT muốn bán Công ty, ông Đạt quyết định vay tiền để mua 90% cổ phần còn lại, trở thành ông chủ mới của VHT.

Nhìn lại, quyết định này là cú xoay người đầu tiên và cũng bất ngờ không kém của ông Đạt. Lúc đó, nhân sự ở VHT chỉ có vài người, ông chủ Đạt phải kiêm nhiệm công tác quản lý, kỹ thuật và cả bán hàng. Trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2017, các dịch vụ của VHT chủ yếu vẫn quanh quẩn trong mảng tiếp thị qua tin nhắn.

Ông Đạt kể, có thời gian, Công ty cũng đầu tư vào hệ thống tổng đài, nhưng bản thân ông không cảm nhận thấy, đây sẽ là dịch vụ có khả năng tạo ra tăng trưởng bền vững cho Công ty trong tương lai. Thực tế, thị trường Việt Nam có vài chục đơn vị cung cấp dịch vụ tổng đài và chỉ những doanh nghiệp trong tốp đầu mới có lợi nhuận tốt. Trong khi đó, mảng tin nhắn (SMS) bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, nhiều đơn vị mua hàng đòi mức giá chiết khấu tốt. Áp lực cạnh tranh về giá thường gây ra những đau thương rất lớn với các doanh nghiệp nhỏ. Có lẽ, điều này đã hối thúc ông Đạt nghĩ về việc tái cơ cấu mô hình kinh doanh của VHT.

“Thật ra, cho đến giờ, một số công ty cung cấp dịch vụ SMS vẫn sống khá tốt, nhưng tôi sợ khi thị trường thay đổi, khách hàng thay đổi, VHT chuyển mình không kịp. Chúng tôi phải thay đổi để phục vụ khách hàng của mình”, ông Đạt chia sẻ quyết định “biến hình” cho Công ty VHT vào năm 2017.

Với ý tưởng biến VHT trở thành đối tác cùng đầu tư công nghệ, phát triển thị trường, hợp tác chia sẻ doanh thu với nhà mạng, thay vì chỉ là đại lý như trước kia, ông Đạt quyết định đầu tư hạ tầng VoIP với giao thức SIP.

Nói nghe đơn giản, nhưng thời điểm đó, các nhà mạng chưa quan tâm nhiều đến tiềm năng của dịch vụ này. VHT muốn được hợp tác triển khai lâu dài, thì chỉ có cách tự đầu tư hạ tầng công nghệ, tự tạo ra dịch vụ sản phẩm, dịch vụ mới để kích cầu thị trường.

Ông Đạt đứng trước lựa chọn mang tính sống còn trong sự nghiệp kinh doanh. Nếu đi đúng hướng, cánh cửa cơ hội hợp tác mới hé ra với VHT. Ngược lại, ông có thể sẽ trở lại vị trí giám đốc làm thuê như 10 năm trước.

Tất nhiên, ông Đạt đã vay ngân hàng để đầu tư công nghệ, triển khai hệ thống. Chính quyết định này đã tạo bước đệm cho cú xoay người năm 2019 với Movecrop của VHT.

Quay trở lại với việc mua lại Movecrop, đến đây, mọi chuyện đã rõ ràng hơn. VHT đã tích hợp chức năng gọi vào toàn bộ hệ thống Movecrop, để tạo thành một gói sản phẩm, cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh. Gói sản phẩm này hướng đến khách hàng là các công ty logistics có đội ngũ giao hàng đông đảo, mạng lưới chi nhánh, các bưu cục hiện diện ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo quan sát trên thị trường, tốc độ phát triển của mô hình nhượng quyền bưu cục hiện nay tăng trưởng đến mức chóng mặt và gần như gọi điện thoại là nhu cầu không thể thiếu của các công ty logistics trong quá trình vận hành. Nhu cầu của tập khách hàng này là tối ưu chi phí giao hàng.

“Chúng tôi đang tính giải pháp có thể giảm đến 70% mức cước điện thoại. Chắc chắn, khách hàng của chúng tôi sẽ có lợi”, ông Đạt chia sẻ kế hoạch tới.

Vị thuyền trưởng của VHT tự nhận mình là người khá thực dụng khi cho rằng, các giải pháp dù công nghệ xuất sắc đến đâu, nhưng không giải quyết bài toán chi phí của doanh nghiệp, thì cũng xem như vô dụng. Bởi vậy, bước xoay để đi cùng với Movecrop có thể chưa phải là sự thay đổi cuối cùng của ông Đạt và VHT…

Chat nhanh với Chủ tịch VHT

Ông có nghĩ mình có tính liều lĩnh không?

Tôi không nghĩ mình liều lĩnh.


Theo quan điểm của tôi, liều lĩnh là cố làm việc mà không chắc về kết quả. Còn việc chúng ta thấy cơ hội, nhưng vì một vài lý do chưa đủ tất cả điều kiện, nên phải cố vươn lên, nỗ lực để nắm nhanh lấy cơ hội, thì không thể gọi là liều lĩnh.


Có thể coi đó là nhanh nhạy với thị trường, với thời thế? Điều gì khiến ông có sự nhanh nhạy đó?


Khách hàng. Tôi học rất nhiều từ khách hàng. Họ là người tiếp nhận thay đổi của thị trường đầu tiên. Tìm hiểu khách hàng, học hỏi từ họ là để chúng tôi cảm nhận được cách thị trường đang thay đổi.


Ông coi trọng yếu tố nào trong kinh doanh?

Nhiều người nói đến ý tưởng, nhất là trong giới doanh nghiệp công nghệ. Nhưng tôi chú trọng hơn vào việc thực thi. Điều này quan trọng hơn ý tưởng.


Tôi vẫn nói vui với cộng sự của mình rằng, nếu không tập trung thực thi ý tưởng, thì sẽ là ý của người ta mà tưởng là của mình.


Ông có nỗi sợ nào không?

Tôi sợ những gì diễn ra yên bình, sự ổn định trong thời gian quá lâu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại