menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Lan

Dòng chảy phương Bắc 2 bị đe dọa, Nga tính chuyển hướng năng lượng từ Tây sang Đông

Khủng hoảng Ukraine có thể thúc đẩy việc tái phân phối năng lượng toàn cầu quy mô lớn, Nga sẽ bán dầu mỏ, khí đốt cho Trung Quốc nhiều hơn trong khi giảm giao dịch với châu Âu và khi đó, dòng chảy năng lượng sẽ chuyển từ Tây sang Đông.

Một cuộc xung đột quy mô lớn tiềm tàng ở Ukraine, hoặc thậm chí chỉ một mối đe dọa dai dẳng hiện nay cũng có thể dẫn tới sự dịch chuyển đáng kể của dòng chảy thương mại năng lượng toàn cầu. Trong khi Nga đang đẩy mạnh quan hệ kinh tế và năng lượng với Trung Quốc, Châu Âu cũng đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn khí đốt và dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.

Ván bài Sức mạnh Siberia 2

Nga đã vận chuyển khí đốt tới Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia), hoạt động từ năm 2019. Hai bên đang tới gần việc nhất trí về đường ống Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) nhằm cung cấp năng lượng cho Trung Quốc mà không cần đi qua Mông Cổ.

Ngày 4/2, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã xác nhận hợp đồng với Công ty dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) về việc cung cấp khí đốt tự nhiên dọc lộ trình Viễn Đông. Cùng ngày, nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Bắc Kinh, gã khổng lồ dầu mỏ Rosneft của Nga đã ký thỏa thuận 80 tỷ USD với CNPC cung cấp 10 triệu tấn dầu cho Trung Quốc qua Kazakhstan trong 10 năm.

Thỏa thuận mới giữa Rosneft và CNPC được sửa đổi từ thỏa thuận năm 2013, trong đó Rosneft đồng ý cung cấp 325 triệu tấn dầu cho CNPC trong giai đoạn 25 năm qua Kazakhstan.

Dòng chảy năng lượng Nga đang được chuyển hướng về phía Đông, mặc dù Moscow vẫn là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho Liên minh châu Âu.

Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế thay thế phương Tây, nơi có các thị trường chủ chốt của Nga hay không. Tuy nhiên, nếu nổ ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu áp trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga, trong đó có cả việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, Moscow chắc chắn sẽ xích lại gần Bắc Kinh hơn.

Một cuộc chiến tranh tiềm tàng chắc chắn sẽ khiến Nga phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn và do vậy cũng sẽ trao cho Bắc Kinh những lợi thế lớn hơn trong mối quan hệ song phương. Trong trường hợp đó, Moscow có thể lựa chọn tham gia Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) – một hệ thống tương tự SWIFT do Trung Quốc thiết lập năm 2015 nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm của thế giới – ít nhất để giao dịch năng lượng với Trung Quốc.

Mối quan hệ năng lượng Nga-Trung bắt đầu mở rộng từ khi xung đột ở Ukraine mới nhen nhóm. Tháng 5/2014, một tháng sau khi xung đột bùng phát ở miền Đông Ukraine, Nga bắt đầu chuyển hướng kinh doanh năng lượng sang châu Á. Năm đó, Gazprom đã ký thỏa thuận mua bán 30 năm, cung cấp 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho CNPC.

Theo thỏa thuận, Bắc Kinh được cho là vẫn chỉ phải trả 148 USD/1.000 m3 khí đốt tự nhiên của Nga, thấp hơn nhiều so với mức giá thị trường hiện hành 1.100 USD/1.000m3.

Thỏa thuận 30 năm sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống mới. Các giao dịch trong tương lai cũng sẽ được ấn định bằng đồng euro thay vì đồng USD, một nỗ lực nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Theo hợp đồng mới, Trung Quốc sẽ nhận khí đốt của Nga từ đảo Sakhalin qua đường ống dẫn tới tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc. Do Sakhalin chưa kết nối với mạng lưới đường ống châu Âu của Nga, giới phân tích cho rằng thỏa thuận mới với Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng tới khách hàng châu Âu.

Tuy nhiên, nếu Nga bị loại khỏi SWIFT như Mỹ đã đe dọa, các nước châu Âu không thể thanh toán tiền nhập khẩu khí đốt và điều này sẽ tác động đáng kể đối với an ninh năng lượng của toàn lục địa.

Châu Âu khó tìm nguồn thay thế, Nga tích cực mở rộng thị trường

Hiện có một số dấu hiệu cho thấy EU đã đang chuẩn bị cho việc không còn nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga trong tháng 1/2022 ở mức thấp lịch sử và EU tuyên bố trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 nếu Nga tấn công Ukraine. Bên cạnh đó, EU cũng đang tìm các giải pháp thay thế khí đốt của Nga, trong đó có thể tìm nguồn cung cấp từ Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khí đốt khác không thể nhanh chóng thay thế Nga trở thành nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu, nhất là với những hạn chế về cơ sở hạ tầng.

Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 2 của châu Âu, đã tuyên bố nước này đang cung cấp khí đốt ở mức tối đa và không thể bù đắp nguồn cung bị hao hụt từ Nga nếu có.

Dòng chảy phương Bắc 2 bị đe dọa, Nga tính chuyển hướng năng lượng từ Tây sang Đông
Tàu chở khí đốt hóa lỏng mang cờ Qatar đi qua kênh đào Suez. Ảnh: Agencies

Qatar – một trong những nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và nước xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn thứ 2 thế giới sau Australia – có nguồn cung dự trữ khá hạn chế bởi phần lớn sản lượng hiện tại đều phục vụ cho các hợp đồng dài hạn.

Hơn nữa, Nga hiện đang có kế hoạch tham gia vào việc xây dựng Dòng chảy Pakistan, một dự án dự kiến làm tăng nhu cầu khí đốt ở Pakistan và điều này sẽ phần nào thúc đẩy Qatar quyết định tái phân phối khí đốt tới quốc gia châu Á và giảm cung cấp cho châu Âu.

Trung Quốc, khách hàng năng lượng lớn nhất thế giới có thể thực sự thay thế châu Âu trở thành thị trường chủ chốt đối với dầu mỏ, khí đốt và thậm chí cả năng lượng hạt nhân của Nga.

Rosatom, công ty năng lượng nguyên tử nhà nước của Nga, đã tham gia vào việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Trung Quốc và hiện đang đàm phán với một số nước Trung Đông và Bắc Phi về việc phát triển của năng lượng hạt nhân, trong đó có cả các lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân.

Rosatom hiện đang xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran, Ấn Độ và cũng rất quan tâm tới việc mở rộng hoạt động tại Trung Á và Đông Nam Á./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại