menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Tùng

Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ gần như không còn

Thủ tướng Chính phủ mới đây trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 đã đặt ra một câu hỏi khá thú vị: “Làm chính sách tiền tệ mà không giúp đẩy mạnh tăng trưởng thì làm cái gì?”. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 tiếp tục giữ nguyên ở mức 14%, vấn đề đặt ra là liệu chính sách tiền tệ còn có thể nới lỏng thêm?

Những “đơn thuốc” đã kê

Về cơ bản, chính sách tiền tệ gồm có sáu công cụ quan trọng là tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất tín dụng, tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hạn mức tín dụng và tỷ giá hối đoái. Với hạn mức tín dụng của các ngân hàng sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ theo mục tiêu 14% đã đặt ra và khó có thể được mở rộng hơn, dư địa của chính sách chỉ còn được xem xét ở năm công cụ còn lại.

Trong năm 2019, dù không có những công bố chính thức, nhưng với những động thái liên tiếp, quyết liệt của NHNN, có thể thấy chính sách nới lỏng đã được ưu tiên trở lại theo xu hướng chung của toàn cầu.

Cụ thể, NHNN đã liên tiếp giảm lãi suất phát hành tín phiếu, đến tháng 9-2019 giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn xuống tương ứng 4% và 6%, giảm mạnh 1 điểm phần trăm lãi suất trên OMO xuống còn 4%.

Đến tháng 11, nhà điều hành quyết định giảm 0,5 điểm phần trăm trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tương ứng còn 5% và 6%.

Khi chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, việc mở rộng chính sách tài khóa trở lại có thể là một giải pháp được lựa chọn.

Đối với công cụ dự trữ bắt buộc, sau khi giảm 0,4 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc thì trong những ngày cuối tháng 12-2019, NHNN đã ban hành Thông tư 30/2019/TT-NHNN, cho phép những tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt không phải thực hiện dự trữ bắt buộc, đồng thời giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống.

Đối với tỷ giá hối đoái, NHNN đã tích cực mua ròng ngoại tệ nhằm vừa gia tăng dự trữ ngoại hối, giảm áp lực tăng giá lên đồng nội tệ trong bối cảnh các nền kinh tế khác thi nhau phá giá tiền tệ, vừa để bơm một lượng lớn tiền đồng ra thị trường giúp áp lực thanh khoản hệ thống luôn được hóa giải nhịp nhàng trong những thời điểm căng thẳng.

Dư địa hạn hẹp cho chính sách tiền tệ

Nhưng với việc đã sử dụng một loạt công cụ trong năm vừa qua, dư địa chính sách tiền tệ cho năm 2020 rõ ràng sẽ có những hạn chế nếu muốn tiếp tục nới lỏng thêm. Đầu tiên, với áp lực lạm phát đang gia tăng trở lại và được dự báo sẽ khó lường hơn trong thời gian tới, việc giảm trần lãi suất tiền gửi trở nên bất khả thi hơn khi công cụ này cũng vô tình “làm khó” những ngân hàng ít lợi thế cạnh tranh và có thể tạo ra hiệu ứng ngược đẩy lãi suất kỳ hạn trên sáu tháng đi lên.

Đối với công cụ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng hiện nay không phải quá cao (3% cho tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng và chỉ 1% cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên), nên quyết định giảm không phải là lựa chọn dễ dàng.

Việc giảm thêm lãi suất trên OMO có thể được cân nhắc nhằm hỗ trợ thanh khoản với chi phí rẻ hơn cho hệ thống, tạo điều kiện giảm chi phí vốn đầu vào, nhưng công cụ này cũng phải được xem xét kỹ càng. Bởi vì, nếu giảm về thấp hơn mức lợi suất phát hành tín phiếu của NHNN hoặc trái phiếu của Chính phủ, có thể kích thích các ngân hàng tìm cách vay vốn trên OMO rồi lấy tiền mua tín phiếu, trái phiếu để ăn chênh lệch lãi suất, điều đã từng diễn ra trong quá khứ mà có thể gây bất ổn cho hệ thống.

Như vậy, chỉ còn công cụ lãi suất điều hành và tỷ giá hối đoái là những lựa chọn còn lại. Thực tế cũng có một số dự báo cho rằng trong năm 2020 NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành từ mức khá cao như hiện nay, nhất là lãi suất tái cấp vốn đang ở mức 6%, khi mà đợt điều chỉnh trong năm 2019 vừa qua là rất khiêm tốn.

Trong khi đó, tỷ giá hối đoái giữa đô la Mỹ và tiền đồng sẽ tiếp tục được duy trì ổn định, khi Thống đốc NHNN trong bài phát biểu gần đây đã nêu rõ quan điểm Việt Nam không chạy đua làm suy yếu giá trị đồng nội tệ để giành lợi thế cạnh tranh thương mại. Vì vậy, với xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ vào mạnh mẽ, nhà điều hành có thể sẽ tiếp tục mua thêm ngoại tệ trong những thời điểm thích hợp trong năm 2020 để vừa giữ ổn định tỷ giá, vừa hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, tăng cung tiền, tạo điều kiện giữ lãi suất ổn định.

Kích thích chính sách tài khóa?

Khi chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, mở rộng chính sách tài khóa trở lại có thể là một giải pháp được lựa chọn. Có thể thấy trong thời gian qua hoạt động đầu tư công rất trì trệ, nhiều dự án bị đình lại hoặc một số địa phương không dám triển khai, giải ngân cho các dự án mới, trong bối cảnh hàng loạt vụ án tham nhũng, bán rẻ tài sản nhà nước được đưa ra xét xử, khiến một bộ phận công chức hoang mang và lo sợ.

Hệ quả là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước liên tiếp nhiều năm không đạt kế hoạch, trong khi nguồn vốn chính phủ huy động được qua thị trường trái phiếu không thể giải ngân đành phải tìm nơi trú ẩn tại các ngân hàng, gây ra một vòng “luẩn quẩn” vốn và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước. Vì vậy, cần phải có những giải pháp để kích thích hoạt động đầu tư mạnh mẽ hơn, dĩ nhiên với điều kiện phải đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả.

Trong năm 2020, sẽ có một số dự án lớn được khởi công, như cao tốc Bắc - Nam; cải tạo hạ tầng đường sắt Bắc - Nam; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Điều quan trọng là phải đảm bảo tiến độ giải ngân các dự án theo đúng kế hoạch, như là một giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng, bên cạnh việc sớm tiếp tục triển khai, hoàn thiện các dự án cũ đang tồn đọng gây lãng phí vốn.

Các cân đối vĩ mô đã cân bằng hơn so với giai đoạn trước, ngân sách nhà nước có sự cải thiện... là điều kiện để mở rộng chính sách tài khóa mà không vượt qua các ngưỡng quy định theo thông lệ quốc tế. Cụ thể trong năm 2019 vừa qua, bội chi ngân sách chỉ ở mức 3,4% GDP (tổng sản phẩm trong nước), thấp hơn mức kế hoạch 3,6%; tỷ lệ nợ công so với GDP giảm mạnh từ hơn 64% GDP vài năm trước xuống mức 56% và ngày càng thấp xa hơn mức trần do Quốc hội quy định là 65%.

Đặc biệt, với việc GDP dự kiến được tính lại theo cách mới, giúp quy mô nền kinh tế gia tăng đáng kể, các tỷ lệ an toàn tính theo GDP sẽ càng “rớt” về mức thấp hơn, tạo điều kiện để Chính phủ tăng đầu tư mà không gây áp lực quá lớn lên chính sách tài khóa.

Ngoài ra, việc xem xét giảm thêm các loại thuế, phí, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là cho giới doanh nghiệp, cũng là cách để kích thích đầu tư tư nhân thêm mạnh mẽ, vừa để hỗ trợ tăng trưởng mà cũng tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng và sự thâm nhập ồ ạt của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường trong nước.

Thực tế Chính phủ cũng đang xem xét kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 20% xuống còn 17%, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho giai đoạn tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại