menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Đình Đạt

Dự thảo Luật PPP: Tôn trọng nguyên tắc thị trường

Ngày hôm nay (19/11), Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận hội trường. Trước đó, tại thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, quan điểm thị trường phải rất rõ và Luật PPP cần phải là một luật thông thoáng, cùng có lợi, thể chế hóa quyền tài sản của nhà đầu tư.

Tư duy quản lý phải theo thị trường

Một trong những thay đổi đáng chú ý tại Dự thảo Luật PPP là vốn đầu tư công trong dự án PPP được thiết kế theo hướng tách thành dự án thành phần hoặc tách thành hạng mục/gói thầu, thuận tiện cho công tác quản lý và hậu kiểm. Kiểm toán Nhà nước thực hiện hoạt động kiểm toán tài sản công và tài chính công trong dự án PPP thông qua dự án thành phần/hạng mục/gói thầu sử dụng vốn đầu tư công và tài sản hình thành từ nguồn vốn này.

Đối với vốn của nhà đầu tư, chi phí đầu tư được quyết toán là chi phí xây dựng công trình được xác định tại hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư và các chi phí về lãi vay, dự phòng (nếu có). Trường hợp doanh nghiệp dự án PPP hoàn thành công trình, hệ thống hạ tầng trước thời hạn hoặc tiết kiệm được chi phí đầu tư được xác định tại hợp đồng, thì không phải điều chỉnh thời hạn hợp đồng hoặc mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ.

Thực tế, trong rất nhiều cuộc tham vấn để xây dựng Dự thảo Luật PPP, quyết toán, kiểm toán là vấn đề cộng đồng nhà đầu tư, các chuyên gia quốc tế, đối tác phát triển đề cập rất nhiều, cho rằng cơ chế quản lý hiện tại không khuyến khích sáng tạo của nhà đầu tư, chưa tuân thủ nguyên tắc thị trường lời ăn lỗ chịu. Theo nhiều ý kiến, nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện dự án PPP rất khác với Nhà nước bỏ tiền thuê nhà thầu thực hiện gói thầu, không thể áp cách quản lý đối với dự án đầu tư công vào dự án PPP.

Tuy nhiên, tại thảo luận tổ về Dự thảo Luật PPP, có lo ngại cho rằng, dự án PPP là dự án công, phải kiểm toán toàn bộ, không chỉ riêng phần vốn nhà nước thì mới có thể xác định công trình có đúng giá trị không, có đạt chất lượng không, hoàn trả thế nào thì hợp lý…

Theo một chuyên gia về PPP, lo ngại này chỉ xảy ra với cách làm PPP nói chung, BOT nói riêng theo tư duy cũ, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu và quản lý theo đầu vào. Chuyên gia này cho rằng, với dự án PPP, việc áp tiêu chuẩn định mức là phá vỡ nguyên tắc thị trường lời ăn lỗ chịu. Nhà đầu tư có thể tiết kiệm chi phí ở hạng mục này, tăng chi phí ở hạng mục khác, mà về tổng thể là hiệu quả đầu tư đạt theo yêu cầu đề ra tại hợp đồng thì đó là quyền của nhà đầu tư. Nhà nước sẽ kiểm soát đúng chất lượng đầu ra thì mới trả tiền.

Ngoài ra, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản được đầu tư theo phương thức PPP được chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án là tài sản công. Như vậy, sau khi chuyển giao cho phía Nhà nước và xác lập quyền sở hữu toàn dân, thì tài sản hình thành từ dự án PPP mới được xem là tài sản công. Vị chuyên gia trên cho rằng, quy định về kiểm toán như Dự Luật là phù hợp với Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước. Hiến pháp bảo hộ quyền tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư. Tài sản hình thành từ nguồn vốn của nhà đầu tư, được xác định theo các yếu tố về giá, phí, chất lượng qua đấu thầu và cam kết tại hợp đồng thì phải được tôn trọng...

Về lo ngại liên quan đến chất lượng, tiến độ công trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Luật quy định chặt chẽ về giám sát dự án PPP. Cụ thể là giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (trong cả giai đoạn xây dựng và giai đoạn vận hành) nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng đáp ứng chất lượng, tiến độ; giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của cộng đồng đối với hợp đồng PPP (trong đó đối tượng bị giám sát là cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án).

Không có chuyện lỗ Nhà nước chịu, lời nhà đầu tư hưởng

Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự Luật PPP, qua khảo sát, nghiên cứu cách tiếp cận mới trên thế giới về chia sẻ rủi ro trong dự án PPP, Dự thảo Luật thiết kế cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu mà thông qua cơ chế này, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được chia sẻ một phần rủi ro khi dự án hụt thu trong thực tế; đồng thời cho phép Chính phủ được nhận lại phần chia sẻ khi dự án tăng thu.

Cụ thể, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Chính phủ quyết định việc áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu đối với dự án PPP đáp ứng các điều kiện chặt chẽ được quy định tại Luật.

Với cách thiết kế này, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, không có chuyện lỗ Nhà nước chịu, lời nhà đầu tư hưởng. Cơ chế chia sẻ này vẫn tôn trọng nguyên tắc thị trường, đồng thời tránh trường hợp nhà đầu tư ỷ lại, không phát huy năng lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư một cách thực chất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại