menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thái Khang

Đức cần khí đốt của Nga nên khó tung đòn trừng phạt

Mỹ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Đây là biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, các nước châu Âu không muốn theo chân Mỹ giáng đòn trừng phạt vào lĩnh vực năng lượng của Nga, đặc biệt là Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây đã bác bỏ lời kêu gọi từ Mỹ và Ukraine về lệnh cấm nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ của Nga như một phần của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Moscow.

“Châu Âu không muốn áp lệnh trừng phạt nhằm vào các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Hiện tại, nguồn cung cấp năng lượng cho sưởi ấm, đi lại, cung cấp điện và sản xuất công nghiệp của Châu Âu không thể được đảm bảo bằng bất kỳ cách nào khác. Do đó, các nguồn năng lượng từ Nga có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp các dịch vụ công và cuộc sống hàng ngày của người dân châu Âu”, Thủ tướng Scholz nói.

Đức cần khí đốt của Nga nên khó tung đòn trừng phạt
Đức đã thông báo dừng phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới Đức, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: Bloomberg

Ông Scholz cho biết, Đức và các đối tác châu Âu đã “làm việc suốt nhiều tháng” để xây dựng giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp năng lượng của Nga, nhưng “điều này không thể thực hiện trong một sớm một chiều”.

“Đó là lý do tại sao để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp năng lượng với Nga tiếp tục hoạt động là một quyết định sáng suốt ở phía chúng tôi”, ông Scholz nói thêm.

Vì sao Đức cần khí đốt của Nga?

Sản lượng khí đốt nội địa của Đức đạt đỉnh vào những năm 1990 và hiện chỉ chiếm 5% lượng tiêu thụ hàng năm.

Theo dữ liệu từ văn phòng thống kê ngoại thương BAFA, Đức nhập khẩu 142 tỷ m3 khí đốt trong năm 2021.

Dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Tình báo Hàng hóa Độc lập (ICIS) cho thấy, trong tháng 12/2021, khí đốt nhập khẩu vào Đức từ của Nga chiếm 32%, tiếp theo là Na Uy với 20% và Hà Lan là 12%.

Theo ICIS, mức dự trữ khí đốt trong tháng 12/2021 tại Đức cung cấp khoảng 22% nhu cầu trong nước.

Đức này có 24 tỷ m3 khí đốt dự trữ trong các cơ sở chứa dưới lòng đất, chiếm 1/4 lượng sử dụng hàng năm. Tuy nhiên, khoảng 20% trong số này là ở cơ sở lữu trữ Rehden thuộc sở hữu của nhà sản xuất khí đốt Nga Gazprom.

Dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí Châu Âu cho thấy lượng dự trữ khí đốt tại Đức hiện chỉ ở mức 30%.

Theo BDEW, đốt khí đốt chiếm 15,3% sản lượng điện của Đức vào 2021. Mất một lượng lớn khí đốt nhập khẩu do các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga có thể khiến Đức phải gia tăng sản xuất điện than hoặc nhập khẩu điện từ các nước láng giềng trong ngắn hạn.

Tình hình nghiêm trọng hơn trong việc sưởi ấm hộ gia đình, bởi một nửa trong số 41,5 triệu hộ gia đình của Đức sử dụng khí đốt để sưởi ấm.

Đức và Nga cũng là đối tác năng lượng bền chặt suốt hàng chục năm qua. Khoảng 34% dầu thô của Đức nhập từ Nga trong năm 2021, theo BAFA. Khoảng 53% than đá được sử dụng trong các nhà máy điện và sản xuất thép của Đức là nhập từ Nga trong năm 2021.

Nhu cầu khí đốt của Đức sẽ giảm trong tương lai khi chính phủ tìm cách giảm phát thải khí nhà kính. Hệ thống sưởi bằng khí đốt sẽ bị loại bỏ trong dài hạn để chuyển sang sử dụng máy bơm nhiệt và các giải pháp thay thế khác.

Tuy nhiên, trong sản xuất điện, việc sử dụng khí đốt dự kiến sẽ tăng lên trong giai đoạn chuyển tiếp khi Đức loại bỏ năng lượng hạt nhân và sau đó là than đá.

Hồi tháng 2/2022, chính phủ Đức cảnh báo, kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine có thể làm chậm các kế hoạch loại bỏ điện hạt nhân và than đá. Mức tiêu thụ trong tương lai cũng sẽ phụ thuộc vào tốc độ triển khai năng lượng tái tạo.

Bài toán không chỉ của riêng Đức

Thực tế, không chỉ Đức, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Theo ông Tim Schittekatte chuyên gia tại viện sáng kiến năng lượng MIT đồng thời là chuyên gia về lưới điện châu Âu, giai đoạn những năm 1960,1970, châu Âu vẫn tự chủ được nguồn khí đốt mà khu vực này sử dụng.

Hoạt động sản xuất khí đốt tại châu Âu giảm đi do các mỏ khí đốt ở Biển Bắc, vốn là nguồn quan trọng trong hoạt động sản xuất khí đốt của Anh và Hà Lan, đã cạn kiệt. Sau này, Hà Lan thông báo đóng cửa các giếng khí đốt Groningen do động đất.

Cũng trong khoảng thời gian đó, EU không ngừng tìm cách giảm phụ thuộc vào than đá nhằm đạt được mục tiêu cân bằng carbon vào năm 2050, hoặc giảm ít nhất 55% khí thải vào năm 2030. Hiện tại ước tính khoảng 25% điện của EU đến từ than đá.

Từ năm 2012, EU đã giảm việc sản xuất điện bằng than đá khoảng 30%. Ngoài ra, bản thân Đức đã nhiều lần từ chối hoạt động đầu tư vào năng lượng hạt nhân, trong đó phải kể đến Dự luật Năng lượng Hạt nhân năm 2011, một quyết định được đưa ra sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011. Hiện tại chỉ có khoảng 13% năng lượng của châu Âu là từ năng lượng hạt nhân.

Ước tính khoảng 25% năng lượng tiêu thụ của EU đến từ khí đốt tự nhiên. Dầu và xăng chiếm 32%, năng lượng tái sinh và nhiên liệu sinh học chiếm 18%, nhiên liệu hóa thạch cứng 11% chiếm tỷ lệ còn lại.

Việc EU phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên đồng nghĩa châu lục này phải phụ thuộc vào Nga. Hiện EU là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, trong đó 41% từ Nga, 24% từ Na Uy và 11% từ Algeria.

“Trong số các nhà cung cấp khí đốt từ bên ngoài, khí đốt của Nga rẻ nhất. Thay vì đa dạng nhà cung cấp, châu Âu đa dạng hóa các tuyến đường nhập khẩu khí đốt từ Nga”, ông Schittekatte nói với CNBC.

Theo ông Georg Erdmann, cựu chủ tịch Cơ quan Phụ trách Hệ thống năng lượng thuộc Viện Công nghệ Năng lượng thuộc Đại học Công nghệ Berlin, khí đốt từ Nga không chỉ rẻ, mà dự trữ của Nga còn lớn nhất so với bất kỳ nguồn nào gần nhất. Khí đốt và dầu của Nga là nguồn năng lượng giá cả hợp lý nhất, cho tới ngày nay, Nga vẫn luôn thực hiện đúng mọi hợp đồng đã ký kết, chính vì vậy, ngành khí đốt coi Nga như một đối tác rất đáng tin cậy.

Mặt khác, EU không ngừng tập trung vào xây dựng nguồn nhiên liệu thay thế, tuy nhiên, quá trình lại không đủ nhanh để có thể loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài. Nguyên nhân là bởi hạ tầng năng lượng của EU không được thiết kế để đương đầu với tính không liên tục của năng lượng thay thế, người ta chưa thể trữ năng lượng tái sinh cho khoảng thời gian mà mặt trời không chiếu sáng và gió không thổi.

Các nước châu Âu đã cố gắng tìm ra giải pháp cho vấn đề này, trong đó có việc sử dụng pin cỡ lớn hoặc hydrogen xanh, tuy nhiên các giải pháp này mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại