menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Dương Quang

Ép tín dụng phải tăng

Đẩy tín dụng tăng là giải pháp để đẩy tăng trưởng kinh tế trong dịch bệnh. Muốn vậy, có lẽ ngành ngân hàng phải bỏ tình trạng “cố thủ”.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối tháng 7/2020, tín dụng mới chỉ tăng 3,45% so với cuối năm 2019, chưa bằng một nửa so với mức tăng 7,48% của cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sau khi tăng khá nhanh trong tháng 6, tốc độ tín dụng đã chậm lại trong tháng vừa qua. Nếu như trong tháng 6, tín dụng tăng tới 1,28% so với tháng 5, thì mức tăng thêm trong tháng 7 chỉ khoảng 0,2%.

Theo báo cáo tín dụng của các ngân hàng nửa đầu năm, tín dụng hàng loạt ngành và lĩnh vực như hàng không, vận tải biển, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, bất động sản, xây dựng… không những không tăng, mà còn giảm, có ngân hàng giảm dư nợ cho vay chỉ còn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái ở các lĩnh vực trên.

Lý do giảm được các ngân hàng giải thích không mới, là do dịch. Doanh nghiệp không mở rộng kinh doanh thì nhu cầu vốn vay mới (cơ sở cho tăng trưởng tín dụng) không có, nhiều ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 đã nhanh chóng tất toán nợ cũ để giảm chi phí, hoặc đề nghị ngân hàng tái cấu trúc nợ để dãn, hoãn…

Nhìn ở góc độ này có thể thấy, tín dụng toàn nền kinh tế còn tăng được cũng là một tín hiệu khả quan!

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, việc tín dụng không tăng được có một phần chủ quan từ phía ngân hàng. Rủi ro cho vay của khách hàng tăng lên vì kinh doanh khó khăn hơn, ngân hàng sợ nợ xấu nên rất thận trọng trong cho vay mới, thủ tục phê duyệt kỹ hơn, thời gian lâu hơn…

Lãnh đạo một doanh nghiệp thương mại về thuốc thực vật tại Đồng Nai đã dùng hình ảnh “cố thủ” khi nói về vấn đề này. Theo vị này, việc các ngân hàng thận trọng hơn trong bối cảnh hiện nay cũng là điều dễ hiểu.

“Tuy nhiên, thận trọng tới mức ‘cố thủ’ thì rất khó để doanh nghiệp có nhu cầu có thể tiếp cận được tín dụng”, vị lãnh đạo trên nói.

Trong nhiều hội nghị đối thoại với ngành ngân hàng trong những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp vẫn bày tỏ sự tự tin vào việc dịch sớm đi qua, và những cơ hội kinh doanh sẽ tốt hơn, nhưng cũng cho biết, vay vốn mới hiện rất khó khăn.

“Việc các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, phải chứng minh dòng tiền trả nợ mới được vay vốn là điều kiện rất khó đối với doanh nghiệp hiện nay vì dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bấp bênh, trong khi những tài sản lớn chúng tôi đã thế chấp vào khoản vay cũ”, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cho biết.

Kết quả cuộc khảo sát của UOB cho thấy, gần 3/5 số doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực ASEAN (58%) sẽ không còn xúc tiến các kế hoạch đầu tư như dự định trong năm, tuy nhiên, tại Việt Nam có sự khác biệt.

Chỉ có 47% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cho biết sẽ trì hoãn việc đầu tư trong năm và là thị trường duy nhất trong khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp ở nhóm này cho biết sẽ đầu tư trong năm 2020.

Khảo sát trên là một ví dụ nhỏ cho thấy mức độ lạc quan của doanh nghiệp Việt Nam trong dịch bệnh. Lạc quan đó không đơn thuần là tính cách người Việt luôn thể hiện trong khó khăn, mà có cơ sở kinh tế nhất định.

Báo cáo của nhiều ngành kinh tế cho thấy, tăng trưởng vẫn là 2 chữ được đề cập qua 6 tháng đầu năm, dù mức độ tăng có giảm so với những năm trước. Nông nghiệp vẫn tăng 1,19% (cùng kỳ là 3,9%), lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 4,96%, trong đó ngành xây dựng là điểm sáng khi tăng 4,5%…

Doanh nghiệp vẫn lạc quan là cơ sở mở rộng được tín dụng, đưa thêm được vốn ra nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhưng để xóa được lo ngại của ngân hàng về rủi ro và nợ xấu thì giải pháp được các chuyên gia chỉ ra rằng, cần phải có những biện pháp kích cầu quyết liệt hơn, đặc biệt trong đầu tư công, hạ lãi suất hơn nữa để kích thích tiêu dùng, đưa vốn tiết kiệm của người dân chuyển dần sang đầu tư, kinh doanh…

Giao thương cũng là một giải pháp khi thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới phía Bắc nước ta đang đẩy mạnh kích cầu kinh tế. Giá quặng sắt giao ngay đã lên mức 130 USD/tấn, cao nhất từ năm 2014 chủ yếu nhờ Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hay tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký như CPTPP, EVFTA không chỉ giúp doanh nghiệp có đầu ra, mà những hợp đồng xuất khẩu cũng là căn cứ quan trọng để ngân hàng tự tin giải ngân vốn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại