menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hà Diệu Thu

EVFTA có hiệu lực từ 1-8, cơ hội và thách thức từ thị trường 18.000 tỉ đô la

Thách thức và cơ hội thuộc về doanh nghiệp, còn người dân thì rõ ràng chỉ có hưởng lợi. Quá tốt!

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) đã được Quốc thông qua ngày hôm nay, 8-6, và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 sắp tới, muộn hơn 4 tháng so với đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - tổ chức tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ông Nguyễn Văn Giàu - chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - cho rằng việc phê chuẩn hiệp định là phù hợp với chủ trương đối ngoại, hướng tới thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, nhiều quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư và thương mại.

Theo phân tích của giới chuyên gia, trong giai đoạn hậu dịch bệnh Covid-19, khi hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa vào thị trường EU để khai thác thị trường 18.000 tỉ đô la Mỹ này.

Bắt đầu một hành trình mới

“EVFTA là hiệp định quan trọng nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp mở cửa sang thị trường có sức mua lớn thứ hai thế giới”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định. VCCI đã đề nghị Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết sớm hơn, để doanh nghiệp trong nước sớm được gia tăng xuất khẩu ưu đãi vào EU hơn nữa. Nhưng phải đợi đến kỳ họp chính thức, Quốc hội mới thông qua.

Quốc hội Việt Nam đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về dịch vụ công để chủ động khai thác các lợi thế, thời cơ và ứng phó với thách thức mà Hiệp định mang lại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tư Pháp tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để triển khai hiệp định hiệu quả.

EVFTA dự tính sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.

Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực thì hàng rào thuế quan sẽ được giảm rất nhiều và tiến tới dỡ bỏ. Nhưng không có nghĩa là hàng Việt tự do thâm nhập châu Âu mà chịu sự kiểm định rất khắt khe về nguồn gốc, chất lượng.

Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỉ đô la, nhưng khu vực châu Âu chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỉ đô la. Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA được kỳ vọng giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước châu Âu.

EVFTA có hiệu lực từ 1-8, cơ hội và thách thức từ thị trường 18.000 tỉ đô la
Việt Nam và EU đã chính thức mở cửa thị trường cho nhau kể từ ngày 1-8-2020, sau nhiều năm đàm phán EVFTA. Trong ảnh là buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA diễn ra vào tháng 6-2019.

Góc nhìn về cơ hội và thách thức

Theo ông Tim Evans, CEO của HSBC Việt Nam, đánh giá lợi ích mà EVFTA mang lại đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất lớn. Theo đó, các chuyên gia HSBC kỳ vọng hiệp định này có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm (dao động từ 0-0,3%) chỉ nhờ vào các tác động thương mại tích cực.

“Chúng tôi cho rằng dệt may và da giày sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất do thuế áp lên khu vực này đang ở mức cao nhất. Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 9 tỉ đô la Mỹ hàng dệt may và da giày sang EU với thuế suất bình quân gia quyền là 9%”, ông Tim Evans nói.

Hiện tại, thị trường EU có trị giá GDP khoảng 15 ngàn tỉ đô la Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Vị trí này được kỳ vọng cải thiện khi EVFTA có hiệu lực và khởi động quá trình loại bỏ 99% thuế quan lên hàng hóa, theo HSBC Việt Nam.

Có khoảng 2/3 thuế lên hàng xuất khẩu từ EU sẽ được dỡ bỏ ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, trong khi khoảng 71% thuế áp lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu sẽ được dỡ bỏ ngay với phần còn lại có hiệu lực theo lộ trình 7 đến 10 năm. Là một hiệp định thế hệ mới, EVFTA còn bao gồm những điều khoản quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư và phát triển bền vững.

“Chúng ta đang có cơ hội tái định vị Việt Nam thành lựa chọn hàng đầu cho các công ty khi họ tìm kiếm một cứ điểm sản xuất tại châu Á với chi phí hiệu quả. Sự kiểm soát hiệu quả của Việt Nam đối với đại dịch Covid-19 đã nâng cao vị thế của Việt Nam và đảm bảo đất nước sẵn sàng mở cửa kinh tế trở lại trước những quốc gia khác".

Theo ông Tim Evans, Việt Nam cũng là một nền kinh tế ASEAN mà HSBC tiếp tục dự báo vẫn có tăng trưởng dương trong năm 2020, góp phần đảm bảo vị thế hấp dẫn đối với các công ty đang muốn tiến vào thị trường tiêu dùng trong nước và khu vực. Và giờ đây, hiệp định mới này sẽ giúp họ có được đặc quyền tiếp cận 450 triệu người tiêu dùng trong khối EU.

Tuy nhiều lợi ích nhưng thách thức hội nhập với thỏa thuận thương mại này cũng lớn không kém.

Một ví dụ điển hình là lĩnh vực dệt may, hiện sản phẩm của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa đạt đủ tỷ lệ nguyên liệu đầu vào trong nước để có thể đáp ứng quy định nghiêm khắc của EU về xuất xứ hàng hóa. Để mở rộng ngành dệt may nội địa, việc sản xuất các nguyên liệu đầu vào thay vì nhập khẩu là chuyện cần tính đến, nếu muốn tận dụng hết lợi thế từ Hiệp định, chuyên gia của HSBC nhận định.

Các công ty Việt Nam cũng sẽ đối mặt với các tiêu chuẩn toàn cầu, khung pháp lý mới về những cam kết trong EVFTA, như cam kết về môi trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ và xuất xứ,… Còn các tập đoàn quốc tế cũng đang chịu sức ép gia tăng, buộc họ phải xem xét kĩ lưỡng chuỗi cung ứng của mình, đảm bảo rằng mỗi bước đều thỏa những tiêu chuẩn toàn cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Theo HSBC Việt Nam, hiệp định tự do thương mại mới sẽ một mặt bảo vệ các nhà xuất khẩu Việt Nam đồng thời tạo ra những cơ hội mới. Sự chuyển đổi thương mại này cần diễn ra song song với những thay đổi về quản trị để có thể hiện thực hóa tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chúng ta cần cải tổ và thiết kế lại chuỗi cung ứng nếu muốn tận dụng hết cơ hội từ hiệp định này. Điều này cần có thời gian và yêu cầu sự hợp tác của cả giới doanh nghiệp và Chính phủ để đi qua thời kỳ quá độ càng nhanh càng tốt”, đại diện HSBC nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại