menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngọc Trân

FDI "lỗ giả, lãi thật" gây thất thu ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng

Chính phủ cần có một cơ quan chuyên trách giám sát, kiểm tra vấn đề kinh doanh của các doanh nghiệp FDI để ngăn chặn vấn đề chuyển giá trốn thuế.

Có tới 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước báo lỗ, trong nhiều nguyên nhân phải kể đến hành vi chuyển giá, theo Kiểm toán Nhà nước.

GS.TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến.

Chẳng hạn như ở TP. Hồ Chí Minh, có tới 3.500 doanh nghiệp FDI (bằng gần 60% số doanh nghiệp FDI tại địa phương) thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Tại Bình Dương - nơi thu hút được nhiều dự án FDI - cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 - 2011.

Trong nhiều nguyên nhân mà nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp, phải kể đến hành vi chuyển giá. Và nhiều vụ chuyển giá đã được phát hiện.

Không chỉ có vậy, theo một số chuyên gia kiểm toán chỉ ra: Một số nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp liên doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đã thực hiện hành vi thâu tóm thông qua quyền góp vốn chi phối, quản lý điều hành để tạo ra tình trạng lãi thật, lỗ giả, mất vốn điều lệ, từ đó buộc “Bên Việt Nam” chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, làm giảm hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài.

5 vấn đề mặt trái của thu hút FDI đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

Thứ nhất là hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua.

Thứ hai là phụ thuộc về kinh tế đối với các nước nhận đầu tư. Càng dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI đa quốc gia trong việc nhận đầu tư vốn, kỹ thuật, mạng lưới tiêu thụ hàng hóa thì các nước đang phát triển sẽ càng phụ thuộc vào các nước phát triển.

Thứ ba là tác động xấu đến môi trường. Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Tại nhiều khu vực tập trung khu công nghiệp và dự án FDI lớn, tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra.

Thứ tư là chi phí của việc thu hút FDI không nhỏ, khi mà để thu hút FDI thì các địa phương đã đưa ra nhiều ưu đãi như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất… làm cho lợi ích của nhà đầu tư có thể lớn hơn lợi ích mà nước chủ nhà nhận được.

Cuối cùng, FDI còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực khác như thông qua đầu tư để thực hiện những hoạt động gây mất ổn định chính trị, xã hội. Ngoài ra, với mục đích lợi nhuận nên các doanh nghiệp FDI chỉ đầu tư vào những nơi có lợi nhất, điều này sẽ làm tăng thêm sự mất cân đối phát triển giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị.

Dù vẫn khẳng định với Việt Nam, FDI là mảng sáng, là động lực phát triển quan trọng và ổn định trong hơn ba thập niên vừa qua, nhưng GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng nêu lên những hạn chế trong việc thu hút và sử dụng FDI tương đồng với những nhận định Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra.

GS. Nguyễn Mại cho biết trên thực tế, đã có hiện tượng chuyển giá, hiện tượng doanh nghiệp FDI sử dụng máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu gây nên tình trạng tiêu hao nhiều năng lượng. Một số doanh nghiệp FDI đã lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, thậm chí đến mức nghiêm trọng. Bên cạnh đó là tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp FDI có xu hướng gia tăng do xung đột về lợi ích giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, một số chủ doanh nghiệp thiếu tôn trọng người lao động…

Nguyên nhân được chỉ ra là do ngay từ quản lý và chính sách thu hút FDI, do sự buông lỏng quản lý trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp FDI.

FDI "lỗ giả, lãi thật" gây thất thu ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng
Vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2009-2019 (tỷ USD)

Và để thu hút và sử dụng vốn FDI hiệu quả, tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 9/6/2020, các chuyên gia đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiểm toán.

Trong đó, cần tăng cường sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước để xem xét, đánh giá nhiều hơn đối với hoạt động FDI. Kiểm toán Nhà nước nên tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập về chống chuyển giá.

Tuy nhiên, công tác kiểm toán như vậy còn có những khó khăn nhất định, do cơ sở pháp lý để Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc ban hành chính sách và đánh giá việc thực thi chính sách thu hút vốn đầu tư FDI còn chưa rõ ràng, chưa theo đúng tinh thần của Hiến pháp và quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Kiểm toán viên của Kiểm toán Nhà nước mới thực hiện kiểm toán một số mắt xích rất nhỏ trong quá trình này như kiểm toán công tác quản lý thuế, đất đai, kiểm toán môi trường và cũng chưa có các chuyên đề kiểm toán riêng cho loại hình đặc biệt này.

Các chuyên gia đề nghị cần bổ sung các quy định để Kiểm toán Nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của nguồn vốn đầu tư FDI, cung cấp thông tin cho Chính phủ và Quốc Hội, đưa ra các kiến nghị sửa đổi văn bản pháp luật, giúp cải thiện hệ thống pháp lý… góp phần nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại