menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh, điều gì đang xảy ra?

Vì sao giá heo hơi đột nhiên tăng mạnh?

Giá lợn hơi hôm nay tiếp tục tăng rải rác từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg tại một số tỉnh thành. Trong đó, giá thu mua lợn hơi tại miền Bắc cao nhất sắp chạm mốc 70.000 đồng/kg.

Giá thu mua lợn hơi cao nhất sắp chạm mốc 70.000 đồng/kg

Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi tăng cao nhất 3.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần hôm nay (11/7). Theo đó, tỉnh Thái Nguyên nhích nhẹ một giá lên mức 65.000 đồng/kg. Sau khi tăng 3.000 đồng/kg, thương lái tại Thái Bình hiện thu mua lợn hơi với giá 68.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 63.000 - 68.000 đồng/kg.

Thị trường khu vực miền Trung, Tây nguyên tăng 2.000 đồng/kg tại một vài tỉnh thành so với cuối tuần qua. Trong đó, sau khi tăng 2.000 đồng/kg, hai tỉnh Quảng Trị và Thanh Hóa điều chỉnh giao dịch lên tương ứng là 60.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg.

Mức giá phổ biến nhất trong khu vực là 58.000 đồng/kg, được ghi nhận tại Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa. Các tỉnh thành còn lại đang thu mua lợn hơi với giá trung bình là 61.000 đồng/kg. Hiện tại, giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây nguyên dao động trong khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi nhích nhẹ một giá trong ngày đầu tuần. Hiện tại, thương lái tại Bình Dương và Tây Ninh điều chỉnh giá thu mua lên chung mức là 62.000 đồng/kg, tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại không ghi nhận thay đổi mới về giá so với cuối tuần qua. Giá heo hơi khu vực miền Nam dao động trong khoảng 54.000 - 63.000 đồng/kg.

Như vậy, bước sang nửa cuối năm 2022, giá lợn hơi ba miền đang tiến lên mốc 70.000 đồng/kg sau nhiều tháng đi ngang quanh mốc 55.000-60.000 đồng/kg. Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi) đánh giá, thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào tăng phi mã theo giá xăng dầu nên tất yếu giá sản phẩm phải nhích lên.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, giá lợn hơi tăng mạnh một phần do tác động từ giá lợn của Trung Quốc tăng vọt.

Số liệu chính thức công bố mới đây cho thấy lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng trong tháng 6/2022 do giá thịt lợn tăng đột biến khi nguồn cung thắt chặt hơn.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hầu như đã không bị ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu, gây ra bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine, tuy nhiên sự ổn định này có nguy cơ bị "lung lay" bởi giá thịt lợn tăng, một loại thịt thiết yếu tại nước này.

Trong tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo đánh giá lạm phát bán lẻ của Trung Quốc, đã tăng 2,5%, tương ứng với mức dự báo của nhà phân tích nhưng giảm 0,2% so với mức của tháng 5/2022 do giá hầu hết các loại thực phẩm giảm trừ thịt lợn.

Trong một thông báo, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết giá rau tươi, trứng và hoa quả tươi và hải sản đã giảm do các yếu tố như nguồn cung tăng và logistic được cải thiện. Tuy nhiên, giá thịt lợn tiếp tục tăng 2,9% do nhu cầu tăng và tình hình dịch bệnh.

Trong một dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc thông báo đang cân nhắc sử dụng nguồn dự trữ thịt lợn của nước này để kiềm chế giá thịt sau khi giá tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021 vào cuối tháng 6/2022.

Chính phủ Trung Quốc dự trữ thịt lợn đông lạnh và thỉnh thoảng sẽ “giải phóng” lượng thịt dự trữ để bình ổn giá, đặc biệt là trong thời điểm nhu cầu cao điểm như Tết Nguyên đán.

Giá thịt lợn đã bị ảnh hưởng lớn trong những năm gần đây sau khi các đàn lợn của nước này buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, khiến lạm phát tiêu dùng tăng đột biến.

Sức mua trên thị trường mới là yếu tố quyết định giá lợn tăng đến đâu

Trong bối cảnh giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng cao, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có tăng cường nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt? Có thể xảy ra tình trạng Trung Quốc đang tăng mua thịt lợn từ Việt Nam hay không?

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong khi nhu cầu của các nước nhập khẩu lớn khác có sự phục hồi sau thời gian gián đoạn nguồn cung cấp liên quan đến đại dịch thì nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc lại liên tục lao dốc trong những tháng đầu năm nay.

Cụ thể, số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 5, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 130 nghìn tấn thịt lợn, tương đương 240,5 triệu USD, giảm 66% về lượng và giảm 76% về trị giá so với tháng 5/2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đạt 680 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 65% về lượng và giảm 75% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm, với 411 triệu USD, chiếm 30,5% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2021.

Đứng thứ hai là Brazil, kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ thị trường này đạt 282 triệu USD, chiếm 21% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh, điều gì đang xảy ra?

Trung Quốc cân nhắc sử dụng nguồn dự trữ thịt lợn của nước này nhằm bình ổn giá. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Triển vọng thị trường lợn ở Trung Quốc trong thời gian tới vẫn khá thấp do các lệnh hạn chế phong tỏa chống Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm và thói quen của người tiêu dùng đang chuyển dần sang sử dụng thịt gia cầm.

Vài tháng gần đây, giá thịt lợn ở Trung Quốc có khởi sắc nhưng tỷ suất lợi nhuận vẫn kém nên người chăn nuôi không mặn mà, tổng đàn nái của nước này dự kiến sẽ giảm trong ngắn hạn, thông tin được đưa ra bởi Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, thị trường vẫn phải đối mặt với những hạn chế, gồm cả các lệnh phong tỏa chống Covid-19, có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn. Triển vọng nhu cầu đối với thịt lợn của Trung Quốc vẫn khá thấp do các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 và sự chuyển đổi tiêu thụ sang thịt gia cầm.

Trong khi đó, Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết đàn lợn nái của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm trong ngắn hạn do tỷ suất lợi nhuận kém, mặc dù giá thịt lợn tăng trong mấy tháng gần đây.

Tháng 5/2022, Trung Quốc cũng nhập khẩu 220 nghìn tấn thịt trâu, bò (HS 2001, 0202), với trị giá 1,5 tỷ USD, tăng 31,7% về lượng và tăng 79,4% về trị giá so với tháng 5/2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh của Trung Quốc đạt 920 nghìn tấn, trị giá 6 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Argentina, Urugoay, Hoa Kỳ, Úc...

Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt trâu, bò cho Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022, chiếm 33,5% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt trâu, bò của Trung Quốc.

Việt Nam trước nay đều muốn đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn sang thị trường Trung Quốc. Đối với thị trường xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt, Hồng Kông là thị trường xuất khẩu thịt lợn đã qua giết mổ lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trên 95% thị phần, thứ hai là Thái Lan 3% và một lượng nhỏ qua Lào, Hàn Quốc và Trung Quốc.

So với các thị trường trong khu vực, giá lợn hơi của Việt Nam hiện thấp hơn các nước Thái Lan, Lào, Campuchia nhưng cao hơn Trung Quốc nên trong các tháng đầu năm 2022, thịt lợn Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong khu vực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nếu thị trường Trung Quốc tăng mua, nhập khẩu lợn hơi Việt Nam qua đường tiểu ngạch thì có thể tiêu thụ một lượng lớn đàn lợn, giúp thị trường tăng giá ổn định hơn. Còn nếu không thì cung - cầu trong nước vẫn cân bằng, thậm chí còn dư thừa nên giá lợn hơi sẽ khó tăng vọt thêm nữa.

Các chuyên gia dự báo, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc có thể sẽ phải tăng trở lại vào năm 2022, sau khi giảm vào năm 2021. Năm 2022, dự kiến Trung Quốc sẽ nhập khẩu gần 4,8 triệu tấn thịt, tăng gần 6% so với 2021.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay với Việt Nam là hạ giá thành sản phẩm và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường hơn nữa.

Hiện cả nước đang có 65 nhà máy, cơ sở giết mổ chế biến thịt bao gồm lợn, gia cầm, trâu bò; chế biến theo quy mô công nghiệp với công suất chế biến 1,1 triệu tấn/năm. Nhóm sản phẩm chế biến sâu chiếm 2-5%, còn đa phần chế biến ở cấp độ sơ chế, thịt đông lạnh, thịt mát.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, thực tế tại Đồng Nai và nhiều vùng chăn nuôi khác, cung - cầu vẫn đang cân bằng, sức mua còn đang yếu. Giá lợn hơi tăng mạnh là do áp lực của giá nguyên liệu sản xuất, giá xăng dầu… Giá thu mua phải trung bình ở khoảng 65.000 đồng/kg hoặc cao hơn thì mới có thể chia sẻ thua lỗ cho người chăn nuôi.

Thực tế, theo các chuyên gia, giá lợn tăng gần đây còn do sự tăng giá của thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển, vật tư… Tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 7, doanh nghiệp lại tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho heo con và thức ăn đậm đặc với mức tăng 400 đồng/kg, tương đương tăng 10.000 đồng/bao 25 kg. Đối với các loại thức ăn còn lại cho heo, bò, gà thịt, vịt thịt và gà, vịt đẻ tăng 300 đồng/kg, tương đương tăng 7.500 đồng/bao 25kg.

Giá thức ăn chăn nuôi áp dụng sau ngày 1/7 đối với loại cho lợn con là 510.000 - 530.000 đồng/bao 25kg, loại dành cho lợn thịt là 375.000 - 415.000 đồng/bao 25kg và thức ăn dành cho lợn nái là khoảng 315.000 đồng/bao 25kg.

Giá lợn hơi tăng lúc này có thể chia sẻ phần nào gánh nặng cho người chăn nuôi, tuy nhiên sức mua trên thị trường mới là yếu tố quyết định. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2022 tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2.116.300 tấn, tăng 5,7%; so với cùng thời điểm năm 2021.

Dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, đà tăng của giá lợn hơi có thể chỉ tăng thêm 5 - 10% nữa (tương đương 3.000 – 6.000 đồng/kg) trong quý III này. Và ngay cả khi bước sang quý IV – thời điểm vàng của tiêu thụ thịt lợn, giá lợn cũng khó tạo ra bước nhảy vọt vì tổng đàn lợn cả nước vẫn ổn định ở mức 28,2 triệu con, cung cấp khoảng 3,8 – 4 triệu tấn thịt/năm.

Được biết, 6 tháng cuối năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thịt các loại đã đạt 3,4 triệu tấn, trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%.

Trong báo cáo mới đây, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo CPI trong tháng 7 tăng khoảng 0,6-0,7% so với tháng trước, và giữ nguyên dự báo CPI bình quân cả năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 3,8-4%.

Nói thêm về giá thịt lợn trong năm 2022, KBSV dự báo giá cao nhất cũng chỉ có thể quanh mức 65.000-70.000 đồng/kg với nhu cầu ăn uống ổn định, trong khi nguồn cung thịt lợn giảm do tỷ lệ tái đàn đầu năm 2022 ở mức thấp khi các yếu tố liên quan tới dịch tả lợn, giá cám cao, giá vận chuyển tăng và giá lợn thấp đã tác động tiêu cực tới tâm lý của các hộ chăn nuôi.

Theo KBSV, giá thịt lợn khó có thể về mốc đỉnh năm 2020 nhờ việc Chính phủ luôn ưu tiên tăng cường nguồn cung trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
3 Bình luận 8 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại