menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồng Ngọc

Giá thuốc có thể giảm 17%

Có lẽ đây là tin tốt nhất trong ngày.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, cho biết Bộ Y tế đã ký thỏa thuận khung sau khi công bố 3 gói thầu thuốc tập trung.

Ngày 9/8, trả lời VnExpress, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, cho biết Bộ Y tế đã ký thỏa thuận khung sau khi công bố 3 gói thầu thuốc tập trung. Tiếp theo, các địa phương, cơ sở y tế ký hợp đồng mua sắm trực tiếp với những nhà thầu trong 3 gói này, thời hạn từ nay đến năm 2024. Thuốc sẽ được nhà thầu cung cấp cho các đơn vị tùy theo thỏa thuận, để kịp cung ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh.

Các thuốc trong 3 gói thầu lần này chủ yếu là thuốc kháng sinh (44 loại), thuốc tiêu hóa (19), thuốc tim mạch (16), thuốc điều trị ung thư (11), thuốc điều trị tiểu đường (7) và 9 thuốc thuộc các nhóm điều trị khác.

"Hoàn thành 3 gói thầu thuốc tập trung này sẽ giúp giảm tình trạng thiếu thuốc hiện nay vì số lượng tương đối nhiều, chiếm khoảng 20% lượng thuốc cho nhu cầu sử dụng", bà Bảo nói. Cơ sở để bà Bảo đưa ra ý kiến này là do trước khi mở đấu thầu, Bộ Y tế đã khảo sát nhu cầu sử dụng thuốc ở các địa phương và dùng làm định mức kế hoạch.

Theo kết quả đấu thầu tập trung thuốc quốc gia vừa được công bố, giá thuốc trúng thầu hầu hết đều giảm so với giá trúng thầu tại các cơ sở y tế trong năm trước, với tỷ lệ giảm giá trung bình là 17,25% (tương đương với 1.337 tỷ đồng). "Có thuốc giảm giá nhiều, có thuốc giảm ít, có loại giảm chỉ còn 46-48% so với giá kế hoạch", bà Bảo nói và cho biết nhờ vậy người bệnh được hưởng lợi qua việc giảm chi phí tiền thuốc.

Lãnh đạo Trung tâm cho biết đây là lần đầu tiên tổ chức đấu thầu thuốc số lượng lớn sử dụng tại tất cả tuyến cơ sở khám, chữa bệnh. Trước đây, Trung tâm hầu như chỉ đấu thầu các thuốc điều trị ung thư (sử dụng tại bệnh viện chuyên khoa hoặc tuyến tỉnh, thành phố, Trung ương). Việc rà soát số lượng nhu cầu của tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc trong quá trình lập kế hoạch đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức làm ảnh hưởng đến tiến độ đấu thầu.

Việc triển khai thành công mua sắm tập trung thuốc ở cấp quốc gia đã khắc phục các bất cập khi tổ chức những gói thầu riêng lẻ, chi phí tổ chức đấu thầu, đồng thời giảm giá thuốc trúng thầu. Hình thức đấu thầu này cũng sẽ khắc phục cơ bản tình trạng chênh lệch giá giữa các cơ sở y tế, các tỉnh.

Công tác đấu thầu giai đoạn 2022-2023 được khởi động từ tháng 9/2021. Thời điểm đóng/mở thầu theo thông báo mời thầu đầu tiên vào ngày 10/2021, sau đó thêm nhiều lần gia hạn và cuối cùng mở thầu vào tháng 2/2022, đến nay mới có kết quả. Như vậy, sau khoảng 7 tháng chậm trễ, Bộ Y tế mới lựa chọn được 39 nhà thầu cho ba gói thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia.

Liên quan đến 3 gói thầu này, ông Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết đơn vị sẽ liệt kê các loại thuốc kèm theo số lượng cần mua sắm, sau đó sẽ mời các nhà thầu thương thảo để ký hợp đồng cung ứng. Thông thường sau khi ký hợp đồng, khoảng hai tháng là thuốc về tới bệnh viện, phục vụ khám chữa bệnh.

Hiện có 3 hình thức đấu thầu thuốc gồm: đấu thầu cấp quốc gia, cấp sở y tế và cấp bệnh viện. Theo ông Hiền, thời gian qua việc đấu thầu thuốc ở bệnh viện hay sở y tế "vẫn ổn", còn đấu thầu tập trung quốc gia bị chậm 7 tháng dẫn đến một số cơ sở y tế thiếu thuốc. Bệnh viện Tim Hà Nội cũng thiếu một số loại biệt dược trị mỡ máu, song bệnh viện đã mua sắm theo kết quả đấu thầu của sở y tế, khắc phục được tình trạng thiếu.

Ông Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nói rằng các thuốc đấu thầu tập trung là những thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước. Thế nhưng, các bệnh viện chuyên ngành cần những thuốc riêng nên đều đã có kế hoạch chủ động mua sắm. Như vậy, 3 gói thầu của Bộ Y tế có thể giúp giảm giá những loại thuốc thuộc gói thầu, còn các loại thuốc ngoài danh mục thầu này có thể không bị tác động giá.

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên nghiêm trọng trên toàn quốc. Tại Hà Nội, người bệnh phản ánh bệnh viện thiếu các vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp; TP HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy... Báo cáo của các tỉnh thành khác gửi về Bộ Y tế cho thấy nhiều thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tim mạch, tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền... khan hiếm, ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh.

Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu thuốc, Hội đồng Đàm phán giá, Bộ Y tế đang đàm phán giá đối với 62 thuốc biệt dược gốc có số lượng, nhu cầu sử dụng lớn, giá trị trên 100 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.

Trong tháng 7, Hội đồng Đàm phán giá thuốc đã đàm phán thành công 19/62 thuốc biệt dược gốc, với giá trị giảm giá là 1.223 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá trung bình đạt 22,8%. Trong tháng 8 này, Hội đồng tiếp tục đàm phán đối với các thuốc biệt dược gốc còn lại để sớm có thuốc đặc trị cho người bệnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
2 Bình luận 4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại