menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Nhật

Giải cứu thanh long

Thay vì cảnh hối hả như năm trước, những ngày này, các vựa thu mua thanh long dọc hai bên quốc lộ 1 ở “thủ phủ” Bình Thuận lại đìu hiu, đóng cửa kín mít. Ngoài vườn, nhiều nông dân thấp thỏm ngóng giá cho vụ sắp thu hoạch với hy vọng vớt vát được gì đó…

Tại huyện Hàm Thuận Nam, nhiều nông dân vẫn đang cặm cụi chăm chút từng trái thanh long vì đã chong đèn. Theo tính toán của các nông dân, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, thị trường đang có nhu cầu lớn nên họ tập trung chong đèn để thanh long ra nghịch vụ. Bình thường hàng năm, sau Tết Nguyên đán là các chủ vựa, thương lái chạy lùng sục khắp mọi vườn để đặt hàng. Tuy nhiên, năm nay lại vắng lặng.

Theo ông Biện Tấn Tài – Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, tổng diện tích thanh long của địa phương hiện nay là gần 31.000 ha, với sản lượng gần 643.000 tấn. Hiện nay, tại các kho lạnh còn khoảng 4.000 tấn thanh long chưa xuất được. Sức mua của các vựa gần như bằng không lại hoặc có mua thì giá rất rẻ, trong khi hiện nay đang là mùa thu hoạch thanh long trái vụ. Ông Tài cho biết thêm, hiện trái chín đang còn treo trên cây là khoảng 100.000 tấn, tương đương 10.000 ha. Nhưng thời điểm thu mua trở lại của “đầu nậu” thì “không xác định”!

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, thanh long Việt Nam hiện xuất khẩu tới 17 quốc gia, trong đó xuất sang Trung Quốc là chủ yếu. Vậy mà hiện nay, do tình hình dịch bệnh, Việt Nam đã dừng hoạt động tại 63/65 cửa khẩu phụ và đường mòn, lối mở biên giới với Trung Quốc. Một số cửa khẩu mặc dù vẫn đang hoạt động nhưng quá trình kiểm tra hàng hóa cũng gắt gao.

Trong bối cảnh đó, các phương án “giải cứu” thanh long đã được đưa ra như trữ tại các kho lạnh là không khả thi vì tốn kém mà hạn sử dụng cũng không thể kéo dài quá 1 tháng, đồng thời, công suất hiện nay cũng không thể đủ. Việc chế biến thanh long sau thu hoạch như sấy khô, làm nước ép… cũng chỉ xử lý được một lượng không đáng kể so với sản lượng trái chín hiện nay. Thế nên các phương án này đều khó khả thi.

Tương tự, địa phương trồng thanh long nhiều thứ hai cả nước là Long An có 9.587 ha trồng thanh long đang cho trái với sản lượng 320.000 tấn. Đến 70%-80% tổng sản lượng thanh long của tỉnh tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Dự kiến trong thời gian từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2/2020, tỉnh này sẽ tồn khoảng 90.000 tấn thanh long, kể cả số sắp thu hoạch. Với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh, không bán được hàng, khách hàng lớn của nông dân Long An là Công ty Hồng Thái Dương (Trung Quốc, thường thu mua khoảng 30%-40% sản lượng) đã hủy khoảng 300 container (khoảng 15 tấn/container, giao hàng từ ngày 27/1 đến 29/2). Công ty này quyết định bỏ cọc không nhận hàng và dự kiến tiền cọc tính ra chỉ khoảng 4.000 đồng/kg...

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An kiến nghị chính quyền có giải pháp hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển thị trường mới để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ sở mua, chế biến được vay vốn, gia hạn nợ vay, giảm lãi vay, giảm thuế, giảm tiền điện... để vượt qua khó khăn. “Đề nghị chính quyền hỗ trợ nông dân lấy các chứng nhận VietGap, GlobalGap để cải thiện khả năng cạnh tranh của nông sản”, ông Trịnh cũng cho biết.

Tại cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh để bàn cách giải cứu thanh long ngày 5/2, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết các ngành chức năng sẽ hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển thị trường mới; hỗ trợ xúc tiến thương mại nước ngoài; phát triển thương hiệu thanh long, trồng hữu cơ… Lãnh đạo Sở Công thương Long An cũng kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ thanh long của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh có thanh long nói chung.

Trong khi đó, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM gợi ý giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nội địa bằng cách hợp tác với các nhà bán lẻ như Co.op, MM Mega Market, Big C… song song với đó là chế biến.

Sau cuộc họp bàn cách giải cứu thanh long, được các nhà bán lẻ hỗ trợ tiêu thụ, giá loại nông sản này ở khu vực ĐBSCL hiện đã nhích lên đến 10.000 đồng/kg (trước đó chỉ khoảng 5.000 đồng/kg). Tuy nhiên, con số này không thấm tháp gì so với sản lượng thanh long nông dân trồng được. Thế nhưng các cơ sở kinh doanh thanh long vẫn lo lắng vì mặc dù các cửa khẩu ở phía Bắc mở trở lại thì thương lái vẫn ngại di chuyển do đang trong giai đoạn dịch bệnh, phía Trung Quốc mua không đáng kể (chưa tới 10% sản lượng).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại