menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Gia Khánh

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Gỡ từ đâu để hết vướng?

Nguyên nhân chính khiến giải ngân chưa đạt kỳ vọng là do hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngày 26/9, đa số đại diện lãnh đạo các Bộ ngành đều thừa nhận tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng, song cũng do nhiều vướng mắc khó xử lý.

Lực cản với giải ngân đầu tư công

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, ngoài nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện.

Đầu tiên là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục". Dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

“Ngay cả trong hơn 542.000 tỷ đồng Thủ tướng giao đầu năm, còn 11 bộ, ngành và 2 địa phương chưa giao hết kế hoạch”, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Gỡ từ đâu để hết vướng?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn (Ảnh: VGP).

Bên cạnh đó, việc phê duyệt, công bố giá xây dựng tại các địa phương chưa kịp thời, sâu sát với thị trường, gây bị động cho chủ đầu tư và nhà thầu, dẫn đến chậm triển khai dự án, trì trệ trong giải ngân.

Đồng thời, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì bị vướng về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án.

“Đặc biệt, chất lượng chuẩn bị các dự án ODA rất thấp, tỉ lệ chung chỉ đạt dưới 20% mà chúng ta vẫn phải trả phí cam kết, phí huỷ vay nếu chúng ta không thực hiện vay. Năm 2022, một số bộ, ngành địa phương đề xuất điều chỉnh phần vốn ODA thì cần chú ý điểm này", Thứ trưởng Bộ Tài chính lưu ý.

Cũng theo ông Tuấn, năng lực của ban quản lý dự án có nơi, có chỗ còn chưa chuyên nghiệp. Một số những nội dung hợp đồng của chủ đầu tư và nhà thầu chưa rõ ràng và việc nghiệm thu thanh toán của chủ với nhà thầu còn chậm chễ.

Nói về giải pháp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng các địa phương, các bộ, ngành cần chủ động điều chỉnh trong phạm vi quyền hạn của mình. Cùng với đó, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư; Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND thành phố phải tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Việc quan trọng là các địa phương phải thông báo giá xây dựng kịp thời với tình hình thực tiễn để xử lý vấn đề về giá đối với các dự án và giải quyết thấu đáo mối quan hệ của chủ đầu tư - nhà thầu trong các hợp đồng. Đồng thời, các bộ, ngành địa phương cũng cần chuẩn bị tốt kế hoạch giải ngân của năm 2023.

Vướng đền bù, giải phóng mặt bằng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, vướng mắc chủ yếu tại địa phương là đền bù, giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục giải quyết vấn đề này chủ yếu phụ thuộc vào lãnh đạo địa phương.

Nếu có sự chủ động chuẩn bị tốt từ trước thì vấn đề này có thể được giải quyết thống suốt. Thực tế hiện nay đã chứng minh một số địa phương giải ngân tốt là do họ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Tài chính về giá vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết cơ bản Chính phủ đã giải quyết, có cơ chế giao địa phương tháo gỡ vướng mắc.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Gỡ từ đâu để hết vướng?
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: VGP).

Trên thực tế, địa phương hoàn toàn chủ động trong vấn đề này, đối với các dự án sắp tới triển khai, các địa phương cần phải có kế hoạch để tiến hành các thủ tục liên quan đến cấp mỏ vì việc cấp mỏ thuộc thẩm quyền địa phương.

“Bộ TN&MT hiện nay mới chỉ giải ngân khoảng 38%. Thực tế có một nguyên nhân mà chúng tôi nhận thức được là khi có chủ trương, có phê duyệt về danh mục dự án thì mới làm được. Nên thông thường, khâu chuẩn bị dự án chưa đồng bộ và thống nhất, để có thể triển khai”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Theo người đứng đầu Bộ TN&MT thời gian tới cần phải có quy định cụ thể hơn về nội dung này, ví dụ như dự án nào được đưa vào danh mục, trong đó có cả vấn đề thu hồi, đền bù, tái định cư. Và đặc biệt là các dự án ODA hiện nay vướng mắc cả về vấn đề liên quan đến đối tác phát triển.

Trên thực tiễn, quá trình phát sinh nhiều thay đổi, điều kiện khác so với trước nên cần để phân cấp thế nào, trách nhiệm ra sao để các bộ, ngành, địa phương có quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm cũng là vấn đề hết sức quan trọng.

Nhấn mạnh trách nhiệm cuối cùng là của thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền của từng cấp. Trên cơ sở đó, có thể đánh giá việc để chậm tiến độ đầu tư và giải ngân là khuyết điểm rất lớn của cụ thể cấp nào

Đặc thù kế hoạch năm 2022

Phân tích về nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng còn có nhóm khó khăn mang tính đặc thù của năm 2022.

Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021).

Và cũng là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường thường cần từ 6 - 8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng; nhà thầu có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng lưu ý, trong cùng hệ thống pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn có tỉ lệ giải ngân tốt.

Đó là do các bộ, địa phương này đã chủ động ngay từ khi xây dựng kế hoạch hằng năm, có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải, cũng như lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực và kinh nghiệm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại