menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Tùng

Giảm thuế nhập khẩu linh kiện: Chỉ là cú hích nhẹ với ngành sản xuất ô tô

Giảm thuế nhập khẩu linh kiện là tin vui đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Các nhà sản xuất ô tô trong nước và quốc tế đang có mặt tại Việt Nam cho rằng, để thực sự phát triển được ngành công nghiệp ô tô trong nước, cần thiết kế chính sách để đáp ứng 2 mục tiêu. Thứ nhất, ổn định thị trường và phát triển sản xuất xe trong nước.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% sẽ được áp dụng từ ngày 10/7/2020 đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2020-2024.

Theo quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP, để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô 0% thì các DN phải cam kết đạt sản lượng nhất định. Cụ thể với xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.500 cc trở xuống, DN phải đạt tổng sản lượng sản xuất tối thiểu 8.000 xe vào năm 2018 và nâng dần lên 13.500 xe vào 2022. Với mẫu xe riêng, phải đạt sản lượng tối thiểu 3.000 xe vào năm 2018 và 5.000 xe vào 2022. Với quy định này, thời gian qua chỉ một số DN đạt được gồm Toyota Việt Nam, Trường Hải...

Tuy nhiên, các DN cho rằng, việc áp thuế linh kiện nhập khẩu về 0% trên thực tế chỉ mới là hành động xóa bỏ nghịch lý phát triển ngành công nghiệp ô tô trong hơn 2 năm qua. Bởi thực tế cho thấy, trước năm 2018, khi thuế xuất nhập khẩu xe từ các nước ASEAN còn ở mức cao, xe sản xuất trong nước còn có khả năng cạnh tranh được với xe nhập khẩu. Nhưng từ 2018 khi không còn bảo hộ, thuế suất của xe sản xuất trong khu vực ASEAN về 0% thì xe sản xuất tại Việt Nam không thể cạnh tranh được.

Theo tính toán của một DN ô tô, việc đưa thuế linh kiện nhập khẩu về 0% vào tháng 7 tới đây thay vì mức trung bình từ 10-15% như lâu nay sẽ giúp giảm giá thành xe sản xuất trong nước xuống từ 2-5%. Tuy nhiên hiện nay chi phí sản xuất xe ô tô tại Việt Nam đang cao hơn khoảng 10-20% so với Thái Lan và Indonesia, do đó mức giảm này là không đáng kể để xe sản xuất trong nước có thể cạnh tranh được với xe xuất xứ từ khu vực ASEAN.

Bởi vậy các nhà sản xuất ô tô trong nước và quốc tế đang có mặt tại Việt Nam cho rằng, để thực sự phát triển được ngành công nghiệp ô tô trong nước, cần thiết kế chính sách để đáp ứng 2 mục tiêu. Thứ nhất, ổn định thị trường và phát triển sản xuất xe trong nước. Thứ hai, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô.

Với mục tiêu thứ nhất, các DN cho rằng hàng rào kỹ thuật hay hàng rào hành chính không thể là giải pháp hiệu quả và ổn định vì rất khó để hiệu chỉnh và tạo ra tỷ lệ cân bằng hợp lý giữa xe sản xuất trong nước và xe sản xuất trong khu vực ASEAN. Thay vào đó, các giải pháp liên quan đến chính sách thuế nên được triển khai để tạo ra sức cạnh tranh cho xe sản xuất trong nước về dài hạn. Chẳng hạn, sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho các nhóm ô tô là đối tượng chịu thuế, trên cơ sở không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị gia tăng trong nước.

Liên quan đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, hiện nay ngành này còn ở trình độ thấp do 3 vấn đề. Thứ nhất là sản lượng thấp; thứ hai là kinh nghiệm quản lý sản xuất của các nhà cung ứng trong nước hạn chế; thứ ba là công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có, buộc phải nhập khẩu vật liệu nên chi phí sản xuất của các nhà cung ứng linh kiện tại Việt Nam còn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia.

Đối với 2 nhóm vấn đề là sản lượng thấp nên không thể đầu tư lớn và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao, cần có các định hướng và chính sách mạnh mẽ, cụ thể của nhà nước để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Theo các nhà sản xuất ô tô, Chính phủ nên có ưu đãi cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá, nhằm giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp, từ đó đẩy nhanh tốc độ nội địa hoá linh kiện. Bên cạnh đó, bản thân các DN sản xuất ô tô trong nước cũng cần nỗ lực hỗ trợ các nhà cung cấp nâng cao năng lực thông qua việc hỗ trợ đào tạo nhân lực, tuyển dụng, để đẩy nhanh quá trình học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm của các nhà sản xuất.

Vấn đề đáng lo ngại hơn cả là thời gian cũng đang không ủng hộ nhiều cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Bởi Việt Nam đã ký CPTPPEVFTA, trong đó thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các thị trường này theo cam kết sẽ giảm dần về 0% sau 7-10 năm nữa. Như vậy, đến năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản xuất ô tô lớn trên thế giới, chứ không chỉ còn cạnh tranh với khu vực ASEAN.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại