menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Nguyên

Giữ hình ảnh 'tôm sạch Việt Nam'

Cuộc chiến chống “tôm bẩn” ở nước ta dù có lúc đạt được những thành tích quan trọng nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Mới đây nhất, ngày 20/9, các ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu đã bắt được vụ bơm tạp chất vào tôm, thu gom và vận chuyển gần 600 kg “tôm bẩn”. Đồng thời, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng phát hiện lô tôm chứa tạp chất có khối lượng gần 3.500 kg.

Hệ lụy của “tôm bẩn”

Bơm tạp chất vào tôm là hành động cầu lợi cho cá nhân nhưng gây hại cho toàn ngành thủy sản.
EU đã từng cảnh báo về tình trạng dư lượng thuốc kháng sinh và tạp chất trong mặt hàng thủy sản tại Việt Nam. EU đưa ra khỏi danh sách doanh nghiệp được phép nhập khẩu vào thị trường EU trong trường hợp có lô hàng thủy sản bị cảnh báo có hóa chất cấm quy định tại phụ lục 2, quy định EU số 37/2010.

Để tránh việc Cơ quan thẩm quyền EU loại dần doanh nghiệp trong danh sách được phép xuất khẩu vào thị trường này, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã có công văn số 1041/QLCL-CL1 ngày 30/5/2016 yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản sản xuất vào EU và các đơn vị có liên quan phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát cần thiết đối với hóa chất kháng sinh, tạp chất để tránh bị EU đưa ra khỏi danh sách xuất khẩu vào khu vực này. Các cơ sở chế biến thủy sản cần chủ động lấy mẫu kiểm tra đối với từng lô hàng trước khi xuất khẩu vào EU.

Vấn đề thủy sản nhiễm kháng sinh có thể được kiểm soát ở vùng nuôi nhưng đối với tôm bơm tạp chất thì sự việc còn phức tạp hơn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ phải kiểm tra, giám sát ở nhiều đầu mối như người nuôi, đại lý thu mua, vận chuyển, cơ sở chế biến và ngay chính người của doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết, doanh nghiệp phải cho nhân viên giám sát con tôm từ lúc nuôi đến khi thu hoạch, vận chuyển vào tận kho doanh nghiệp, mất nhiều thời gian, chi phí, nhân lực. Doanh nghiệp phải tính toán thời gian của các xe vận chuyển để xem xe thu mua từ vùng nuôi hay đại lý đến kho của doanh nghiệp mất bao nhiêu thời gian. Từ đó, doanh nghiệp quy định thời gian cho từng xe vận chuyển và nếu xe nào về lâu hơn thời gian quy định thì doanh nghiệp sẽ kiểm tra lại hàng.

Việc các gian thương bơm tạp chất vào tôm không chỉ là hành vi gian lận thương mại, làm xấu hình ảnh về con tôm Việt Nam ở nước ngoài, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng trong nước. Khi thị trường xuất khẩu bị quản chặt thì thị trường nội địa trở thành nơi tiêu thụ các sản phẩm thủy sản bẩn.

Theo các chuyên gia, việc bơm tạp chất vào tôm giúp tăng trọng lượng và kích thước, trông bắt mắt hơn để trục lợi. Điều đáng nói là tôm có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng, sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt là các vi khuẩn gây bệnh về tiêu hóa.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng cuộc chiến với nạn bơm tạp chất vào tôm rất khó khăn vì lợi nhuận mang về từ hành vi này rất cao.

Sau khi được bơm chất “tăng trọng” thì 1 tấn tôm sú sẽ “nở” thành 1,2 tấn. Nếu lấy giá mỗi cân tôm sú hiện nay là khoảng 180.000 đồng thì việc bơm tạp chất đem lại lợi nhuận bất chính tới 20%, nghĩa là một tấn tôm có thể lãi ngay tại chỗ 36 triệu đồng.

Biện pháp cứng rắn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra; kết hợp vận động các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh ký cam kết "Nói không với tôm có chứa tạp chất". Một số địa phương còn hạ quyết tâm loại bỏ “tôm bẩn” bằng biện pháp cứng rắn. UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành chỉ thị, nêu rõ: Nếu trên địa bàn huyện nào có cơ sở bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu thì chủ tịch UBND huyện đó sẽ bị kỷ luật.

Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương nên trong năm 2017 và năm 2018 tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm hẳn. Thế nhưng, thời gian gần đây, khi tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu không còn được nhắc tới nhiều, việc kiểm tra, chấn chỉnh không còn quyết liệt như trước, thì nạn bơm tạp chất vào tôm bùng phát trở lại.

Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra, phát hiện 10 trường hợp vận chuyển, bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Lực lượng chức năng đã tịch thu các lô hàng vi phạm và xử phạt theo quy định của pháp luật.

Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Bạc Liêu) đã xử phạt hơn 1,6 tỷ đồng đối với 2 trường hợp bơm tạp chất vào tôm bị phát hiện từ ngày 18 đến ngày 20/9/2022. Trước đó, vào tháng 6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một chủ cơ sở 60 triệu đồng do thuê công nhân bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, buộc cơ sở này đình chỉ hoạt động trong 2 tháng.

Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi đưa tạp chất vào tôm. Cụ thể là nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm địa phương đã ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh nhưng để xảy ra vi phạm pháp luật có liên quan đến tôm tạp chất và chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.

Nhưng tất cả các biện pháp nêu trên vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các cá nhân, cơ sở thu mua tôm hám lợi bất chính.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng, cho rằng câu chuyện thủy sản bị bơm tạp chất, kháng sinh vượt mức đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để, trị từ “gốc”. Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát những loại thuốc thú y, chất cấm trong thủy sản. Hiện nay, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường. Nguyên nhân phải chăng là do mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội.

Về mặt pháp lý, bơm tạp chất vào tôm là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, khoản 1a, Điều 11 của Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến thực phẩm. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật.

Về xử lý hình sự, hành vi bơm tạp chất cấm vào tôm là vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Cụ thể Điều 317 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó, hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “lừa dối khách hàng” với án tù 03 năm.

Theo quy định, pháp luật không nương tay đối với hành vi bơm tạp chất vào tôm. Vấn đề nằm ở khâu thực thi pháp luật. Trên thực tế, các vụ bơm chất bẩn vào tôm để trục lợi đều mới chỉ bị xử lý về mặt hành chính. Chưa một vụ nào bị xử lý hình sự với mức án đủ sức răn đe. Chính vì sự thiếu nghiêm minh này mà xảy ra tình trạng nhờn luật trong hơn 20 năm qua và cuộc chiến chống “tôm bẩn” vẫn chưa đến hồi kết thúc.

Đã đến lúc cần thay đổi “luật chơi”. Hành vi gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại, lừa dối khách hàng, phá hoại ngành nuôi, trồng thủy sản phải được gọi đúng tên và xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật để giữ hình ảnh trong sạch cho con tôm Việt Nam!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại