menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tiến Hoàng

Gỡ khó cho thị trường bất động sản

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, cần làm quy hoạch tổng thể của vùng, để có sự phát triển nhất quán và theo tầm nhìn để có thể phát triển tối ưu...

Gặp khó trong “bão dịch”

Hiện, có hai “đầu tàu” lớn tại khu vực miền Trung đã phát triển mạnh mẽ đó là TP. Đà Nẵng và Khánh Hòa, tận dụng được các lợi thế, tiềm năng đối với kinh tế biển và hoạt động kinh tế du lịch. Trên thực tế, thì tại những địa phương này, thị trường bất động sản đã thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Bên cạnh những “anh cả” này, thì các địa phương khác trong khu vực như, Bình Định, Thanh Hoá hay Bình Thuận cũng đang nổi lên với những đại đô thị du lịch có chất lượng rất cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cũng giống như các khu vực khác trong cả nước, những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đang khiến cho thị trường bất động sản tại miền Trung lao đao. Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khu vực miền Trung vốn có lợi thế du lịch và nhiều tỉnh, thành khu vực này đang phát triển mạnh du lịch. Song, đợt dịch vừa qua đã làm khu vực này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn tới hàng loạt dự án đứng im, không vận động. Thị trường bất động sản miền Trung từ năm 2020 đến nay rơi vào cảnh “đóng băng” kéo dài.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội đã đánh giá, đại dịch Covid-19 đã có những tác động khá lớn tới thị trường bất động sản Đà Nẵng, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng, lĩnh vực đã gặp những khó khăn nhất định vì các đợt sóng dịch diễn ra liên tiếp. Phân khúc khách sạn nói chung và khách sạn từ 3 đến 5 sao nói riêng ảnh hưởng nặng nề nhất. Công suất thị trường giảm 44 điểm % theo năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, giá phòng trung bình giảm 50% theo năm...

Bên cạnh những khó khăn trên, ở một số nơi trong khu vực miền Trung, việc phát triển thị trường bất động sản, đặc biệt trong phân khúc đất nền, môi trường cạnh tranh còn chưa lành mạnh. Các quy định của pháp luật hiện hành còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, cũng như những quy định pháp luật chậm được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế phát triển nhanh chóng của thị trường.

Ông Lưu Thanh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Saco nhận định, tại một số địa phương, trong quá trình làm việc vẫn chưa linh hoạt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Thậm chí, ở một số nơi môi trường cạnh tranh còn thiếu lành mạnh. Các chủ đầu tư còn gặp vướng mắc trong khâu pháp lý. Thời gian cấp sổ hay các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án còn chậm trễ, hay còn thiếu những dự án quy mô để thu hút các nhà đầu tư... Tất cả những rào cản trên làm cho nhiều nhà đầu tư còn băn khoăn khi “xuống tiền” đầu tư tại thị trường bất động sản ở khu vực miền Trung.

Khơi thông điểm nghẽn

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện có nhiều nhà đầu tư lớn, những “đại bàng” đầu đàn đã đến với miền Trung từ rất sớm và cũng đã thành công trong việc dẫn dắt thị trường bất động sản tại khu vực bùng nổ một cách sôi nổi.

Tuy nhiên, để thị trường bất động sản ở khu vực phát triển một cách bền vững thì các cơ quan chức năng cũng như chính bản thân các nhà đầu tư sẽ phải nỗ lực xóa bỏ các điểm nghẽn. Trong đó, theo nhiều chuyên gia bất động sản, cần làm quy hoạch tổng thể của vùng, để có sự phát triển nhất quán và theo tầm nhìn để có thể phát triển tối ưu. Thực tế, quy hoạch vùng ở miền Trung được tiến hành còn chậm. Bên cạnh đó, một điều kiện tiên quyết là cần có hành lang pháp lý minh bạch, có thể “sàng lọc” doanh nghiệp, lựa chọn những nhà đầu tư có định hướng bền vững lâu dài, góp phần “làm sạch” thị trường bất động sản ở khu vực. Từ đó, có thể biến các tiềm năng, lợi thế thành kết quả, đưa bất động sản miền Trung nói riêng và kinh tế của khu vực miền Trung nói chung phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Nhìn nhận ở góc độ của một nhà đầu tư, bà Đào Thị Thu Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Virex đánh giá, thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản miền Trung nói riêng sẽ khởi sắc trong thời gian tới. Song, để thị trường phát triển thì việc cần làm nhất chính là tìm ra giải pháp cụ thể, khơi thông các vấn đề còn tồn đọng hiện nay. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để mở cửa du lịch, tạo đà cho phát triển bất động sản ở khu vực.

Được biết, thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã quyết liệt chỉ định các bộ, ngành phối hợp với Bộ Xây dựng để ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản. Một số chính sách mới đã được ban hành có thể kể đến như, Nghị định 30/2021, Nghị định 49/2021, Nghị định 69/2021… đặc biệt mới đây là Nghị định 02 sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Các chính sách này đã góp phần tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản của cả nước nói chung và tại khu vực miền Trung nói riêng, tạo đà cho sự phát triển trong thời gian tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại