menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Chín

Gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa gần 350.000 tỷ đồng: Triển khai thực chất và hiệu quả

Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua với quy mô gần 350.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm là việc thực hiện sao cho thực chất và hiệu quả, hỗ trợ trúng và đúng đối tượng.

Tạo sức bật tăng trưởng

Mặc dù có thể phải đối diện với rủi ro về nợ công, lạm phát và trong bối cảnh đầy khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nhưng để có nguồn lực cho phục hồi kinh tế, Quốc hội đã quyết định thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỷ đồng nhằm tạo sức bật tăng trưởng.

Tại Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến với chủ đề “Phát triển bền vững, thích ứng tương lai” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều 19/1/2022, các chuyên gia kinh tế đã gợi mở và đưa ra một số giải pháp nhằm sớm hiện thực hóa gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa gần 350.000 tỷ đồng mới được Quốc hội thông qua.

Chia sẻ tại diễn đàn, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lần này, Nhà nước sẽ giảm thuế giá trị gia tăng 2%, áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện đang chịu mức thuế VAT 10%. Với hỗ trợ này, nhà sản xuất sẽ được hỗ trợ trực tiếp và không tăng giá thành sản phẩm, người tiêu dùng sẽ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu mua sắm nên sẽ có tác dụng kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước.

Một yếu tố nữa là việc giảm thuế GTGT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. Như vậy, việc giảm thuế 2% sẽ giúp đạt 2 mục tiêu: 1 là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, từ phía tiêu dùng; 2 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Như vậy, gói chính sách lần này không chỉ mang tính kế thừa những gì đã thực hiện để cải thiện nâng cao hơn mà mang dấu ấn của hội nhập, của sự bắt nhịp chung của kinh tế Việt Nam đồng hành với thế giới, với xu thế hiện đại nhất, đảm bảo tăng trưởng vừa cao, vừa ổn định, đồng thời bảo vệ môi trường và bền vững.

“Gói hỗ trợ lần này bên cạnh quy mô lớn còn có cả sự thay đổi về chất, chất ở đây là tư duy thiết kế chính sách, tư duy định hướng dòng tiền và những tiến độ trong tạo điều kiện thực thi chính sách thuận lợi, hiệu quả, phù hợp nhất với xu thế chung của thời đại cũng như sự vận động của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam”- chuyên gia Vũ Đình Ánh khẳng định.

Hỗ trợ trúng và đúng đối tượng

Theo các chuyên gia, khi một gói chính sách được đưa ra, điều doanh nghiệp và người dân quan tâm là việc thực hiện sao cho thực chất và hiệu quả. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, sau khi chính sách được ban hành, các thủ tục đưa ra sau đó phải thật đơn giản, phù hợp với điều kiện thực tiễn đối tượng được hưởng thụ.

Tránh tình trạng chính sách rất hay nhưng lại nhiều thủ tục rườm rà gây vướng mắc trong quá trình triển khai. Cùng với đó, cần thiết phải ban hành quy định kiểm soát việc thực thi chính sách nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng đối tượng. Và chính người lao động, người được hỗ trợ, DN sẽ đưa ra các điều kiện, ràng buộc trong việc kiểm soát thực thi các chính sách này.

Đồng quan điểm, GS. TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, cùng một gói hỗ trợ có thể có đối tượng tiếp cận dễ dàng, có đối tượng được hỗ trợ không đáng kể hoặc không tiếp cận được. Ví dụ, gói hỗ trợ lãi suất 2%, đây là gói tác động rất mạnh, rất rộng đến cộng đồng DN bởi lẽ Chính phủ dành 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất nhưng tác động đến hơn 20 triệu tỷ đồng tiền vốn của DN.

Nếu không cẩn thận thì số 20 triệu tỷ đồng này chỉ dồn vào một nhóm những “ông lớn” nào đó, trong khi đó những DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể không tiếp cận được (dù số vốn không nhiều) nên không thể phát triển được- GS. TS Hoàng Văn Cường lưu ý.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, phải tiến hành rà soát làm sao hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Cách thiết kế chính sách lần này rất hay, chúng ta không đưa ra quy định ai là người được hỗ trợ mà ta chỉ ra đối tượng nào không được hỗ trợ. Số này rất ít, chỉ có nhóm các DN đang có lợi thế trong đại dịch như lĩnh vực kinh doanh tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông… Số còn lại đương nhiên được hưởng hỗ trợ, không cần xin – cho gì cả. Với cách thiết kế này thì việc kiểm soát không còn quá khó khăn.

Nhấn mạnh việc thay đổi căn bản các phương thức quản lý, quản trị, kiểm soát chính sách, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu rõ, cần phải làm mạnh hơn việc kiểm soát nghiêm ngặt các giao dịch không dùng tiền mặt. Với trang bị công nghệ số hiện nay thì bất kể dòng tiền nào từ ngân hàng đầu tư ra cho DN, chảy đi đâu, đến DN nào, đều có thể kiểm soát được. Khi đó, ta có thể đảm bảo được dòng tiền khi thực hiện các chính sách hỗ trợ này sẽ đúng, trúng mục đích hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế chứ không chảy vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản, đầu tư tài chính để xảy ra các trục lợi chính sách- GS.TS Hoàng Văn Cường khẳng định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại