menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Hàng nghìn người khốn khổ vì đầu tư vào địa ốc Alibaba

Dùng toàn bộ tiền tích cóp, thậm chí phải đi vay mượn để mua đất của địa ốc Alibaba nhưng hàng nghìn người chưa được nhận sổ đỏ hay tiền lời như cam kết.

Ngày 12/12, cái dáng khắc khổ của ông Ngô Hùng Duyệt, 66 tuổi, lọt thỏm trong khoảng 300 người có mặt tại khu vực TAND TP HCM dành riêng cho bị hại vụ án Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm. Đeo balo hành lý, cầm xấp hồ sơ đã mua 3 lô đất của Luyện, ông cho biết mới từ Đà Nẵng bắt xe đò vào để tham gia phiên xử. Hiện ông phải ở tạm tại phòng trọ của người cháu trong những ngày dự tòa.

Vụ án có tổng cộng hơn 4.000 bị hại nên toà phải chia thời gian xét xử theo từng nhóm dự án và mời những người trong danh sách lần lượt trình bày ý kiến để đảm bảo quyền lợi cho mình. Theo kế hoạch sẽ có khoảng hơn 1.400 bị hại thuộc 8 dự án của Alibaba sẽ tham xét hỏi trong đợt đầu kéo dài hai ngày (12-14/12). Tuy nhiên, trong buổi làm việc hôm nay, nhiều người vắng mặt.

Theo thông báo của chủ tọa phiên tòa, do không có nhiều thời gian nên các bị hại chỉ được trình bày hai nội dung là số tiền đã đầu tư vào Alibaba bị chiếm đoạt và yêu cầu của mình.

Là một trong những bị hại được HĐXX mời lên thẩm vấn đầu tiên, ông Duyệt nói đã đầu tư tổng cộng 578 triệu đồng mua hai nền đất thổ cư tại Dự án Alibaba Phú Mỹ Central City (Bà Rịa – Vũng Tàu) và ký đặt cọc mua một nền đất nông nghiệp 540 m2 thuộc Dự án Alibaba Phú Mỹ Central City 3. Ông đề nghị tòa cho nhận lại số tiền đã bỏ ra.

Hàng nghìn người khốn khổ vì đầu tư vào địa ốc Alibaba
Bị hại Ngô Hùng Duyệt từ Đà Nẵng vào dự phiên tòa. Ảnh: Hải Duyên

Vẻ thất thần, ông Duyệt cho biết, do có ý định chuyển vào Nam sống cùng các con nên khi thấy Công ty Alibaba quảng cáo rầm rộ bán đất nền dự án đã rất quan tâm. Thấy giá rẻ, ông gom góp tiền tiết kiệm, vay thêm người thân và ngân hàng để mua đất với ý định xây nhà ở.

Sau khi được nhân viên của công ty tư vấn và dẫn đi xem đất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 10/9/2018, ông ký hợp đồng mua hai nền đất. Theo hợp đồng, một năm sau ông sẽ nhận được sổ đỏ đất thổ cư. Đến thời hạn ông liên hệ thì nhân viên công ty Alibaba nói chưa có sổ và tư vấn cho ông tái đầu tư. Ông nói chỉ muốn nhận lại tiền nhưng họ không trả, tiếp tục giới thiệu mua nền đất nông nghiệp sẽ được nhận sổ ngay lập tức. Tin tưởng, ông bỏ ra 20 triệu đồng đặt cọc mua thêm một nền nhưng chỉ vài ngày sau thì Luyện bị bắt.

"Từ ngày bị vướng vào vụ án, cả gia đình tôi khủng khoảng cả vật chất lẫn tinh thần. Với số nợ ngân hàng, vợ chồng tôi phải gom hết tiền lương hưu, thương binh, tiền con cho thêm một ít mới đủ để trả lãi. Còn tiền vay anh em họ hàng thì không biết làm sao, bị trách móc cũng đành chịu", ông Duyệt nói, thêm rằng chỉ biết trông chờ vào tòa cho lấy lại tiền để trả nợ.

Các bị hại kể lý do mua đất của địa ốc Alibaba. Video: Đình Văn

Ở một góc khác, chị Lê Thị Nguyệt, 35 tuổi, cặm cụi điền thông tin, sắp xếp tài liệu gồm gần 20 hợp đồng mua dự án của Alibaba để chuẩn bị trình bày và nộp cho tòa. Chị đã mua dự án đầu tiên tại Đồng Nai vào năm 2018. Khi đó, chị ký hợp đồng mua mảnh đất 105 m2 với giá hơn 200 triệu đồng. Nhân viên bán hàng đưa ra cam kết "sẽ có sổ sau 18 tháng, nếu không sẽ bồi thường 150% số tiền trên hợp đồng". Ngoài ra, sau mỗi 6 tháng, chị sẽ được nhận 15% tiền lãi.

Bị thu hút bởi những khoản lợi nhuận được công ty này vẽ ra, chị tiếp tục vay mượn tiền khắp nơi, rủ bạn bè, người thân cùng đầu tư mua liên tục 19 mảnh đất ở nhiều dự án từ tỉnh Đồng Nai đến Bình Thuận và Bà Rịa- Vũng Tàu.

"Lúc đó Alibaba bán đất theo hình thức rất khác so với các công ty bất động sản trên thị trường. Giá thành rất thấp nhưng lợi nhuận cam kết lại rất cao. Mảnh đất đầu tiên tôi mua hơn 200 triệu nhưng 6 tháng sau tôi được lãnh 30 triệu tiền lời. Ham quá tôi mới mua liên tục", chị Nguyệt nói.

Mỗi lần mua, chị đều được nhân viên công ty đưa đến tận nơi xem đất. Trong đó, dự án ở xã Tóc Tiên, Bà Rịa - Vũng Tàu, dù là đất nông nghiệp nhưng khi đến xem chị thấy đường xá đã được xây dựng khang trang, chỉ cách đường lớn vài trăm mét lại gần sân bay Long Thành. Nghe những lời "rót mật" của nhân viên bán hàng, chỉ sau đó vài ngày chị lại vay mượn tiền để mua cùng lúc 3 mảnh đất tại đây.

"Tôi không rành về luật nên đã không biết được những dự án này do công ty vẽ ra. Giờ tôi chỉ biết chờ tòa xem xét để lấy lại tiền, đem trả nợ", chị Nguyệt nói, giọng buồn rượi.

Tương tự, bà Vũ Thị Hoa (quê Thái Bình) đã đầu tư hơn một tỷ đồng mua 9 nền đất tại nhiều dự án của Alibaba. Từ ngày mua đất đến nay bà cũng chưa nhận được sổ hay khoản tiền lời nào. Số tiền lãi đều được các nhân viên của Alibaba tư vấn tái đầu tư mua thêm các nền khác nên khi Luyện và đồng phạm bị bắt thì bà trắng tay.

Trình bày với tòa, bà Hoa nói nguyện vọng "được lấy đất", song HĐXX cho biết sẽ xem xét yêu cầu của bà và những bị hại khác "theo quy định của pháp luật".

Bà Hoa kể, tiền đầu tư mua đất của Alibaba bao gồm: tiền tích lũy trong mấy chục năm đi buôn bán; vay bạn bè, cha mẹ và tiền của người em quá cố gửi nhờ nuôi con ăn học.

"Lúc đó thấy khắp nơi quảng cáo các dự án của Alibaba nên tôi cũng tin tưởng, ai ngờ giờ mất hết. Hiện tại tôi phải ở thuê, đi bán hàng rong, có lúc đi lượm ve chai để có tiền nuôi cháu ăn học", bà kể.

Hàng nghìn người khốn khổ vì đầu tư vào địa ốc Alibaba
Nguyễn Thái Luyện tại tòa ngày 12/12. Ảnh: Đình Văn

Luyện bị cáo buộc năm 2016 thành lập Công ty địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Với vai trò Chủ tịch HĐQT, Luyện còn thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.

Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên một diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn sau đó quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng cách này, Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, cơ quan điều tra đã làm việc được với 4.065 khách hàng tố cáo bị chiếm đoạt 2.108 tỷ.

Phiên toà dự kiến kéo dài đến tháng 1/2023.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại