menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Mạnh

Hàng rào phi thuế quan: Thiết kế lại để không thành “con dao hai lưỡi”

Các tổ chức và DN cần hiểu rõ các hàng rào phi thuế quan để tránh những khó khăn trong kinh doanh.

Hàng rào phi thuế quan là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nền sản xuất trong nước, song đó cũng có thể là trở ngại cho chính các DN, ngành hàng trong nước trước bối cảnh hội nhập. Vì vậy theo khuyến nghị của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tại Hội thảo thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các biện pháp phi thuế quan trong thương mại dịch vụ, tổ chức ngày 19/11, các tổ chức và DN cần hiểu rõ các hàng rào phi thuế quan để tránh những khó khăn trong kinh doanh.

Xác định các nút thắt tiềm ẩn

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các quốc gia trên thế giới đều sử dụng công cụ phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, hướng đến đạt được một số mục tiêu kinh tế, xã hội nhất định. Tuy nhiên theo quy định của WTO, các nước sẽ phải dần xóa bỏ một số hàng rào phi thuế quan. Vì vậy cùng với tiến trình đó, việc tạo ra và sử dụng các công cụ phi thuế quan mới và tinh vi hơn là điều không thể tránh khỏi.

Trong bối cảnh đó, ông Phú khuyến nghị, các DN, cơ quan, đơn vị và hiệp hội ngành hàng cần trang bị thông tin và kiến thức để nhìn rõ hơn bức tranh tổng thể về những vấn đề phi thuế quan trong thương mại dịch vụ. Với mục đích đó, khảo sát của Cục Xúc tiến thương mại sẽ là cơ sở khoa học cho các cơ quan, DN thiết kế hoạt động thực tế.

Bà Nguyễn Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại cho biết, khảo sát được thực hiện tại Việt Nam bởi Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), sử dụng phương pháp được phát triển bởi ITC nhằm xác định các trở ngại pháp lý và các rào cản về thủ tục đối với thương mại, xuất phát từ các biện pháp phi thuế quan.

Mục tiêu của khảo sát nhằm làm sáng tỏ các vấn đề về phi thuế quan và các trở ngại thương mại khác mà DN gặp phải, hướng tới cải thiện và phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân. Những trở ngại chính được chỉ ra là do các quy định quá nghiêm ngặt, chiếm 3% các trường hợp; các trở ngại về thủ tục chiếm 89%; và 8% còn lại cho rằng do cả hai lý do trên.

Các trở ngại về thủ tục được báo cáo nhiều nhất là gây chậm trễ liên quan đến quy định, chiếm 40% các trường hợp; chi phí không chính thức như hối lộ liên quan đến giấy chứng nhận/quy định, chiếm 17% các trường hợp; lệ phí và phí cao bất thường cho giấy chứng nhận/quy định chiếm 15% các trường hợp.

Bà Nguyễn Minh Thúy nhấn mạnh, cuộc khảo sát cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về những trở ngại trong thương mại mà các công ty Việt Nam gặp phải và xác định các nút thắt tiềm ẩn liên quan đến thủ tục trong thương mại và hoạt động xuyên biên giới. Thông tin này sẽ hỗ trợ cả khu vực tư nhân và Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi để phát triển khu vực tư nhân và cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu cho Việt Nam.

Ông Vianney Lesaffre, Quản lý dự án, Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) thông tin thêm, các trở ngại của những biện pháp phi thuế quan đối với công ty xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá là khác nhau. Đối với DN xuất khẩu, có 3 trở ngại chính là biện pháp kỹ thuật, chiếm hơn một nửa các trường hợp; quy tắc xuất xứ chiếm 15%; các biện pháp liên quan đến xuất khẩu chiếm 8%. Đối với DN nhập khẩu, trở ngại chính là thủ tục đánh giá sự phù hợp; thủ tục hải quan và định giá…

Thủ tục rườm rà, chi phí lớn

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ, khảo sát thực tế của CIEM cho thấy các DN nhập khẩu gặp phải khó khăn nhiều hơn so với DN xuất khẩu. “Có những DN nhập khẩu hàng hoá đến 20 năm nay rồi, các lô hàng của họ chưa bao giờ có lỗi, nhưng lần nào cũng phải kiểm tra, kiểm soát toàn bộ lô hàng”, bà Thảo dẫn chứng.

Chia sẻ câu chuyện của 1 DN xuất khẩu mỳ tôm sang Mỹ, bà Thảo cho hay thời gian đầu cơ quan quản lý nước này làm rất ngặt nghèo và kiểm tra tại nguồn, tức là đến tận nhà máy tại Việt Nam để xem xét nguồn đầu vào của sản phẩm. Tuy nhiên khi đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì thủ tục được tiến hành rất thuận lợi. Trong khi đó sản phẩm vào Việt Nam thì vô cùng khó khăn.

Một trở ngại khác là sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ ngành, khiến DN phải đi hết từ cơ quan này sang bộ ngành khác, trong khi đáng nhẽ 1 sản phẩm chỉ phải qua 1 đầu mối quản lý nhà nước. Ví dụ 1 sản phẩm nông nghiệp phải vừa kiểm dịch vừa kiểm tra chất lượng, khiến sản phẩm đó phải qua kiểm tra của 2 đơn vị cùng trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ảnh hưởng về thời gian và chi phí cơ hội rất lớn. Thậm chí có những trường hợp kiểm tra thức ăn chăn nuôi còn ngặt nghèo hơn cả thực phẩm cho người.

“Đơn cử mặt hàng động cơ thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương kiểm định. Cơ quan này chỉ định duy nhất 1 đơn vị là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, thế là tất cả các DN ở các miền đều phải mang ra Hà Nội để kiểm định, kể cả DN chỉ nhập duy nhất 1 động cơ thay thế cho dây chuyền của họ mà không phải nhập thương mại, thậm chí chi phí điểm định còn lớn hơn cả giá trị của động cơ”, bà Thảo dẫn chứng.

Bên cạnh đó, các tổ chức đánh giá sự phù hợp chưa được mở rộng, đa dạng hoá cũng là yếu tố khiến DN phải chịu chồng chất thêm gánh nặng thủ tục. Bà Thảo cho hay, hiện nay trong một số lĩnh vực với hàng xuất khẩu thì các nước nhập khẩu đã yêu cầu DN phải kiểm định tại các tổ chức kiểm định rất rõ ràng, và thường yêu cầu tổ chức quốc tế chứ không phải trong nước. Khi đó hàng hoá thông quan rất tiện lợi và kiểm tra tại nguồn. Còn tại Việt Nam rất ít kiểm tra tại nguồn, đồng thời mặc dù theo quy định phải công khai để xã hội hoá hoạt động kiểm định, nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy.

Các chuyên gia, DN cũng lưu ý, thủ tục đánh giá sự phù hợp còn rào cản khác là chi phí rất cao. Chẳng hạn chi phí kiểm định 1 lô tủ lạnh của DN có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Hiện nay chúng ta quy định kiểm tra theo mặt hàng, tức là theo mẫu. Vì vậy đã dẫn đến trường hợp trong những mặt hàng máy móc, đồ gia dụng thì động cơ bên trong có khi giống hệt nhau nhưng mẫu mã khác nhau, vì vậy đều phải kiểm tra hết.

Rào cản phi thuế quan khác là giao dịch điện tử. Hiện nay 12 bộ quản lý chuyên ngành có liên quan đều cho rằng đã kết nối với cổng thông tin một cửa quốc gia, dịch vụ công cấp độ 4, nhưng thủ tục thực hiện hoàn toàn trên hệ thống được chỉ vài %. “Các DN làm trên cổng điện tử rồi vẫn phải làm bản giấy thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Có những thủ tục chẳng mấy gặp thì lại kết nối, còn thủ tục thường xuyên làm thì lại không kết nối”, một DN xuất khẩu hàng hoá than thở.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại