menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Lâm

Hàng tết: Người bán sốt vó, người mua hờ hững

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Theo truyền thống, thời điểm hiện tại không khí mua sắm tết đã khá nhộn nhịp nhưng năm nay tình hình tiêu thụ lại đang hết sức trầm lắng.

Sức mua yếu

Buổi trưa 14.1, chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày rằm tháng chạp, ngày cúng ông Táo… nhưng không khí mua sắm tại chợ Bình Tây (TP.HCM) lại hết sức trầm lắng. Theo ghi nhận của chúng tôi, các sạp bán trái cây, thực phẩm, hàng hóa trang trí tết tại chợ đều rất phong phú, đa dạng chủng loại nhưng khác biệt so với mọi năm là… rất vắng khách.

Tại khu vực bán trái cây, các mặt hàng ê hề, đầy ắp nhưng vắng người mua. Tiểu thương bán trái cây ở chợ than thở: “Ế lắm, hàng hóa còn đầy mà người mua không có”. Khu vực xung quanh chợ là bến xe liên tỉnh, trước khi có dịch luôn là địa điểm đông đúc nhộn nhịp, tấp nập người qua lại kể cả ngày thường. Đây cũng là chợ sỉ cung cấp nhiều hàng hóa phục vụ tết cho các chợ nhỏ. Thế nhưng đến giờ này vẫn vắng vẻ, người bán đông hơn người mua dù hàng hóa ê hề, giá rẻ.

Trao đổi nhanh với chúng tôi khi đi chợ, chị Hồ Minh Cơ, ngụ Q.5 (TP.HCM), cho biết: “Năm nay kinh tế khó khăn quá, tôi chỉ đi chợ mua thực phẩm hằng ngày thông thường thôi, chứ đồ tết thì… chưa biết thế nào”. Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người khi được hỏi. Chị Trương Hạ Huyền, nhân viên một công ty lớn có trụ sở tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), cũng bộc bạch: “Đợt nghỉ dịch kéo dài mấy tháng trước khiến gia đình em gặp khó khăn, bao nhiêu tiền tích cóp mang ra dùng hết, thậm chí phải vay mượn thêm. Công ty của chồng em gắng gượng vài hôm rồi cũng đóng cửa ngay trước Tết âm lịch. Bây giờ chỉ còn em đi làm, thấp thỏm không yên tâm, không biết sắp tới như thế nào, có tiền thưởng tết thì cũng để dành chứ không dám tiêu xài”.

Tâm lý dè dặt, thận trọng đang đè nặng lên người tiêu dùng khiến việc mạnh tay mua sắm trước tết cũng giảm đi nhiều. Tại một số siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM, lượng người đi mua sắm khá thưa thớt dù tết đang đến gần. Một số siêu thị và cửa hàng thừa nhận lượng khách có giảm sút, sức mua không bằng các năm trước nhưng một phần là do việc mua sắm đã được thực hiện qua ứng dụng trên điện thoại. Thực tế hiện nay xu hướng mua sắm online qua sàn thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh. Các sàn thương mại như Tiki, Lazada, Shopee đang nỗ lực thu hút khách bằng chương trình khuyến mãi và lấn sân vào lĩnh vực thực phẩm, nông sản, hàng hóa thiết yếu dịp tết. Chính vì vậy sức mua trên thị trường truyền thống cũng bị chia sẻ bớt. Chị Nguyễn Thị Ngoan, ngụ TP.Thủ Đức, cho biết: “Từ lúc giãn cách xã hội đến nay tôi đã quen mua sắm trực tuyến thông qua các nhóm cộng đồng. Từ thực phẩm cho đến trái cây và các sản phẩm thông dụng khác đều có thể mua qua mạng, vì vậy hạn chế đi đến siêu thị hoặc trung tâm thương mại”.

Hàng dồi dào, giá giảm mạnh

Trong khi người tiêu dùng hiện đang khá thờ ơ với việc mua sắm thì những người kinh doanh lại lo sốt vó vì hàng hóa ế ẩm. Thời điểm hiện tại, nhiều chủ vựa trái cây ở các tỉnh đang tìm đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm địa phương. Theo ghi nhận của chúng tôi, giá nhiều loại trái cây tại vườn như thanh long, dưa hấu, mít đã rớt xuống còn... 1.000 đồng/kg, giá rẻ như cho nhưng thương lái còn chê không lấy. Chị Lê Thị Len, chủ vựa dưa hấu tại Lâm Đồng, cho biết: “Giá dưa hấu tết năm nay giảm rất thấp, cộng luôn cước vận chuyển đến TP.HCM chỉ khoảng 4.500 - 5.000 đồng/kg. Dưa chất đống nhưng các chủ vựa chưa vội lấy vì diễn biến thị trường rất khó lường”.

Các mặt hàng thiết yếu khác như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm hết sức dồi dào và giá cũng giảm mạnh. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, nhận định: “Nói về mặt hàng trứng thì tôi có thể khẳng định tết năm nay nguồn hàng rất dồi dào, chắc chắn sẽ không thiếu hàng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM đã cam kết giữ giá trước tết 1 tháng và sau tết 1 tháng, trong đó trứng gà được bình ổn với giá 2.800 đồng/quả, trứng vịt 3.300 đồng/quả. Riêng trong 2 ngày giáp tết là 28 và 29 âm lịch, chương trình sẽ giảm giá thêm để hỗ trợ công nhân sắm tết muộn, cụ thể giá trứng gà sẽ giảm còn 2.600 đồng/quả, trứng vịt 3.200 đồng/quả”. Theo ông Trương Chí Thiện, các doanh nghiệp bình ổn giá phải chuẩn bị dư nguồn hàng để đề phòng trường hợp đột biến, tuy nhiên tình hình thị trường hiện nay cho thấy sức mua yếu, giảm sút khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM chiếm 25 - 40% thị phần; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ chiếm 60 - 75% thị phần còn lại. Nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu tăng gần 20% so với năm trước, nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2 - 3 lần. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết. Đồng thời, Saigon Co.op cũng tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm này, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm thời vụ tết.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart, cho biết nhằm tích cực đồng hành cùng những khó khăn của người tiêu dùng sau dịch, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá trong giai đoạn cuối năm. Đặc biệt, thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hơn hàng nghìn sản phẩm tết và 10 ngày cận tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân. Hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã bắt đầu khởi động giai đoạn kinh doanh cao điểm tết và tổ chức giảm giá khuyến mãi 8 tuần liên tục đối với các ngành hàng đồ dùng, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ… để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh người dân đang thắt chặt chi tiêu.

Hệ thống siêu thị GO!/Big C và chuỗi siêu thị Tops Market (Tập đoàn Central Retail) cũng tung ra hàng loạt chương trình bình ổn giá, thông qua triển khai đồng loạt chương trình khuyến mãi, gồm: “Giá luôn luôn thấp”, áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; chính sách “Khóa giá” cam kết không tăng giá bán tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh...

Các nhà sản xuất, phân phối đang kỳ vọng 2 tuần áp tết, sức mua sẽ tăng mạnh hơn để hàng hóa được giải phóng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
4 Bình luận 10 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại