menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
An Nhiên

Hậu quả từ các đòn trừng phạt và “phi USD hóa”

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2/2022, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh của họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đặc biệt đối với Nga. Họ đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga, loại bỏ các tổ chức của Nga ra khỏi SWIFT - dịch vụ nhắn tin giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán quốc tế - và cấm hầu hết đầu tư nước ngoài vào nước này.

Các lệnh trừng phạt trên - vốn đã “hất” Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu - đã gây ra tác động nghiêm trọng. Lạm phát ở Nga đã tăng lên hơn 17% và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng nữa. Thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Hơn 750 công ty đã công bố kế hoạch đình chỉ hoặc chấm dứt các khoản đầu tư và hoạt động tại Nga. Đồng Ruble không còn là một loại tiền tệ có thể chuyển đổi được nữa. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) dự đoán rằng cuộc chiến này sẽ khiến nền kinh tế Nga suy giảm 10% trong năm nay - một mức sụt giảm rất nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế.

Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể gây tàn phá tới mức như vậy là vì Mỹ hiện đang thống trị hệ thống tài chính toàn cầu. Đồng USD là đồng tiền chính được sử dụng trong thương mại quốc tế và các giao dịch tài chính toàn cầu, đồng thời là loại tiền tệ của hầu hết các khoản dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương. Vì phần lớn các khoản thanh toán quốc tế được thực hiện bởi các ngân hàng đại lý tại Mỹ, nên chúng phải tuân theo các quy tắc của Mỹ. Mỹ cũng có ảnh hưởng đáng kể đối với SWIFT và CHIPS - một hệ thống thanh toán bù trừ xử lý các giao dịch hàng ngày có trị giá tới 1.800 tỷ USD.

Những lợi ích mà Mỹ được hưởng từ hệ thống hiện tại là rất lớn, từ dòng vốn dồi dào đến khả năng vay nước ngoài với giá rẻ, từ việc không phải trả chi phí hoán đổi ngoại tệ hay phải chịu rủi ro đối với hầu hết các giao dịch thương mại đến việc có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính như một vũ khí mạnh chống lại kẻ thù.

Mỹ coi các biện pháp trừng phạt là công cụ hiệu quả và ít rủi ro, với khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của một quốc gia khác mà không cần đến sự can thiệp quân sự. Gần đây, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã nhằm vào nhiều mục tiêu, từ các chế độ nước ngoài đến các ngân hàng Thụy Sĩ, và từ các công ty công nghệ Trung Quốc đến nhân viên của Tòa án Hình sự Quốc tế có nhiệm vụ điều tra xem các lực lượng Mỹ có phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan hay không.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đối với Nga có trình tự và quy mô rất khác so với bất cứ điều gì từng thấy trước đây. Bằng cách đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga, Mỹ đã chà đạp lên các khái niệm cơ bản về chủ quyền quốc gia và tài sản tư nhân.

Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có này có thể chứng tỏ đây là một bước đi dũng cảm của Mỹ, vì nó có thể kịp thời giảm bớt những bất lợi bất thường đối với nước Mỹ liên quan tới vị trí trung tâm của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu ngày nay. Một số quốc gia cũng có thể tìm cách giảm bớt mức độ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách phát triển các giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ thống trị hiện nay.

Nga và Trung Quốc đã phát triển các dịch vụ nhắn tin tài chính mà họ tuyên bố là những lựa chọn thay thế cho SWIFT và CHIPS, mặc dù việc tiếp nhận các dịch vụ mới này cho đến nay vẫn còn hạn chế. Vào năm 2019, hai nước này đã đồng ý thay thế đồng USD bằng đồng nội tệ của họ trong các giao dịch xuyên biên giới giữa hai nước. Trung Quốc cũng đã ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều quốc gia tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong đó có Nga. Sự phát triển của các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương cũng có thể là một bước trong việc soán ngôi đồng USD.

Trong khi quá trình phát triển các giải pháp thay thế diễn ra chậm chạp, các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga nhiều khả năng sẽ là một "điểm uốn" trong quá trình này. Các biện pháp trừng phạt này có thể gây ra hai hậu quả đáng kể. Đầu tiên là việc "phi USD hóa" dự trữ tiền tệ toàn cầu. Nhiều quốc gia đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong dự trữ quốc tế. Tỷ trọng dự trữ bằng đồng USD trên toàn cầu đã giảm từ 73% vào năm 2001 xuống 59% vào năm 2021. Khoảng 1/4 sự dịch chuyển khỏi đồng USD đã chuyển sang đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Mặc dù không có đồng tiền nào khác có thể thay thế hoàn toàn đồng USD để trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu trong tương lai gần và trung hạn, song xu hướng hướng tới một hệ thống mà trong đó có nhiều đồng tiền dự trữ đang được thiết lập và các lệnh trừng phạt bất thường đối với ngân hàng trung ương của Nga có thể sẽ đẩy nhanh sự thay đổi này.

Hậu quả thứ hai là sự phân mảnh. Cùng với việc đa dạng hóa dự trữ toàn cầu, rất có thể sẽ có một nỗ lực mới nhằm thúc đẩy một hệ thống tài chính thay thế song song với hệ thống tài chính do Mỹ thống trị. Điều này sẽ dẫn đến sự phân mảnh khi thế giới chia thành các khối, làm mất ổn định quan hệ tiền tệ toàn cầu. Trong một hệ thống phân mảnh, nhiều giao dịch sẽ diễn ra bên ngoài các kênh quy định hiện tại, khiến các nhà quản lý khó có thể phát hiện và kiểm soát các giao dịch bất hợp pháp.

Các biện pháp trừng phạt đối với Nga gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng việc vi phạm các chuẩn mực toàn cầu do Mỹ, các đồng minh và đối tác của họ định ra sẽ không được dung thứ. Tuy nhiên, phương Tây cũng sẽ phải trả giá cho những lệnh trừng phạt này. Nhiều khả năng, các quốc gia không thuộc phương Tây và một số quốc gia phương Tây cũng sẽ đánh giá lại những rủi ro của việc tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ thống trị. Khả năng của Mỹ trong việc tận dụng sức mạnh kinh tế của mình trong tương lai và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay đang gặp rủi ro.

Theo East Asia Forum

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại