menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tiểu Ngọc

Khác biệt trong kỷ lục 1 tỷ USD lợi nhuận Vietcombank

Kỷ lục 1 tỷ USD lợi nhuận của Vietcombank năm 2019 có khác biệt lớn so với năm 2018.

Theo tìm hiểu của BizLIVE, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cơ bản hoàn tất khớp số lợi nhuận hợp nhất toàn hệ thống năm 2019.

Theo đó, năm qua, Vietcombank đạt hơn 22.700 tỷ đồng lợi nhuận riêng lẻ, trên 23.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Với quy mô đó, lợi nhuận đã chính thức cán mốc 1 tỷ USD, sớm trước 1 năm so với dự kiến mà lãnh đạo ngân hàng này đề cập hồi đầu năm 2019.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống ngân hàng Việt Nam có thành viên đạt mốc 1 tỷ USD lợi nhuận.

Với những thông tin đề cập thời gian qua, quy mô trên không gây nhiều bất ngờ vì nằm trong kỳ vọng đã định hình trên thị trường. Điểm được chú ý là kỷ lục lợi nhuận Vietcombank năm 2019 có những khác biệt lớn so với năm 2018.

Cụ thể, nếu như năm 2018 lợi nhuận của thành viên dẫn đầu hệ thống này có đóng góp đáng kể từ thu nhập bất thường, với những thương vụ thoái vốn, thì năm 2019 ghi nhận tập trung hơn từ các lõi kinh doanh.

Mặt khác, kỷ lục được Vietcombank nâng cao trong năm 2019 trên nền của 3 đợt giảm lãi suất cho vay, đặc biệt ở đợt áp dụng từ tháng 11/2019 cho tất cả các doanh nghiệp vay vốn ứng với dư nợ cũ (với khoảng 250 tỷ đồng lợi nhuận chia sẻ qua giảm lãi suất cho vay riêng đợt này).

Một điểm được chú ý nữa, kỷ lục lợi nhuận Vietcombank năm 2019, theo tìm hiểu của BizLIVE, hoàn toàn chưa ghi nhận nguồn từ thương vụ lớn ở lĩnh vực bảo hiểm với FWD ký kết trong năm, mà dự kiến đến quý II/2020 mới bắt đầu hạch toán dần.

Liên quan, hơn 23.100 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất được “chiết xuất” sau khi ngân hàng đã tiếp tục trích lập dự phòng thêm khoảng 6.700 tỷ đồng năm 2019. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu theo đó tại Vietcombank đã lên tới 182%, cao nhất trong hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống chỉ còn 0,77% so với mức 0,97% cuối 2018; tương ứng, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng giảm từ 0,5% xuồng còn 0,32%.

Với kết quả trên, ước tính năm 2019 Vietcombank nộp về ngân sách nhà nước khoảng 9.100 tỷ đồng, trong đó có 2.200 tỷ đồng tiền cổ tức.

Như trên, bớt yếu tố thu nhập bất thường, chưa ghi nhận từ thương vụ với FWD, thực hiện ba đợt giảm lãi suất cho vay trong năm, tiếp tục gia tăng mạnh trích lập dự phòng, lợi nhuận năm 2019 của Vietcombank gắn với các hoạt động lõi hơn so với 2018, cũng như từ việc dịch chuyển thực hiện 5 năm qua.

Cụ thể, tại đây, tín dụng bán lẻ - phân khúc cho hiệu quả sinh lời cao hơn - tiếp tục cho thấy hướng dịch chuyển mạnh, khi tỷ trọng khoảng 46% trong năm 2018 đã lên tới 52% năm 2019.

Cùng đó, với việc được Ngân hàng Nhà nước nới thêm chỉ tiêu vào cuối năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank khá cao, với 15,9% năm qua. Đối ứng nguồn, dù áp mặt bằng lãi suất huy động thấp nhất thị trường, nhưng huy động vốn tại ngân hàng này vẫn đạt khá cao, với 15,3%. Tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) tính theo Thông tư 22 (quy định chặt chẽ hơn mà Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành) chỉ khoảng 72%, dư địa sử dụng vốn theo đó còn lớn.

Riêng về huy động, năm qua Vietcombank cũng đánh dấu lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng; tổng tài sản cũng đã đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng (tăng 13,8% với với 2018).

Bên cạnh tín dụng với sự dịch chuyển mạnh sang tín dụng bán lẻ nói trên, năm 2019 một yếu tố có đóng góp đáng kể vào kỷ lục lợi nhuận Vietcombank là sự dịch chuyển nguồn sang đầu tư kênh trái phiếu các tổ chức tín dụng; ước tính số dư ở đây gần gấp đôi năm 2018, đạt khoảng 53.000 tỷ đồng với biên lợi nhuận cao hơn so với kênh liên ngân hàng để tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Và như xu hướng thể hiện những năm gần đây, đến cuối năm 2019 Vietcombank đã nâng tỷ trọng đóng góp từ dịch vụ trong lợi nhuận lên trên 22%, sớm vượt trước mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong đề án tái cơ cấu hệ thống nói chung lộ trình đến năm 2020.

Cùng với các hướng dịch chuyển gia tăng hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát và giảm được tỷ lệ nợ xấu, nâng thêm cấu phần thu dịch vụ, thì năm 2019 Vietcombank kiểm soát tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức khá thấp, chỉ gần 35%, dù đây là thành viên có thu nhập bình quân nhân viên hàng đầu trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại