menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khả Ngân

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê: Những biến tướng kinh hoàng

Mới đây, UBND TP.HCM tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ cấm loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Lý do vì dịch vụ này bùng phát khắp các tỉnh thành phía Nam với nhiều biến tướng kinh hoàng.

Những khe hở của luật và sự công nhận hợp pháp đã khiến dịch vụ này biến tướng. Nhiều đối tượng xã hội đen, đòi nợ thuê, tiền án, tiền sự núp bóng đầu tư hoạt động thông qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và đối tượng hình sự, băng nhóm tội phạm để đi đòi nợ kiểu… giang hồ, gây hệ quả nghiêm trọng về an ninh trật tự.

Đòi nợ kiểu… giang hồ

Thực trạng này đã và đang diễn ra không chỉ ở TP.HCM, mà ở hàng loạt tỉnh phía Nam cho thấy, loại hình này quá nhiều biến tướng, gây bất ổn an ninh trật tự khắp nơi.

Trên địa bàn TP.HCM, mới đây xảy ra vụ tạt sơn, bỏ gián vào bát phở của thực khách xảy ra tại quán phở Hòa trên đường Pasteur, quận 3. Sau khi bắt giữ nhóm 4 nghi phạm, các đối tượng khai, để ép chủ quán phở này trả nợ thay cho em rể, nhóm này đã ra tay bằng nhiều thủ đoạn để hạ uy tín của quán ăn vốn là địa điểm có tiếng, được nhiều du khách nước ngoài biết đến.

Trước đó, cuối năm 2018, TP.HCM phải vào cuộc cắt cử lực lượng bảo vệ cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (giáo viên một trường tiểu học ở quận Bình Tân) khi cô phải làm đơn “Kính gửi mấy anh xã hội đen” để van xin cho đi dạy học. Lý do, để đòi tiền nợ của người chị dâu cô giáo, liên tục gần nửa tháng trời, nhóm giang hồ cả chục tên đã đến nhà cô ném mắm tôm, đổ keo dán sắt, khóa trái cửa nhốt mẹ già và phun sơn đỏ lên nhà, khiến cả gia đình hoảng loạn.

Không chỉ TP.HCM, tại Đồng Nai, một địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, nạn đòi nợ thuê kiểu giang hồ cũng kinh hoàng không kém.

Điển hình, đầu tháng 8 vừa qua, Công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt giữ nhóm 4 đối tượng để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản. Theo đó, băng nhóm này đã mang dầu nhớt trộn với mắm tôm và sơn ném vào nhà anh N.V.C (phường Phước Tân, TP. Biên Hòa). Nguyên nhân, nhóm trên được một người tên Bùi Trọng Tú thuê tìm người em vợ của anh N.V.C để đòi 750 triệu đồng.

Năm 2018, thống kê sơ bộ của riêng công an TP. Biên Hòa, có 7 vụ đòi nợ thuê kiểu “khủng bố” không chỉ tinh thần, mà cả thân thể con nợ.

Tương tự, tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), cuối tháng 3/2019, một nhóm 5 tên đi đòi nợ số tiền chỉ 4 triệu đồng, nhưng đã đâm chết người thân của con nợ, gây thương tích nặng người liên quan.

Đằng sau “màu áo” nhân viên công ty đòi nợ

Từ nhiều năm nay, liên tục tại các kỳ họp UBND TP.HCM, HĐND Thành phố, cơ quan chức năng đã phản ánh những bức bối về sự biến tướng dịch vụ đòi nợ thuê.

Báo cáo mới nhất do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký ngày 29/8/2019 gửi Bộ Tài chính cho biết: “Thành phố có 75 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động ngành nghề dịch vụ đòi nợ, nhưng chỉ có 47 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016 NĐ - CP của Chính phủ quy định về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.

Theo Công an TP.HCM, đa số các công ty thu hồi nợ này khi đi vào hoạt động đều làm sai nguyên tắc, sai giấy phép quy định đăng ký nhân viên.

Khi các công ty đăng ký danh sách nhân viên thu hồi nợ, thì đều là những người có học thức, trình độ. Tuy nhiên, thực tế khi tiến hành công việc đòi nợ, các công ty này lại sử dụng toàn thanh niên xăm trổ, đầu trọc, nhiều tiền án, tiền sự. Các đối tượng của các công ty khi đi đòi nợ thuê thường đe dọa mang tính chất xã hội đen, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Thậm chí, có nhiều vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Năm 2018, khi còn giữ chức Phó giám đốc Công an TP.HCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh (hiện đã nghỉ hưu) phải bức xúc thốt lên trước thủ đoạn đòi nợ thuê đơn giản nhất là ném mắm tôm vào nhà của con nợ: “Bọn chúng mua dịch thải ra từ các hoạt động giết mổ gia súc, sau đó để phân hủy trong 10 ngày thành chất lỏng này, nên nó còn thối hơn cả thi thể sau khi hoại thư. Chất dịch này nếu tạt vào tường nhà thì chỉ còn cách cạo tường để tô trát lại, vì rửa không thể sạch”.

Đó là kiểu đòi nợ còn… nhẹ nhàng. Theo báo cáo của Công an TP.HCM, nếu như năm 2014, bình quân mỗi tháng chỉ có 1 vụ phạm pháp hình sự từ hệ quả của việc cho vay nặng lãi trái pháp luật và đòi nợ thuê, thì tới năm 2018, số vụ phạm pháp hình sự lên đến 4 vụ/tháng, với nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ nhất là xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con nợ và thân nhân con nợ. Nặng nhất là giết người.

Từ thực tế này, trong kiến nghị mới đây gửi Bộ Tài chính, UBND TP.HCM khẳng định: “Nhiều đối tượng xã hội đen, đòi nợ thuê, tiền án tiền sự núp bóng đầu tư hoạt động thông qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và đối tượng hình sự, băng nhóm tội phạm để đi đòi nợ kiểu giang hồ gây nên hệ quả phức tạp về an ninh trật tự”.

Lợi thì có lợi, nhưng…

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp thuê dịch vụ đòi nợ đạt hiệu quả lên tới 90%. Trong khi đó, nếu khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án, hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ mức 50%.

Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra như đã nêu trên, ở dịch vụ này cho thấy, mối nguy khác liên quan tới trật tự xã hội. Nên không phải ngẫu nhiên tại dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi lần này đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Không chỉ kiến nghị từ cuối năm 2018, mới đây, trong báo cáo gửi Bộ Tài chính về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố, UBND TP.HCM cũng kiên trì đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Bởi ngoài hệ quả bất ổn xã hội, biến tướng nêu trên, thì về mặt luật pháp, quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Với quan hệ này, Nhà nước có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án... để giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Khi có mâu thuẫn cần đưa ra tòa và phán quyết của tòa chính là phán quyết cuối cùng mà các bên buộc phải theo.

Trong trường hợp không đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và danh mục cấm, UBND TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP, quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ.

Nhờ tòa án đòi nợ cũng… trần ai

LS. Nguyễn Tấn Thi, Trưởng văn phòng Luật sư Hoa Sen TP.HCM

Khởi kiện và nhờ cậy cơ quan thi hành án để thu nợ là biện pháp được khuyên dùng. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ gây tốn kém về thời gian và chi phí cho chủ nợ khi phải bỏ ra một khoản chi phí để nộp tạm ứng án phí và thuê người đại diện, hoặc mất công ăn việc làm khi đi kiện .

Thay thế đòi nợ thuê bằng loại hình thừa phát lại?

Luật gia Ngô Minh Trực,Giám đốc Công ty luật hợp danh Anh Luật - TP.HCM

Hiện nay, có không ít công ty thu nợ chỉ là hình thức, khi đi đòi nợ lại sử dụng các đối tượng “xã hội đen” hay thành phần có tiền án, tiền sự. Trong khi đó, quản lý nhà nước với ngành nghề cực kỳ nhạy cảm này còn lỏng lẻo. Do vậy, theo tôi không cần thiết phải phát triển loại hình này, mà thay thế nó bằng loại hình thừa phát lại.n

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại