menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo An

Lãi suất cho vay khó giảm sâu thêm!

Hàng loạt ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 13-5-2020  sau khi quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất điều hành có hiệu lực.

Lãi suất giảm mạnh ở kỳ hạn ngắn

Theo quyết định được đưa ra ngày 12-5, NHNN đã điều chỉnh giảm một loạt các loại lãi suất điều hành như: lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (lãi suất OMO) từ 3,5%/năm xuống 3%/năm; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ một đến dưới sáu tháng từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm còn trần lãi suất tiền gửi từ không kỳ hạn đến dưới một tháng từ 0,5% xuống 0,2%/năm.

Ngay sau quyết định trên, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã có những điều chỉnh tương ứng trên biểu lãi suất huy động. Đáng chú ý, mặc dù trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng đến dưới sáu tháng giảm xuống 4,25%/năm, nhưng trên thực tế, nhiều NHTM còn điều chỉnh sâu hơn mức này, có nơi xuống dưới 4%/năm. Điển hình như tại VPBank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 3-5 tháng sẽ được hưởng lãi suất 3,95%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm/năm so với trước đó. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 3-5 tháng ở VPBank là 4,2%/năm, khi gửi tiền từ 3 tỉ đồng trở lên. Tại Vietcombank, BIDV và VietinBank, lãi suất không kỳ hạn đều ở mức 0,1%/năm, thấp hơn so với mức trần quy định và cũng thấp nhất trong hệ thống. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank cũng thấp hơn so với trần quy định, hiện là 4,1-4,25%/năm. Tại VietinBank và BIDV, lãi suất kỳ hạn từ một tháng đến dưới hai tháng là 4%/năm, lãi suất kỳ hạn ba đến dưới sáu tháng là 4,25%/năm. Còn tại Sacombank, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng là 4,15-4,25%/năm, giảm 0,35-0,5 điểm phần trăm so với trước ngày 13-5.

Việc giảm lãi suất điều hành được nhìn nhận thiên về hướng hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho các ngân hàng hơn là thúc đẩy giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay.

Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài (trên sáu tháng) được điều chỉnh giảm với mức độ ít hơn nhiều, thậm chí không thay đổi tại một số NHTM so với trước khi có quyết định giảm lãi suất điều hành. Theo bảng cập nhật lãi suất tính đến ngày 14-5, áp dụng cho khoản tiền dưới 1 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang là ngân hàng dẫn đầu về mức lãi suất ở kỳ hạn một năm với 8,48%/năm. Đứng thứ hai ở kỳ hạn một năm là ngân hàng NamABank với mức lãi suất 8,3%/năm, tiếp đó đến NCB (8,2%/năm), CBBank và VietCapitalBank (đều 8%/năm), BaoVietBank (7,95%/năm)... Ở kỳ hạn chín tháng dẫn đầu vẫn là Ngân hàng SCB với mức lãi suất 8,18%/năm, tiếp sau là NamABank (8,05%/năm), CBBank (8%/năm), NCB (7,95%/năm)... Ở kỳ hạn sáu tháng, dẫn đầu là Ngân hàng VietABank (8,1%/năm), SCB (8,03%/năm), NCB (7,7%/năm), VietCapitalBank (7,5%/năm).

Còn trên thị trường liên ngân hàng, trong phiên ngày 13-5, phiên đầu tiên thị trường đón quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành của NHNN, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã giảm khá mạnh. Cụ thể, lãi suất tiền đồng qua đêm chỉ còn 1,43%/năm, rơi sâu so với vùng dao động quanh 2%/năm thời gian gần đây. Tại các kỳ hạn một và hai tuần, lãi suất cũng ở mức thấp, lần lượt là 1,61% và 1,81%/năm; kỳ hạn một tháng chào bình quân 2,19%/năm.

Khó giảm thêm lãi suất cho vay

Hiện các doanh nghiệp đang kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được giảm thêm sau quyết định cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN. Tuy vậy, người viết cho rằng dư địa để giảm thêm lãi suất cho các khoản vay thông thường (không tính các lĩnh vực ưu tiên) là không nhiều do một số nguyên nhân sau.

Thứ nhất, các mức lãi suất điều hành chủ yếu được dùng để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Thế nhưng, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào nhờ lượng tín phiếu đáo hạn lớn trong tháng 5 và tăng trưởng tín dụng thấp (lũy kế tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 chỉ khoảng 1,2%) nên nhu cầu vay NHNN của các TCTD là không lớn.

Thứ hai, nguồn vốn mà NHNN bơm ra đều có kỳ hạn rất ngắn nên các TCTD cũng không thể dùng để cho vay dài hạn được. Việc giảm trần lãi suất huy động chỉ đang diễn ra ở các kỳ hạn ngắn (dưới sáu tháng) trong khi với các kỳ hạn dài (trên sáu tháng), lãi suất huy động vẫn hoàn toàn do các NHTM tự quyết định nên sẽ có mức độ phân hóa lớn trong hệ thống. Sẽ vẫn có những ngân hàng (nhóm ngân hàng nhỏ, chất lượng tài sản không thật sự tốt) không điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn dài do thanh khoản không thật sự dồi dào và nợ xấu có thể gia tăng mạnh sau dịch Covid-19. Một khi lãi suất huy động các kỳ hạn dài chưa giảm thì lãi suất cho vay cũng khó giảm sâu hơn được, nhất là khi các ngân hàng cũng đã cắt giảm khá mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp thời gian vừa qua (phổ biến khoảng 2 điểm phần trăm), khiến biên lãi ròng (NIM) bị thu hẹp đáng kể. Việc giảm lãi suất điều hành được nhìn nhận thiên về hướng hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho các ngân hàng hơn là thúc đẩy giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay.

Một thực tế khác cũng rất đáng lưu tâm là tăng trưởng tín dụng sang tháng 5 có dấu hiệu chững lại do các doanh nghiệp có dòng tiền và trả nợ, nhưng lại chưa có kế hoạch kinh doanh mới để vay vốn, hoặc vay rất ít. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh tới khả năng trả nợ của các khách hàng, với ước tính có khoảng 2 triệu tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng. Để hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3-2020 để các TCTD triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch. Kết quả bước đầu sau hai tháng triển khai Thông tư 01, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ hơn 1 triệu tỉ đồng. Mặc dù vậy, việc phát triển tín dụng mới được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay do các doanh nghiệp e ngại nhu cầu tiêu dùng sụt giảm sau dịch nên hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại