menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tiến Thành

Lãi vay tăng cao, hiệu quả hỗ trợ lãi suất 2% suy giảm

Gói hỗ trợ lãi suất 2% đang triển khai khá chậm, trong khi lãi suất cho vay đã liên tục tăng cao. Với tình thế này, các DN cho rằng, dù được hưởng hỗ trợ, tính ra cũng không còn hiệu quả như trước nữa.

Lãi suất tăng nhanh

Chỉ trong thời gian ngắn, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã có thay đổi lớn. Từ cuối tháng 9/2022 đến nay, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh. Theo khảo sát tại các ngân hàng thương mại, hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm phổ biến kỳ hạn 6 tháng ở mức 7%/năm. Còn lãi suất kỳ hạn 12 tháng đã vượt lên quang mức 8%, một số ngân hàng gần đây còn đẩy lãi suất vượt 9%/năm

Ngay sau khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay cũng được nhiều ngân hàng đẩy tăng mạnh. Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã tăng lãi suất cho vay đối với cả cá nhân và DN. Mức điều chỉnh thấp nhất thuộc về các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, với lãi suất cho vay DN tăng từ 0,1-0,5%/năm. Trong khi, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, có lãi suất cho vay DN tăng từ 0,5-1%/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Công ty TNHH An Thịnh (Hà Nội) cho biết, chúng tôi vừa phải vay vốn lưu động kỳ hạn 3 tháng với lãi suất lên tới 9%/năm tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Trước đó, vào đầu tháng 7/2022 lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 8%/năm.

Còn theo tính toán của ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại 361 (Hà Nội), với mặt bằng lãi suất tiết kiệm trung bình tháng từ 6,45% - 6,85%/năm, cộng thêm biên độ từ 3,5-4%/năm nữa, thì lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng, kỳ hạn 6 tháng, mức thấp nhất cũng lên tới 10%/năm và cao lên tới 11%/năm rồi. Còn với kỳ hạn 12 tháng lãi suất cho vay bình quân tăng lên từ 10,5% - 11,5%/năm.

“Tuy nhiên, hiện có ngân hàng đã đẩy lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tới 8,55%- 8,7%/năm, như vậy lãi vay cao nhất có thể bị đẩy lên gần 13%/năm. Lãi suất cho vay càng tăng cao sẽ càng gây thêm khó khăn cho các DN”, ông Tuấn Anh lo ngại.

Trong khi đó, theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý IV/2022, vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục tăng trong quý IV.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, không thể yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, thời kỳ vốn rẻ đã chấm dứt.

Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo, mặt bằng lãi suất huy động đi lên sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng theo, mức tăng đến cuối năm 2022 có thể là 1 - 1,5%/năm.

Tìm đâu vốn rẻ

Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8/2022 gói hỗ trợ 2% lãi suất cho các DN, hợp tác xã và hộ gia đình mới thực hiện được 13,5 tỉ đồng. So với quy mô gói hỗ trợ này khoảng 40.000 tỉ đồng thì tỉ lệ hỗ trợ chỉ đạt khoảng 0,03%, một con số rất thấp.

Lãi vay tăng cao, hiệu quả hỗ trợ lãi suất 2% suy giảm

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều DN phản ánh việc tiếp cận vốn đang là khó khăn hàng đầu hiện nay. Đặc biệt trong quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch, số DN trở lại hoạt động tăng, nhu cầu mở rộng sản xuất cũng tăng nên nhu cầu vốn rất lớn. Thời gian qua nhiều hiệp hội, ngành hàng, DN có kiến nghị gửi đến VCCI mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy gói hỗ trợ 2% lãi vay để tiếp cận vốn nhanh hơn. Nhưng đến nay, gói hỗ trợ vẫn triển khai chậm mà lãi suất cho vay đã tăng cao. Điều này chắc chắc tăng thêm bất lợi cho DN và làm giảm hiệu quả của một chính sách quan trọng.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, đối với các DN, chi phí vốn thông qua lãi suất sẽ tăng lên, vì vậy, họ phải điều chỉnh để đưa phần tăng chi phí này vào giá thành sản phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh vào cuối năm, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tăng tốc, để phục vụ cho mùa lễ Tết. Nhu cầu vốn của DN sẽ tăng cao, lãi suất cho vay tăng, có thể tác động trực tiếp tới khả năng phát triển sản xuất kinh doanh trong quý cuối năm 2022 và rất có thể sẽ tác động đến cả kế hoạch của DN trong năm 2023.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trong bối cảnh các DN đang cạn kiệt tích lũy, phải đối mặt với áp lực trả các khoản nợ cũ và đối phó với nguyên liệu đầu vào tăng giá, thì tăng khả năng tiếp cận vốn là ưu tiên số một. Chính phủ cần xem xét có cơ chế hỗ trợ cho các DN, được tiếp cận với những nguồn vốn rẻ một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại