menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Liệu Việt Nam có thể kịp thời thích ứng trước biến động toàn cầu?

Theo đánh giá của chuyên gia HSBC, khi thế giới thay đổi, Việt Nam không thể đứng yên, và Việt Nam hoàn toàn có năng lực để thực hiện điều đó.

Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam, đánh giá trước hết, xét về nội tại, Việt Nam rõ ràng là một quốc gia có tinh thần đổi mới sáng tạo cao. Điều này cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực kinh tế.

Ý kiến này được bà đưa ra tại diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

Đơn cử, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022, Việt Nam hiện đứng thứ 48 trong số 132 nền kinh tế về năng lực đổi mới sáng tạo, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Thái Lan.

Việt Nam cũng là một trong ba nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất cho đến nay.

Ngoài ra, với nhu cầu tăng nhanh và cấp thiết trong thời kỳ dịch Covid-19, hệ thống thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn có thể đáp ứng tốt. Các hình thức bán hàng online cũng đa dạng, sáng tạo và có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút người dùng.

Liệu Việt Nam có thể kịp thời thích ứng trước biến động toàn cầu?
Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam.

Bà Nga cho biết thêm ngoài tinh thần đổi mới sáng tạo cao, nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp lớn, đã hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh, trước cả thời điểm diễn ra COP26.

Hiện nay, sau những chủ trương cụ thể và sự khuyến khích của Chính phủ, đặc biệt là khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, tỷ lệ các doanh nghiệp đặt mục tiêu bền vững vào chương trình phát triển của họ đã tăng lên.

“Tăng trưởng xanh hay kinh tế tuần hoàn là những từ khóa quan trọng mà chúng ta có thể nghe ở khắp mọi nơi”, bà cho biết thêm.

Một số doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn định hướng hoạt động, theo đuổi mục tiêu sản xuất xanh. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị tiên tiến để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Theo bà Nga, nếu trước đây, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến năng suất sản xuất và làm sao bán được hàng hóa ra thị trường, thậm chí xuất khẩu đi nước ngoài, thì hiện nay, một doanh nghiệp muốn phát triển và tăng trưởng bền vững cần quan tâm nhiều yếu tố hơn.

Các yếu tố cần thúc đẩy

Để có thể thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và thích ứng tốt hơn trong bối cảnh hiện tại, bà Nga nhấn mạnh Chính phủ cần có những hướng dẫn, định hướng cụ thể giúp doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái định vị hoạt động kinh doanh của họ thông qua đổi mới sáng tạo, cũng như kịp thời cập nhật những điều chỉnh trong quy định và những thay đổi của toàn cầu đến doanh nghiệp địa phương.

Các tổ chức, các hiệp hội cần chung tay hỗ trợ Chính phủ trong việc cung cấp kiến thức đổi mới từng ngày cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm cùng những trường hợp đổi mới sáng tạo thành công trong nước và quốc tế.

Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cần chủ động học hỏi, tìm tòi từ các hoạt động chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp, từ các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, những xu hướng kinh doanh, đầu tư của thế giới, những yêu cầu mới của người tiêu dùng, các công nghệ tiên tiến để linh hoạt ứng dụng cho hoạt động của doanh nghiệp.

Bà Nga lưu ý thêm đầu tư vào các hoạt động R&D đã được chứng minh ở nhiều quốc gia là chất xúc tác giúp đổi mới sáng tạo thành công. Do đó, với những doanh nghiệp có tiềm lực, đây nên là hoạt động cần chú trọng. Chính phủ cũng cần có những đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này trong toàn bộ nền kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao, với chính sách khuyến khích FDI chất lượng và giá trị cao của Chính phủ thời gian qua, việc đầu tư cho R&D là hoàn toàn có thể.

Tuy vậy, hoạt động đổi mới sáng tạo cần có lực lượng nhân sự nòng cốt với kiến thức và chuyên môn phù hợp. Do đó, doanh nghiệp cần tuyển lựa, tạo điều kiện và đào tạo để những nhân sự tiềm năng có thể được trau dồi và phát huy hết năng lực trong quá trình này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại