menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Dương Quang

Lý do khiến thị trường tiền số chao đảo

Đã tìm ra nguyên nhân khiến thị trường tiền số "lao dốc"

Một trong những lý do thị trường tiền số sụt mạnh giá trị những ngày qua được cho là liên quan đến việc nền tảng Celsius bị dừng rút tiền.

Celsius Network là một trong những nền tảng vay và cho vay crypto lớn nhất thế giới, nơi người dùng có thể gửi và nhận lãi bằng tiền số. Ngày 13/6, nền tảng này gây chấn động khi cho biết trên Medium rằng sẽ không chấp nhận các yêu cầu chuyển hoặc rút tiền trong một khoảng thời gian không xác định. Quyết định được đưa ra nhằm "ổn định thanh khoản", đồng thời thực hiện các bước "nhằm bảo toàn và bảo vệ tài sản".

Thông báo của Celsius đồng nghĩa với việc người dùng đã gửi tiền vào nền tảng để lấy lãi sẽ không thể rút tiền. Công ty cho biết hiện có 1,7 triệu người dùng và nắm giữ khoảng 8 tỷ USD tiền gửi. Toàn bộ đã bị đóng băng, chưa rõ thời gian mở khóa trở lại.

Theo Fortunes, vấn đề của Celsius là một trong những nguyên nhân khiến giá Bitcoin sụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, còn dưới 22.000 USD mỗi đồng. Những tiền số khác cũng lao dốc mạnh với mức giảm 10-50%. Token CEL của Celsius giảm hơn 50% so với trước đó và chỉ còn 0,18 USD mỗi đồng. Vốn hóa tiền số này hiện là 76 triệu USD, thấp hơn nhiều so với cách đây một năm, khi token đạt 8 USD mỗi đồng và vốn hóa là 3,4 tỷ USD.

Trước ngày 13/6, đại diện Celsius thừa nhận họ cảm thấy khó khăn khi lượng khách hàng rút tiền mạnh nhưng không thể làm gì. Sau thông báo được đưa ra, công ty tìm cách trấn an người dùng trên Twitter bằng cách đưa ra cam kết sớm mở lại giao dịch, nhưng "sẽ có sự chậm trễ".

Celsius mang lại lợi nhuận cao cho người gửi tiền điện tử vào nền tảng. Trước khi bị dừng, lãi suất tiền gửi vào hệ thống là 18,6%, cao nhiều lần so với ngân hàng truyền thống. Thậm chí, lãi suất có lúc tăng tới 30%. Nhiều chuyên gia từng cảnh báo điều này sẽ khiến Celsius sớm gặp vấn đề do không có tài sản đảm bảo.

Kate Kurbanova, đồng sáng lập nền tảng quản lý rủi ro Apostro, đánh giá sự cố Celsius là "cú đánh trực diện" vào thị trường tiền số vốn đang trên đà đi xuống.

"Các quyết định như vậy không mới ở thị trường tài chính truyền thống, nhưng nó chắc chắn ảnh hưởng đến người dùng nền tảng như Celsius", Kurbanova nói với CoinDesk. "Quyết định được đưa ra khi thị trường tiền số bất ổn đã kích hoạt một loạt khoản thanh lý trên các nền tảng cho vay, khiến thị trường biến động mạnh, còn nhà đầu tư bị mất tiền".

Cũng theo bà, người dùng có thể có tâm lý chấp nhận khi gặp phải các rủi ro trong thị trường tiền số như việc bị thanh lý, hoặc các nền tảng phi tập trung bị hack. Tuy nhiên, một nền tảng bất ngờ khóa giao dịch cũng đồng nghĩa với tài sản người dùng"bị phong tỏa vô thời hạn". Họ sẽ không biết khi nào mới có thể lấy lại tiền của mình.

Vadym Synegin, Phó chủ tịch của dự án hệ sinh thái WeWay, nhận định thông báo của Celsius dường như "đánh úp" người dùng trong bối cảnh thị trường tiền số kém ổn định. "Celsius bất ngờ đóng băng giao dịch, dẫn đến sự hoảng loạn chưa từng có", Synegin nhận xét trên CoinDesk. "Hệ sinh thái tiền số thường không phản ứng tốt với các sự kiện như vậy, trừ khi nó được quản lý thích hợp".

Việc Celsius không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình sau thông báo ngày 13/6 là cú đánh mạnh vào tâm lý những người muốn gửi tài sản tiền điện tử. Theo Fortune, điều này có thể tác động lớn đến thị trường vay và cho vay tiền số thời gian tới. Sau cú sập của mô hình tiết kiệm lấy lãi của Luna và UST, vụ Celsius có thể tiếp tục xói mòn niềm tin của người dùng.

Sự cố Celsius đã tác động đến hàng loạt nền tảng khác, trong đó có Ethereum (ETH). Theo dữ liệu của CoinMarketCap, tiền số có vốn hóa lớn thứ hai thế giới đã giảm hơn 12% trong 24 giờ qua, hiện còn 1.140 USD mỗi đồng, thấp nhất trong hơn một năm qua.

ETH sụt giá có liên quan đến stETH - một ánh xạ của ETH được công ty Lido Finance phát hành. Nền tảng này cho phép người dùng gửi tiết kiệm bằng ETH, nhưng được chuyển thành stETH. Về cơ bản, hai token này có giá ngang nhau và được tham chiếu (peg) với nhau.

Tuy nhiên, đến 13/6, cặp stETH/ETH đã bị de-peg - thuật ngữ nói về việc một token không còn giữ được tỷ giá đã thiết lập cố định trước đó trên một loại tiền tệ hoặc một token tham chiếu khác. Cùng ngày, giá ETH giảm còn 1.363 USD mỗi đồng, còn stETH lại được giao dịch ở mức 1.294 USD, thấp hơn 5% so với mức chốt.

BeinCrypto nhận định Celsius là nguyên nhân của vấn đề, vì nền tảng cho vay này hiện chứa một lượng lớn stETH. "Nếu Celsius tiếp tục thanh lý các khoản stETH đang nắm giữ, stETH có thể giảm thêm so với mức neo giá Ethereum, làm trầm trọng thêm những mối lo ngại đã được đưa ra", trang này bình luận.

Theo FT, rất nhiều người đổ xô vào các nền tảng hỗ trợ gửi tiết kiệm như Lido hay cho vay như Celsius, Nexo vì chúng thường có lãi suất cao 10-15%. Năm ngoái, Celsius cho biết hơn một triệu khách hàng đã sử dụng chương trình này. Dù vậy, chúng thường không tuân theo các quy định giống như ngân hàng. Các chuyên gia khuyến cáo, loại tiền này không được các cơ quan pháp luật bảo vệ, do đó người dùng có thể mất trắng nếu xảy ra sự cố hoặc tranh chấp.

Các nền tảng cho vay tiền số cũng có rủi ro cao. Đa số dự án DeFi hiện được đánh giá dễ bị tấn công, lỗi thiết kế hoặc tranh chấp về cách vận hành. Một số công ty DeFi không đủ minh bạch về những gì họ đang làm với tiền của khách hàng, do đó chúng có thể bị đầu tư sai mục đích.

Ngoài vấn đề của Celsius, việc thị trường tiền số lao dốc còn do một loạt thông tin tiêu cực khác. Binance - sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới - đã dừng rút Bitcoin vào tối 13/6. Công ty thông báo đây là vấn đề kỹ thuật và dự kiến được khắc phục sau 30 phút, nhưng mãi đến khuya cùng ngày mới dần hoạt động trở lại.

Trước đó, thông tin về lạm phát gia tăng, hay hàng loạt công ty blockchain có tiếng sa thải nhân viên cũng thúc đẩy "cuộc tháo chạy" khỏi thị trường tiền số.

Leah Wald, nhà đồng sáng lập và CEO công ty quản lý tài sản Valkyrie Investments, cho biết các sự cố như Celsius ngừng rút tiền, hay sự sụp đổ trước đó của Luna và UST có xu hướng gây ra nỗi sợ hãi, tạo ra sự thiếu tự tin trên thị trường. Tuy nhiên, bà cho rằng "không có gì đáng ngạc nhiên khi tiền số đang đi theo chính xác con đường mà các cổ phiếu công nghệ thời kỳ dot-com từng trải nghiệm".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

63,820.40

+549.10 (+0.87%)

Biểu đồ mã BTC
1 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại