menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Uyển Trân

Mặt trái từ chính sách “Không COVID” của Trung Quốc 

Chính sách “Không COVID” của Trung Quốc có một điểm đặc biệt sau: hàng triệu người làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu này, bất kể tổn thất về sinh mạng.

Ở thành phố Tây An, Tây Bắc Trung Quốc, các nhân viên bệnh viện từ chối tiếp nhận một người đàn ông bị tức ngực chỉ vì người này sống ở một quận có nguy cơ dịch bệnh ở cấp độ trung bình. Và người này đã qua đời vì đau tim. Một phụ nữ đang mang thai 8 tháng và bị chảy máu được thông báo rằng xét nghiệm COVID-19 của cô không hợp lệ. Và người phụ nữ này đã mất đứa con của mình. Hai nhân viên an ninh trật tự đã bắt giữ một thanh niên ra ngoài đường trong đợt phong tỏa và nói rằng họ không quan tâm việc anh ta không có gì để ăn. Và họ đánh đập người thanh niên này.

Những thành công ban đầu của Trung Quốc trong việc ngăn chặn đại dịch thông qua các chính sách độc tài và “nắm đấm sắt” dường như đã khích lệ các quan chức, cho phép họ tự tin hành động và nghĩ là mình đúng. Hiện nay, nhiều quan chức cho rằng họ phải làm mọi thứ trong quyền hạn có thể để đảm bảo không có ca lây nhiễm COVID-19 vì đó là ý muốn của lãnh đạo tối cao của họ, Tập Cận Bình. Đối với các quan chức, việc kiểm soát virus SARS-CoV-2 được đặt lên hàng đầu, còn cuộc sống, hạnh phúc và phẩm giá của nhân dân phải xếp sau đó.

Chính phủ có sự trợ giúp của một đội quân khổng lồ gồm các nhân viên cộng đồng, những người hăng hái thực hiện chính sách “Không COVID”, và lực lượng những người theo chủ nghĩa dân tộc hoạt động tích cực trên mạng xã hội, sẵn sàng tấn công bất kỳ ai bày tỏ sự bất bình hoặc lo ngại. Những thảm kịch ở Tây An đã khiến một số người Trung Quốc đặt câu hỏi làm thế nào mà những người thực thi các quy định cách ly lại có thể hành xử như vậy và tự hỏi ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng.

Khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán cách đây 2 năm, nó đã phơi bày những điểm yếu trong hệ thống chuyên quyền ở Trung Quốc. Giờ đây, khi các bệnh nhân đang hấp hối vì các bệnh không phải do COVID-19, người dân rơi vào cảnh chết đói và các quan chức buộc tội ai đó, tình trạng phong tỏa ở Tây An đã cho thấy bộ máy chính trị của Trung Quốc đã trở nên cứng nhắc như thế nào, thể hiện sự tàn nhẫn trong việc theo đuổi chính sách “Không COVID”.

Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với Vũ Hán của đầu năm 2020, khi hàng nghìn người đã thiệt mạng do virus “lạ”, gây quá tải cho hệ thống y tế của thành phố. Tây An đã báo cáo chỉ có 3 ca tử vong liên quan đến COVID-19, trường hợp gần đây nhất là hồi tháng 3/2020. Thành phố cho biết 95% người trưởng thành đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tính đến tháng 7 năm ngoái. Mới đây nhất, chính quyền Tây An báo cáo có 2.017 trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 và không có ca tử vong. Tuy nhiên, họ đã áp đặt lệnh phong tỏa rất khắc nghiệt. Cư dân không được phép rời khỏi các khu nhà của họ. Một số tòa nhà đã bị phong tỏa. Hơn 45.000 người đã được đưa đến các cơ sở cách ly. Hệ thống mã y tế của thành phố, được sử dụng để truy vết người dân và thực thi việc cách ly, đã bị sập do quá nhiều người truy cập. Hoạt động giao hàng hầu như đã biến mất. Một số cư dân đã lên mạng để phàn nàn rằng họ không có đủ lương thực.

Tuy nhiên, các quy định phong tỏa vẫn được tuân thủ một cách ngặt nghèo. Một số tình nguyện viên trong cộng đồng đã bắt một thanh niên mạo hiểm ra ngoài mua thức ăn đọc bản tự kiểm điểm trước ống kính máy quay. Theo đoạn video được chia sẻ rộng rãi này, người thanh niên thú nhận: “Tôi chỉ quan tâm đến việc có kiếm được đồ ăn hay không. Tôi đã không nhận thức đến những hậu quả nghiêm trọng mà hành vi của tôi có thể gây ra cho cộng đồng”. Theo tờ Beijing News, các tình nguyện viên trên sau đó đã xin lỗi (người thanh niên). Ở trường hợp khác, có những bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân và tước đi của họ cơ hội nói lời tạm biệt với những người thân. Người đàn ông bị tức ngực và sau đó chết vì cơn đau tim đã đợi 6 tiếng đồng hồ trước khi cuối cùng cũng được một bệnh viện tiếp nhận. Khi tình trạng của bệnh nhân này chuyển biến xấu đi, con gái ông đã cầu xin các nhân viên bệnh viện cho cô gặp ông lần cuối. Trong một video mà cô đã đăng lên trang Weibo sau khi cha cô qua đời, một nam nhân viên y tế đã từ chối lời thỉnh cầu: “Tôi chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Một vài quan chức cấp thấp của Tây An đã bị phạt. Người đứng đầu ủy ban y tế của thành phố đã xin lỗi người phụ nữ bị sẩy thai. Giám đốc một bệnh viện bị đình chỉ công tác. Cuối tuần trước, thành phố tuyên bố không cơ sở y tế nào được từ chối bệnh nhân dựa trên cơ sở các xét nghiệm COVID.

Tuy nhiên, có vẻ như chỉ những cán bộ cấp thấp mới bị xử phạt vì những vụ việc như vậy. Ngay cả Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng bình luận rằng một số quan chức địa phương chỉ đổ lỗi cho cấp dưới của họ. Có những lý do khiến những người trong hệ thống ít lên tiếng trên mạng xã hội. Theo CCTV, một bác sĩ phòng cấp cứu ở phía Đông tỉnh An Huy đã bị kết án 15 tháng tù giam vì không tuân thủ các quy trình kiểm soát dịch bệnh khi điều trị cho một bệnh nhân bị sốt vào năm ngoái. Một phó giám đốc tại một cơ quan chính phủ ở Bắc Kinh đã bị mất chức hồi tuần trước sau khi một số người dùng mạng xã hội báo cáo rằng một bài đăng của ông viết về đợt phong tỏa ở Tây An chứa thông tin sai lệch. Kể từ sự kiện Vũ Hán, mạng Internet của Trung Quốc đã trở thành một nền tảng để những người theo chủ nghĩa dân tộc ca ngợi Trung Quốc, chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không có bất đồng quan điểm hoặc lời chỉ trích nào được dung thứ, những bất bình đăng tải trên mạng bị lên án vì “tiếp tay” cho các phương tiện truyền thông nước ngoài thù địch. Red, nền tảng mạng xã hội, đã kiểm duyệt bài đăng của con gái người đàn ông đã chết vì đau tim vì “nó chứa thông tin tiêu cực về xã hội”. Ở Tây An, không có tác giả nào như nhà văn Phương Phương (Fang Fang), người đã viết “Nhật ký phong tỏa ở Vũ Hán”, cũng không có nhà báo công dân nào như Trần Thu Thực (Chen Qiushi), Phương Bân (Fang Bin) hay Trương Triển (Zhang Zhan) đăng tải video về sự bùng phát virus SARS-CoV-2 ở Vũ Hán. Những công dân này hoặc đã bị buộc phải im lặng,, bị giam giữ hoặc mất tích hoặc bị bỏ mặc cho đến chết ở trong tù – gửi một thông điệp mạnh mẽ đến bất kỳ ai dám lên tiếng về Tây An. Bài báo chi tiết và duy nhất về vụ phong tỏa Tây An được lưu hành rộng rãi là của cựu phóng viên người Tây An Zhang Wenmin (bút danh Jiang Xue). Bài báo của cô đã bị xóa và các quan chức an ninh địa phương đã cảnh báo cô không nên tiếp tục đưa tin về vấn đề này. Một số tài khoản mạng xã hội gọi cô là “rác rưởi” cần phải loại bỏ….

Sự thất bại của vụ phong tỏa ở Tây An dường như không thuyết phục được nhiều người ở Trung Quốc từ bỏ cách tiếp cận “Không COVID” của nước này nhằm kiểm soát đại dịch. Mặc dù tuyên bố cuộc chiến chống COVID-19 của thành phố đã giành chiến thắng vào tuần trước, chính quyền vẫn không nới lỏng nhiều quy định hạn chế và đang đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho việc chấm dứt phong tỏa. Hôm 10/1, Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây nói với các quan chức Tây An rằng các nỗ lực kiểm soát đại dịch trong tương lai của họ nên được duy trì “nghiêm ngặt”. Ông nói: “Một lỗ hổng cỡ đầu kim cũng có thể tạo ra trận đại cuồng phong”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại