menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Oanh

Môi giới bất động sản khó khăn đủ bề

Nếu như trước đây, môi giới bất động sản được coi là nghề dễ hái ra tiền, thì hiện nay, từ nhân viên môi giới đến lãnh đạo sàn đều đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Nhân viên chán nản

Khoảng 3 năm trước đây, nghề môi giới bất động sản là một trong những nghề “hot” được nhiều người lựa chọn. Khi đó, thị trường sôi động, hoa hồng cao, nên thu nhập hàng tháng của một “best sale” (nhân viên kinh doanh bán hàng tốt nhất) lên đến hàng trăm triệu đồng. Do vậy, thành phần tham gia làm nghề này rất đa dạng, có cả cử nhân, công nhân, người chuyên buôn bán vỉa hè, đến cả công chức, giáo viên…

Hiện nay, sau nhiều lần thị trường được “thanh lọc”, những người bám trụ lại được với nghề môi giới còn rất ít. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 tới nay, do thị trường chững lại, nên những “tinh binh” này cũng chẳng sống dễ với nghề.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi trong một căn hộ nhỏ tại quận 9 (TP.HCM), chị Hương, một cô gái quê ở Hải Phòng vào Nam lập nghiệp và bén duyên với nghề môi giới bất động sản từ năm 2016 cho biết, đây là căn hộ chị mới mua sau bao năm tiết kiệm. Nhưng trớ trêu thay, lúc nhận nhà và chuẩn bị làm sổ, thì cũng là lúc khó bán hàng, nên không biết xoay tiền ở đâu để kịp đóng hết số tiền còn lại cho chủ đầu tư.

“Từ ngày bước chân vào nghề môi giới bất động sản đến giờ, chưa bao giờ thấy việc bán hàng gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Từ thứ Hai đến thứ Bảy thì làm việc tại công ty, đăng quảng cáo, gọi điện chăm sóc khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới. Chủ nhật thì dẫn khách đi xem đất, cứ như thế kéo dài từ tuần này sang tháng khác, nhưng cuối cùng thì nửa năm nay chưa bán được sản phẩm nào”, chị Hương nói.

Chị Hương cho biết thêm, lúc mới bước vào nghề, chị chỉ nhận môi giới các sản phẩm là nhà phố và căn hộ trong Thành phố, nên ít phải ra ngoài dự án, thường xuyên được làm việc trong phòng lạnh, được tiếp xúc với những khách hàng có tiền và có nhu cầu mua thật, nên việc bán hàng không mấy khó khăn. Hơn nữa, đây đều là những sản phẩm của các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường, nên pháp lý rất hoàn thiện, khách hàng chỉ cần đến xem thực tế 1 - 2 lần là quyết định “xuống tiền” ngay.

Nhưng hiện tại, những sản phẩm cũ bán hết, trong khi thị trường bất động sản TP.HCM thiếu hụt nguồn cung, dự án mới gần như khan hiếm, nên công ty phải nhận phân phối các sản phẩm ở tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, thậm chí là Lâm Đồng…

Môi giới bất động sản phải đi xa để bán hàng là điều không mới trong thời điểm hiện nay, nhưng điều đáng nói là việc bán hàng ở nơi “đất khách” cũng chẳng dễ dàng gì, khi khách hàng có tâm lý nghi ngờ pháp lý của dự án.

Đơn cử như câu chuyện của anh Hoàng, nhân viên môi giới đang bán đất nền và nhà phố tại một dự án lớn ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Anh Hoàng cho biết, trong thời gian qua, có nhiều thông tin cho rằng, chủ đầu tư dự án này đã tự ý san lấp đất của dân để xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền khi chưa đền bù giải tỏa xong…, nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng.

Một yếu tố khiến tâm lý khách hàng chưa yên tâm khi xuống tiền là hiện tại, chủ đầu tư chỉ ký hợp đồng đặt cọc hứa mua - hứa bán nhà ở hình thành trong tương lai, chứ không phải hợp đồng mua bán. Hơn nữa, trong hợp đồng cũng đề cập đến chi tiết mục đích đặt cọc là để đảm bảo khách hàng được quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lô đất có thời hạn sử dụng lâu dài tại dự án. Hai bên sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi lô đất đáp ứng điều kiện chuyển nhượng theo quy định...

“Nhiều khách hàng đi xem đất nhưng lại muốn được cung cấp ngay hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ trương chấp thuận đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, thỏa thuận cho phép đấu nối hạ tầng giao thông và điện nước, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500…, nên rất khó chốt khách”, anh Hoàng tâm sự.

Lãnh đạo sàn cũng đau đầu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Trần Thùy Linh, phó giám đốc một công ty chuyên phân phối đất nền tại quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, trong thời điểm hiện nay, không chỉ nhân viên kinh doanh gặp khó, mà đến chính những người làm lãnh đạo sàn cũng hết sức căng thẳng.

Nhân viên không bán được hàng thì chỉ bị ảnh hưởng đến thut nhập cá nhân, trong khi công ty không bán được hàng, thì người lãnh đạo phải cân đo đong đếm, tính toán thu và chi sao cho hợp lý để duy trì mọi hoạt động của công ty.

Theo bà Linh, công ty bà thành lập từ năm 2017, lúc đó chỉ đi thu gom, mua lại các lô đất của dân rồi phân lô, bán nền. Giá tuy cao, nhưng pháp lý đầy đủ và nằm trong khu dân cư hiện hữu, nên dễ bán hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, giá đất không ngừng tăng, quỹ đất trong khu dân cư không còn nhiều, nên gần như công ty không có dự án mới để bán. Thậm chí, từ đầu năm đến nay, nhân viên đã xin nghỉ hơn một nửa, nên buộc phải đóng cửa một văn phòng tại quận 9 để tiết giảm chi phí.

“Nhiều lúc thấy nhân viên bị ‘stress’ do làm việc nhiều quá cũng thương, nên ban lãnh đạo công ty phải lên dây cót tinh thần cho mọi người bằng những chuyến đi chơi xa. Dù tốn kém hơn một chút, nhưng đổi lại, nhân viên sẽ làm việc tích cực hơn và điều cốt yếu là giảm tình trạng xin nghỉ việc”, bà Linh chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding cho biết, doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM hiện nay đều đang gặp khó, từ môi giới đến các chủ đầu tư. Ngoài vấn đề về cấp phép dự án, thì việc ngân hàng siết hoạt động cho vay đối với khách hàng đầu tư cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải thở bằng “bình oxy”.

“Bằng chứng thấy rõ nhất trong thời gian qua là hàng loạt doanh nghiệp phát hành trái phiếu hay huy động vốn từ các quỹ đầu tư. Một số phải tìm về các tỉnh lân cận để phát triển dự án. Bản thân Asian Holding vừa công bố ra mắt mở bán dự án Asian Lake view tại TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước với số lượng hơn 200 căn nhà phố, biệt thự”, ông Hậu nói.

Tương tự, ông Tuấn, giám đốc một công ty môi giới tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) không ngần ngại chia sẻ, sau hàng loạt vụ việc lãnh đạo công ty bất động sản bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các dự án “ma” như Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, Công ty Angel Lina, hay gần đây nhất là Công ty Hoàng Kim Land…, đã khiến khách hàng “chùn tay” vì sợ mua nhầm các dự án không có thật.

“Khi dẫn khách đi xem đất, nhiều người rất muốn mua, nhưng lại đắn đo vì “cơn địa chấn” mang tên Địa ốc Alibaba vẫn ám ảnh trong tâm lý, họ lo sợ là lại đầu tư nhầm vào các dự án ảo. Điều này cũng không quá khó hiểu, bởi trên thị trường hiện nay, có không ít công ty đang hoạt động tương tự như Địa ốc Alibaba”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, thị trường đất nền hiện nay đang rất lao đao, ảm đạm do nguồn cung khan hiếm và khủng hoảng về pháp lý diễn ra trên diện rộng. Do đó, việc đầu tư lướt sóng hiện nay rất hạn chế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại