menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoa Thanh

Một năm nhìn lại công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước của NHNN

Mức tăng dự trữ ngoại hối nhà nước đã có tính bền vững thay vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ đảo chiều như giai đoạn trước đây...

Vì sao dự trữ ngoại hối tăng mạnh?

Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2019, tình hình kinh tế - chính trị, thị trường tài chính quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là những diễn biến xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như chính sách tiền tệ phi truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng của một loạt NHTW các nước (NHTW châu Âu, Nhật, Trung Quốc…). Tỷ giá các loại ngoại tệ và giá cả của các loại hàng hóa cơ bản có nhiều biến động như giá vàng tăng cao.

Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2019, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng.

Theo đó, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, hạn chế tình trạng đô la hóa trên lãnh thổ được NHNN chủ động triển khai tích cực, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam, duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ và vàng trong dân sang nắm giữ VND, tạo nguồn cung bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Đến nay, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã có bước tiến ngoạn mục, đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay (trên mức 70 tỷ USD), thị trường ngoại tệ và thị trường vàng khá ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Đi đôi với kết quả ấn tượng về quy mô dự trữ ngoại hối, lợi nhuận ròng thu về từ hoạt động đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước trên thị trường quốc tế trong 11 tháng đầu năm trong bối cảnh lãi suất toàn cầu giảm, thậm chí nhiều đồng tiền có mức lãi suất âm… đạt được mức khả quan đáng ghi nhận (hàng chục nghìn tỷ đồng) vượt xa mức lợi nhuận của các NHTM hàng đầu làm ăn có hiệu quả của Việt Nam.

Đó là kết quả của việc chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Thống đốc NHNN cũng như của Ban lãnh đạo NHNN và sự triển khai quyết liệt của các vụ, cục tại NHNN nhiều nhóm giải pháp theo Chỉ thị 01.

Song song với theo dõi bám sát diễn biến thị trường để đưa chính sách ứng xử phù hợp, NHNN đã ban hành hàng hoạt văn bản pháp lý nhằm tiếp tục hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế như Thông tư số 03/2019/TT-NHNN ngày 29/3/2019 về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; Thông tư 06 ngày 11/1/2019, theo đó sẽ ngừng cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ kể từ 1/4/2019 và ngừng cho vay trung hạn và dài hạn từ sau ngày 30/9/2019; ban hành Thông tư số 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; Thông tư số 15/2019/TT-NHNN ngày 11/10/2019 về giảm thiểu các thủ tục hành chính nhằm thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đang tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc do chiến tranh thương mại và Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Chủ động triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nhờ đó các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có nhiều diễn biến tích cực, tính đến cuối tháng 11/2019, tổng vốn FDI đăng ký đạt mức 32 tỷ USD. Trong đó giải ngân 17,6 tỷ USD, góp phần tăng đáng kể cung ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước trong năm.

Ngoài ra, NHNN đang khẩn trương nghiên cứu và tham gia đóng góp vào dự thảo một số Nghị định để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực ngoại tệ và vàng trong nước cũng như các luồng vốn nước ngoài vào Việt Nam.

Đơn cử như dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các TCTD, doanh nghiệp góp phần chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất kinh doanh...

Tiếp tục củng cố và cải thiện hiệu quả đầu tư

Về công tác đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước, NHNN luôn đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc quản lý theo quy định, đảm bảo được khả năng thanh toán quốc tế và mục tiêu sinh lời trong đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước. Căn cứ Nghị định 50 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, quy trình tổ chức triển khai các nghiệp vụ đã từng bước đổi mới, ngày càng minh bạch và phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Việc phân công, phân cấp quản lý được tách biệt rõ ràng hơn theo thông lệ quốc tế, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quản lý và bám sát hơn diễn biến thị trường trong nước và quốc tế đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò quản lý tài sản của nhà nước.

Chẳng hạn, đối với loại ngoại tệ đầu tư, điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ của một số ngoại tệ như tăng dần tỷ lệ đồng USD và giảm dần tỷ lệ đồng EUR trong bối cảnh lãi suất đồng EUR và JPY đang ở mức âm; tăng dần tỷ lệ đồng AUD và CAD. Điều này đã giúp NHNN giảm thiểu những tác động bất lợi trên thị trường quốc tế và nâng cao mức sinh lời khi đầu tư vào các loại ngoại tệ mới tiềm năng.

Còn về hình thức đầu tư, NHNN luôn chú trọng nguyên tắc an toàn, đầu tư vào các công cụ truyền thống có rủi ro thấp như đầu tư vào tiền gửi và trái phiếu Chính phủ của một số nước lớn, có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Đồng thời giảm dần tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cũng như tỷ trọng Quỹ bình ổn trong tổng quy mô dự trữ ngoại hối để có thêm ngoại tệ đầu tư trung dài hạn, góp phần tăng thu nhập từ đầu tư.

Thời hạn đầu tư cũng được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường quốc tế và nhu cầu can thiệp thị trường ngoại hối trong nước. Chẳng hạn, khi lãi suất có xu hướng giảm, NHNN thường tăng thời hạn đầu tư. Và ngược lại khi lãi suất có xu hướng tăng, NHNN thường tăng kỳ hạn ngắn để đón đầu lãi suất nâng cao khả năng sinh lời.

NHNN lựa chọn đối tác đầu tư nước ngoài khá thận trọng. Ngoài NHTW các nước, NHNN lựa chọn các đối tác giao dịch và đầu tư dựa trên mức đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Moody’s và Standard&Poor. Với mục tiêu an toàn được đưa lên hàng đầu nên các đối tác của NHNN đều có mức xếp hạng tương đối cao. Đối với mỗi mức xếp hạng của đối tác sẽ có hạn mức đầu tư tương ứng.

Về công tác quản lý rủi ro, để hạn chế rủi ro, tại các văn bản hướng dẫn của NHNN đã quy định rõ ràng và chặt chẽ chức năng nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan đến công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Đặc biệt là Vụ Quản lý ngoại hối (đơn vị làm chính sách) và Sở giao dịch (đơn vị tác nghiệp) tránh một việc quan trọng do một đơn vị quyết định và có quy định về thẩm quyền ra quyết định đầu tư cho từng cấp.

Bên cạnh đó, báo cáo cập nhật xếp hạng tín dụng của các đối tác có quan hệ đại lý được thực hiện hàng tháng. Hàng quý, các đối tác có quan hệ đại lý với NHNN được đánh giá toàn diện hơn về mức xếp hạng tín dụng và khả năng tài chính, chất lượng dịch vụ…

Như vậy, có thể nói thời gian qua, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô và các giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, quản lý có hiệu quả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng, tăng cường công tác quản lý tài sản, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước liên tục tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua và đặc biệt trong năm 2019 thể hiện thành công của NHNN trong việc phối hợp chính sách nhằm đạt được mục tiêu ổn định lâu dài của nền kinh tế, lạm phát duy trì ở mức thấp trong nhiều năm đi đôi với sự ổn định tương đối về tỷ giá. Mức tăng dự trữ ngoại hối nhà nước có tính bền vững thay vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ đảo chiều như giai đoạn trước đây.

Bên cạnh đó biện pháp trung hòa được tính toán, sử dụng một cách hợp lý để vừa tăng quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước nhưng không tạo áp lực lên lạm phát. Lượng mua ngoại tệ của NHNN cao hơn tổng mức thặng dư từ cán cân vãng lai và cán cân vốn, cho thấy người dân tiếp tục tăng cường bán ngoại tệ găm giữ cho hệ thống ngân hàng sau khi NHNN đã chủ động điều hành tỷ giá dẫn dắt thị trường và tăng cường các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Kết quả ấn tượng này cũng đã góp phần nâng vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, hệ số tín nhiệm của Việt Nam ngày càng được củng cố và cải thiện và hiện ở mức Ba3 là mức xếp hạng tín nhiệm tốt nhất từ trước đến nay. Điều này cũng góp phần giảm chi phí huy động vốn của Chính phủ cũng như của các tổ chức kinh tế trên thị trường quốc tế, góp phần cải thiện ngân sách nhà nước. Với mức sinh lời ấn tượng từ hoạt động đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước trong năm, đây cũng sẽ là nguồn thu lớn bổ sung ngân sách nhà nước, tạo nguồn cho đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Ngoài ra, kết quả ấn tượng về quản lý hiệu quả, ổn định thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng trên thị trường quốc tế đầy biến động đã giúp Nhà nước tiết kiệm được hàng tỷ USD do không phải can thiệp bán vàng trên thị trường trong nước như trước đây để cân đối, đáp ứng cho các nhu cầu ngoại tệ khác của nền kinh tế.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong đổi mới công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối nói chung, công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước nói riêng, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành quyết liệt, chủ động các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, đóng góp hơn nữa trong ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Cụ thể: (i) Kiên trì thực hiện các giải pháp chống đô la hóa; (ii) Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối và quản lý thị trường vàng tiến tới xây dựng Luật Ngoại hối phù hợp với tình hình mới; (iii) Tích cực triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;

(iv) Đặc biệt, từng bước đổi mới toàn diện công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước từ khâu hoàn thiện cơ sở pháp lý đến khâu xây dựng danh mục tài sản chiến lược, chiến thuật; xác định mức rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro phù hợp cũng như đổi mới hạch toán kế toán phù hợp chuẩn mực quốc tế góp phần củng cố và cải thiện hiệu quả đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước trong thời gian tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại