menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thạch Thảo

Mỹ 'bất lực' nhìn giá dầu leo thang

Khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược nhằm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước, nhiều nhà phân tích cảnh báo tác động của biện pháp này chỉ mang tính nhất thời.

Thực tế, giá dầu chỉ đi xuống trong thời gian rất ngắn, sau đó tăng nhanh trở lại, với giá dầu Brent Biển Bắc lên mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu trong năm 2022 có thể cán mốc trên 100 USD/thùng.

Việc xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược tự nó đã nói lên rằng đây là một nỗ lực tuyệt vọng của Mỹ nhằm hạ giá nhiên liệu trong nước vốn đứng ở mức cao do hiệu ứng giá dầu thế giới tăng, vốn là hệ quả từ nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu hồi phục, trong khi nguồn cung bị hạn chế tại nhiều nước thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới và các đối tác (OPEC+). Cũng giống như kế hoạch tung dầu dự trữ của Mỹ, sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng chỉ tạo ra những hạn chế nhất thời với giá dầu, không đủ sức chặn đà đi lên của mặt hàng chiến lược này.

Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán dầu Brent sẽ cán mốc 90 USD/thùng trong năm nay và đây cũng là dự báo của Goldman Sachs. JP Morgan thậm chí còn nhận định dầu thô sẽ vượt mốc 100 USD/thùng trong năm 2022, với lý do năng lực sản xuất của OPEC+ suy yếu.

Xu hướng này hủy hoại nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn kìm giá nhiên liệu để lấy lòng cử tri trước thời điểm nước Mỹ bước vào kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ với nỗi lo lớn về lạm phát. Mỹ có thể xuất thêm dầu từ kho dự trữ, nhưng hiệu quả cũng sẽ không đến đâu. Bởi như nhiều nhà phân tích lý giải, giá dầu chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố toàn cầu, chứ không phải là các nhân tố cục bộ ở Mỹ, ngay cả khi Mỹ là nước sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới.

Nếu dầu Brent lên mức 100 USD/thùng, dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) cũng sẽ lên sát mức đó, bất chấp việc Mỹ tăng sản lượng khai thác. Theo quan điểm của Washington, điểm mấu chốt nằm ở chỗ Mỹ dù tăng sản lượng cũng không thể bù đắp được nguồn cung hạn chế so với nhu cầu tiêu thụ. Lần này cũng là do nhân tố OPEC+, nhưng ở một khía cạnh khác, liên quan đến năng lực sản xuất.

OPEC+ vẫn theo đuổi kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày theo từng tháng. Nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy mức tăng này chỉ đạt 250.000 thùng/ngày. Nhiều thành viên của khối đang phải vật lộn để đạt được mức sản lượng tăng theo quota được giao, xuất phát từ các vấn đề kỹ thuật, như xung đột chính trị ở Nigeria hay Libya, tình trạng thiếu điện cho sản xuất, khai thác dầu thô…

Xu hướng tăng giá ngày một rõ khi Libya phục hồi được sản lượng, nhưng giá dầu vẫn tăng mạnh. Bộ trưởng Dầu mỏ Libya hồi tuần trước cho biết sản lượng khai thác của nước này đã phục hồi lại ngưỡng 1,2 triệu thùng/ngày. Thế nhưng thị trường vẫn theo mô hình giá lên, khi dầu Brent và WTI lần lượt vượt mức 87 USD/thùng và 84 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng ngày 18/1.

Thách thức nằm ở tính cấu trúc trong ngành dầu mỏ. Nguồn cung dầu mỏ không phải là vấn đề tạm thời để có thể xử lý nhanh chóng và dễ dàng. Đó là việc năng lực dư thừa của OPEC+ bị hạn chế khi đã suy giảm liên tục trong hai năm qua do tác động của đại dịch COVID-19. Theo định nghĩa của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), năng lực dư thừa là khả năng đưa nguồn cung ra thị trường 30 ngày sau đó và duy trì sản lượng này trong ít nhất là 90 ngày.

Kế đến là tình trạng thiếu đầu tư, đầu tư dưới chuẩn trong ngành dầu khí. Đây là thực tế đã diễn ra trong vài năm trở lại đây, không phải là do yếu tố về đại dịch, mà là dịch chuyển chính sách ở nhiều nước, muốn chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng sạch, nhưng không có bước chuyển tiếp nhịp nhàng.

Đến lượt người tiêu dùng, họ không quan tâm quá nhiều đến vấn đề môi trường. Thứ họ cần là có đủ nhiên liệu để chạy xe ô tô và đó là nhân tố khiến nhu cầu tăng. Ngay cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cũng đã phải rút lại những lời kêu gọi trước đó về đóng băng nguồn vốn đầu tư cho các dự án dầu mỏ, khí đốt mới, chuyển sang khuyến khích tăng đầu tư cho ngành dầu mỏ.

Theo tính toán của IEA, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu hiện thiếu hụt ít nhất là 1 triệu thùng/ngày so với nhu cầu. Khoảng cách này rất khó để san lấp, ngay cả khi ngành khai thác dầu đá phiến tại Mỹ bắt đầu tăng tốc trở lại. Có rất ít lựa chọn đối với Mỹ và giới chức Nhà Trắng gần như không thể làm gì ngoài việc chờ đợi, dõi theo đà biến thiên của giá dầu trên thị trường.

Bản thân OPEC+ cũng không muốn giá dầu Brent cán mốc 100 USD bởi thế giới chưa sẵn sàng cho kịch bản đó - như thừa nhận của Bộ trưởng Dầu mỏ Oman Mohammed Al Rumhi trong trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hồi tuần trước. Thế nhưng nếu OPEC+ không sẵn sàng bổ sung sản lượng cần thiết để giữ được nguồn cung dồi dào, tương lai của giá dầu có thể cũng sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của tổ chức này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
6 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại