menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Quyết

Mỹ: Giới chuyên gia cảnh báo việc sớm mở cửa lại nền kinh tế có thể phản tác dụng

Giới quan sát cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ như thế nào khi thời gian đóng cửa kéo dài 15 ngày sẽ kết thúc vào tuần tới sẽ có thể phản tác dụng.

Giới quan sát và một số nhà đầu tư cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét sẽ mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ như thế nào khi thời gian đóng cửa kéo dài 15 ngày sẽ kết thúc vào tuần tới sẽ có thể phản tác dụng, nếu số ca tử vong tăng cao hơn khiến người dân không muốn ra ngoài.

Một tuần trước, Tổng thống Trump đã ban hành hướng dẫn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp COVID-19 trong 15 ngày, trong đó có hạn chế hoạt động đi lại không cần thiết. Cùng lúc đó, hoạt động kinh tế đã thưa dần ở nhiều bang.

Tuy nhiên, nhìn vào tình trạng nhiều việc làm bị "cuốn đi" và thị trường chứng khoán lao dốc, Tổng thống Trump đã bày tỏ lo ngại về tác động của các biện pháp giới hạn nói trên đối với thể trạng trong dài hạn của nền kinh tế. Viết trên trang Twitter cá nhân mới đấy, ông Trump cho biết khi thời kỳ đóng cửa 15 ngày kết thúc, chính phủ sẽ quyết định hướng đi tiếp theo.

Theo ông Axel Merk, Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn tài chính Merk Investments, việc Tổng thống Trump muốn sớm mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ không được các nhà đầu tư chào đón. Nhiều người trong số này vẫn lo lắng về những diễn biến không chắc chắn và ảnh hưởng kinh tế của dịch COVID-19.

Ông Merk cho rằng phản ứng của thị trường sẽ khá xấu vì nhà đầu tư đã học được rằng cách tiếp cận như trên không hiệu quả. Theo chuyên gia này, từ quan điểm y học, các chính phủ phải phá vỡ đà tăng số ca bệnh theo cấp số nhân thông qua các chính sách cách ly người dân trong nhà.
Bà Jennifer Pline, người đứng đầu mảng quản lý tài sản của công ty đầu tư Cambridge Trust, cho biết còn quá sớm để đánh giá liệu có nên mở lại nền kinh tế trong thời điểm dịch bệnh còn lây lan hay không. Theo bà, những biện pháp mới được áp dụng nghiêm ngặt nên nước Mỹ vẫn cần thêm thời gian để giảm thiểu tốc độ lây nhiễm của virus SARS-COV-2 và tạo đà hồi phục cho nền kinh tế.

Ông Gregory Daco, Giám đốc kinh tế tại công ty tư vấn Oxford Economics, cho biết ngay cả khi lệnh hạn chế được dỡ bỏ, các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ vẫn rất thận trọng. Thị trường tài chính sẽ vẫn chịu căng thẳng. Và nếu phần còn lại của thế giới vẫn đang bị phong tỏa, chính nước Mỹ có thể sẽ còn “lạc lõng” hơn.

Giới quan sát cảnh báo rằng một quyết định sai lầm tại thời điểm này có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, vẫn có những người cho rằng nền kinh tế cần được mở cửa trở lại.
Chuyên gia John Lekas thuộc công ty tư vấn Leader Capital nói rằng nếu kinh tế Mỹ tiếp tục bị ngừng trệ trong vòng 60 ngày nữa, có thể sẽ không còn bất cứ hoạt động kinh tế hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe nào cho người Mỹ nữa.

Tương tự, ông Rob Arnott, người sáng lập công ty quản lý tài sản Research Associates cho biết số lượng việc làm mất đi và những khó khăn kinh tế khác đến từ các lệnh hạn chế di chuyển cùng nhiều biện pháp khác có thể gây hại hơn chính dịch bệnh. Song các biện pháp đều đã được thực hiện và người dân đang tỏ ra lo sợ COVID-19, đồng nghĩa là chính phủ sẽ không thể lùi bước.
Các nhà kinh tế tại Đại học Northwestern và Đại học Freie của Đức cũng đưa ra ước tính rằng chính sách ngăn chặn dịch bệnh mạnh mẽ ở Mỹ có thể khiến cuộc suy thoái sau đó sâu sắc hơn. Nhưng nó sẽ cứu được khoảng 600.000 người.

Những ước tính ban đầu về ảnh hưởng kinh tế của dịch bệnh lên nền kinh tế lớn nhất thế giới càng trở nên ảm đạm trong những ngày gần đây. Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông James Bullard mới đây đã cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể lên tới 30% và sản lượng kinh tế quý II có thể chỉ bằng một nửa so mức trung bình trước đó.
Fed chi nhánh Atlanta cũng dự báo tăng trưởng doanh thu quý II/2020 của các doanh nghiệp Mỹ giảm xuống dưới 0%, từ mức 5% trong quý IV/2019, mức giảm theo quý mạnh nhất trong 6 năm, kể từ khi cuộc khảo sát về Tính bất ổn của các doanh nghiệp nhỏ do ngân hàng này thực hiện được triển khai lần đầu.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 đã giảm 3% trong phiên 23/3. Như vậy chỉ số này đã giảm hơn 30% so với mức cao nhất ghi nhận vào ngày 19/2 và đang ở mức thấp chưa từng thấy kể từ cuối năm 2016. Giới quan sát cho biết S&P 500 đã mất gần như tất cả mức tăng đạt được kể từ trước khi Tổng thống Trump đắc cử vào năm 2016.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại