menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Sang

Nâng tầm giá trị hạt gạo Việt

Trong bối cảnh giá bán gạo xuống thấp thì việc đưa công nghệ tiên tiến vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ gạo cũng được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đề cập đến.

Tăng giá trị xuất khẩu gạo

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường vừa ký Quyết định số 5052/QĐ-BNN-TT công nhận đặc cách giống lúa thơm ST25 do nhóm tác giả là kỹ sư Hồ Quang Cua, TS. Trần Tấn Phương và Ths. Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu, chọn tạo. Trước đó, giống lúa thơm ST25 đã được nhóm tác giả đưa đi tham dự cuộc thi “World’s best rice”, do The Rice Trader (TRT) tổ chức trong hội nghị “TRT world rice conference” lần thứ 11 tại Manila (Philippines) vào tháng 11/2019. Kết quả, ST25 đoạt danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Khảo nghiệm cho thấy, giống ST25 có tính khác biệt, đồng nhất và tính ổn định. Giống bảo tồn được các đặc tính tốt, thuộc nhóm gạo đặc biệt về chất lượng, có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn và thích hợp canh tác vùng lúa tôm, đáp ứng được yêu cầu của xuất khẩu. Thành quả này càng chứng tỏ những nỗ lực vượt khó của ngành nông nghiệp khi giá bán gạo trên thị trường thế giới xuống thấp so với năm 2018; kịp thời chuyển dịch mạnh sang xuất khẩu gạo chất lượng cao, bắt nhịp nhanh với những thay đổi.

Tuy nhiên, năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 6,12 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,06 tỷ USD, thì sang năm 2019, dù tăng về sản lượng xuất khẩu với 6,259 triệu tấn (tăng 2,5% về lượng) nhưng lại giảm gần 10% về trị giá so với 2018 (chỉ đạt 2,758 tỷ USD).

Báo cáo của Bộ Công thương cho hay, ngành lúa gạo đã có một năm sụt giảm mạnh, hụt 300 triệu USD về giá trị so với năm 2018. Giá gạo xuất khẩu lao dốc là nguyên nhân chính khiến giá trị gia tăng đem về bị giảm theo và hiệu quả xuất khẩu chưa cao. Đơn cử, giá xuất khẩu trong 11 tháng 2019 đã giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 439,3 USD/tấn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của hơn 9 triệu nông hộ.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ, điểm sáng hiếm hoi của ngành lúa gạo trong năm 2019 là vẫn giữ được lượng xuất khẩu. Cùng với đó, để giá gạo xuất khẩu không xuống quá thấp, ngành nông nghiệp đã kịp thời cơ cấu lại sản phẩm gạo xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu gạo có chất lượng cao, gạo có thương hiệu và giảm dần gạo chất lượng thấp, đồng thời chú trọng khâu sản xuất, xây dựng quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường. Hiện tại, Philippines đang là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, trong 11 tháng đã đạt gần 2 triệu tấn, chiếm 33,6% trong tổng lượng và chiếm 31,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tăng 155,4% về lượng và kim ngạch tăng 133,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo là Bờ Biển Ngà với 534.997 tấn, tương đương 231,45 triệu USD, chiếm 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc - thị trường lớn thứ 3, đã mua gần nửa triệu tấn gạo của Việt Nam, chiếm 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu…

Tuy nhiên, sang năm 2020, Philippines sẽ siết chặt nhập khẩu, trong khi châu Phi vẫn được xem là thị trường có tiềm năng lớn với gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động mở rộng thị trường mới, tìm hợp đồng thương mại cho hạt gạo chất lượng cao đang là vấn đề cấp thiết.

Đa dạng các sản phẩm từ gạo

Sản xuất lúa chất lượng cao cần nhiều yếu tố như giống, đặc tính thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật sản xuất. Và khi gạo chất lượng cao thì lại nâng cao được giá trị, nên dù có thể sản xuất ít hơn vẫn có lợi nhuận cao, thay vì bán số lượng nhiều như trước đây. Vì vậy, để người nông dân không phải đối diện với tình trạng tồn hàng, mất giá thì phải có quy hoạch sản xuất lúa chất lượng cao, đồng thời, chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa sang trồng những loại cây trồng khác có giá trị vượt trội trên cùng một diện tích sản xuất.

Trong bối cảnh giá bán gạo xuống thấp thì việc đưa công nghệ tiên tiến vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ gạo cũng được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đề cập đến. Bởi sau gạo, những phụ phẩm như trấu, cám, rơm rạ… cũng cho ngoại tệ nếu doanh nghiệp biết cách tận thu.

Hiện các sản phẩm từ gạo của Việt Nam ít có tính đột phá, đa phần chỉ mang tính truyền thống như bánh tráng, bánh phở, hủ tíu, bún khô… Chỉ riêng với bánh snack, theo một thống kê của Nielsen, ước tính đến năm 2020, quy mô thị trường sẽ tăng lên gần gấp đôi, tương đương hơn 1 tỷ USD. Vì vậy, nếu tăng cường chế biến bánh từ gạo có thể làm tăng giá trị hạt gạo lên gấp nhiều lần, giá trị sản phẩm sau gạo mang về còn lớn hơn nữa.

Nhìn thấy tiềm năng thị trường tỷ đô này, Want - Want, tập đoàn nắm giữ thị phần bánh gạo lớn nhất tại Đài Loan đã quyết định xây dựng nhà máy chế biến bánh gạo đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang để tận dụng nguyên liệu tại chỗ của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động vào đầu năm 2021, nhà máy sẽ tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, sử dụng khoảng 6.000 tấn gạo/năm, lấy nguyên liệu ngay tại ĐBSCL. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, thượng hạng từ một trong những quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới như Việt Nam, kết hợp với bí quyết của Want - Want, hy vọng sẽ tạo nên những sản phẩm bánh kẹo được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích. Song song với đó, Want - Want cũng sẽ cung cấp ra thị trường các sản phẩm kem và đồ uống, đồ ăn nhẹ, ông Everett chu - Giám đốc Tài chính cấp cao kiêm phát ngôn viên của Tập đoàn Want-Want nhấn mạnh.

Về phía địa phương, đây là cơ hội lớn trong việc phát huy lợi thế là vựa lúa gạo của ĐBSCL. Việc Want - Want đặt nhà máy tại Tiền Giang được kỳ vọng sẽ vừa nâng giá trị nguồn nguyên liệu nông sản quý giá của Việt Nam, vừa phát huy giá trị gia tăng qua chế biến sâu, đa thành phẩm từ lúa gạo về lâu về dài. Quan trọng hơn, con đường để phát triển các sản phẩm tinh chế, có gốc gạo... sẽ mở ra nhiều kỳ vọng với các địa phương trong việc hợp tác cùng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn khác. Đây được coi giải pháp căn cơ, bền vững nhằm giữ ổn định sản xuất cho bà con nông dân và giá trị hạt lúa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại