menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Phong

Nga chịu sức ép bán năng lượng giá rẻ cho châu Á

Nga có thể chuyển hướng bán dầu, khí và than cho châu Á, nhưng phải giảm giá sâu để người mua chấp nhận rủi ro và chi phí.

Năm ngoái, tàu Grand Aniva của Nga - với 4 bồn hình cầu chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) - chịu trách nhiệm chuyên chở qua lại giữa một mỏ khí đốt ở miền đông nước Nga và các kho chứa ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng năm nay, hai ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, con tàu chuyển hướng sang Trung Quốc.

Việc này cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn có thể tìm được khách hàng ở châu Á cho nhiên liệu hóa thạch, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng ông vẫn cần thêm người mua khi phương Tây đang tăng áp lực để Điện Kremlin ngừng chiến dịch ở Ukraine. Gần đây nhất, EU đã hoàn tất dự thảo kế hoạch cho gói trừng phạt sắp tới nhằm vào dầu thô Nga.

Trước đó, hôm 14/4, ông Putin kêu gọi đất nước "chuyển hướng xuất khẩu dần sang các thị trường đang phát triển nhanh chóng ở phía Nam và phía Đông". Hai điểm đến rõ ràng nhất là Trung Quốc - thị trường năng lượng lớn nhất thế giới và Ấn Độ - thị trường lớn thứ ba thế giới.

Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm chuyển xuất khẩu năng lượng từ khách hàng châu Âu sang châu Á đều sẽ gặp phải những trở ngại lớn. Nga cần giảm giá mạnh để người mua cảm thấy xứng đáng với rủi ro và chi phí bỏ ra. Đồng thời, họ phải xây dựng các đường ống rất dài hoặc các cảng chuyên dụng như trên đảo Sakhalin - nơi tàu Grand Aniva nhận LNG. Những dự án hạ tầng này phải mất nhiều năm mới hoàn thiện.

Dầu thô sang châu Á cần được vận chuyển bằng đường biển. Nhưng do các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây, các công ty bảo hiểm đang từ chối bảo hiểm cho các tàu chở hàng của Nga. Các ngân hàng thì ngần ngại cho vay tiền trong thời gian vận chuyển dầu. Vì vậy, doanh nghiệp ở các nước như Ấn Độ đã yêu cầu giảm giá rất mạnh để bù đắp chi phí và rủi ro.

Than thì có thể được chất lên xe tải hoặc tàu hỏa để đưa sang Trung Quốc mà ít gặp trở ngại về hậu cần. Nhưng xuất khẩu than của Nga chỉ có giá trị bằng một phần mười so với dầu và một phần tư so với khí đốt nước này, theo dữ liệu từ Hải quan Nga. Đó là chưa kể các biện pháp trừng phạt của phương Tây với việc sử dụng USD để giao dịch với Nga đang làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với than từ nước này.

"Ngay cả các nhà buôn than tư nhân của Trung Quốc giờ cũng không muốn đụng đến than Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây", Zhou Xizhou, Chuyên gia lĩnh vực năng lượng Trung Quốc tại S&P Global, đánh giá.

Bất chấp những trở ngại, lãnh đạo các công ty năng lượng toàn cầu đang đặt cược rằng Nga vẫn có thể tìm ra cách xuất khẩu dầu và than, phần lớn là do nhu cầu vẫn ở mức cao. Thế giới đã thiếu năng lượng kể từ mùa thu, khi Trung Quốc gần như cạn kiệt than và mất điện trên diện rộng.

Giá khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, than đá đã tăng mạnh kể từ năm ngoái. Việc ngăn cản bất kỳ dạng năng lượng nào của Nga tiếp cận thị trường thế giới có thể khiến giá tiếp tục leo thang. "Đây thực sự là cuộc khủng hoảng năng lượng lớn hơn những năm 1970. Giai đoạn đó đơn giản hơn, vì chỉ thiếu dầu", Daniel Yergin - nhà sử học năng lượng cho biết.

Một số lãnh đạo ngành năng lượng đang kêu gọi ra chính sách không chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Thay vào đó, mục tiêu là làm cho xuất khẩu của Nga gặp khó khăn, để họ chỉ bán được với giá rất thấp. "Vấn đề chính không phải là giảm hoặc vô hiệu hóa xuất khẩu của Nga sang châu Âu, mà là giảm doanh thu từ dầu khí của Nga" Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế ở Paris, nói.

Giới quan sát cho rằng, ông Putin sẽ giữ bằng được dòng chảy xuất khẩu dầu và than. Nga hiện xuất khẩu gần 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 3 triệu thùng dầu diesel, xăng và các sản phẩm tinh chế khác từ dầu. Theo ông Birol, Trung Quốc và Ấn Độ có ngành công nghiệp lọc dầu lớn nên sẽ quan tâm đến việc mua dầu thô đầu vào.

Khí đốt tự nhiên thì sẽ khó xuất khẩu hơn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga chỉ có khả năng hóa lỏng và chất lên tàu khoảng một phần mười lượng khí đốt xuất khẩu của mình. Hầu hết các chuyến hàng LNG đã bán cho khu vực Đông Á, với số lượng lớn xuất phát từ đảo Sakhalin, gần Nhật Bản.

Marine Traffic - hãng dịch vụ theo dõi tàu có trụ sở tại Athens (Hy Lạp) cho biết tàu Grand Aniva của Nga đã chuyển từ cung cấp cho Nhật Bản và Đài Loan năm ngoái sang cung cấp cho Trung Quốc trong hai tháng kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. Grand Aniva thuộc sở hữu của Sovcomflot, một công ty vận tải nhà nước Nga và cũng là mục tiêu trừng phạt của phương Tây.

Trong chuyến gần đây nhất vào giữa tháng 4, Grand Aniva đi từ đảo Sakhalin đến cảng LNG ở Bắc Hải, trên bờ biển phía nam của Trung Quốc. Cảng này do Sinopec xây dựng và chuyển giao cho PipeChina 3 năm trước. Khách hàng Trung Quốc có thể giúp dầu Nga tiếp tục có đầu ra. Nước này đến nay vẫn đang tránh lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và từng mua dầu từ Iran và Venezuela bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

"Người Trung Quốc đã tìm được cách để vẫn mua dầu Iran và Venezuela. Họ sẽ tìm ra giải pháp cho dầu Nga thôi", Michal Meidan, Giám đốc nghiên cứu khí đốt và năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết.

Nga đang tăng bán khí đốt tự nhiên đến Trung Quốc thông qua một đường ống mới hoàn thành ở Siberia. Nhưng vì các mỏ khí đốt ở Siberia không có đường ống kết nối với các mỏ khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu, năng lực vận chuyển khí đốt sang Trung Quốc cũng bị hạn chế.

Thương mại giữa Nga và Trung Quốc, phần lớn là nhờ xuất khẩu năng lượng của Nga, đã tăng gần 30% trong ba tháng đầu năm nay so với một năm trước đó. Điều này "thể hiện đầy đủ khả năng phục hồi và tính năng động nội tại của hợp tác giữa hai nước", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng tuyên bố, "Bất kể tình hình quốc tế thay đổi như thế nào, Trung Quốc sẽ luôn tăng cường phối hợp chiến lược với Nga".

Ngoài ra, vị thế thị trường của Nga có thể cải thiện vào mùa thu. Phần lớn dầu của Nga rất nặng, nên khi tinh chế sẽ tạo ra thêm được nhiều dầu diesel hơn. Dữ liệu từ Hải quan Nga cho thấy, năm ngoái, nước này xuất khẩu dầu diesel nhiều gấp 10 lần xăng.

Thị trường động cơ diesel chính của thế giới lại là ở Trung Quốc, với số lượng xe tải hạng nặng đang hoạt động gần gấp đôi so với Mỹ. Các đợt phong tỏa đã làm tê liệt phần lớn đội xe tải này trong những ngày gần đây, đặc biệt là ở trong và xung quanh Thượng Hải.

Tuy nhiên, nhu cầu dầu diesel ở Trung Quốc hoàn toàn có thể đảo ngược vào mùa thu, khi các lệnh phong tỏa được dỡ bớt. Bắc Kinh vẫn chuộng chiến lược phục hồi sau những đợt suy thoái kinh tế bằng cách đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, như xây thêm các tuyến đường sắt, đường bộ, cầu và các cơ sở hạ tầng khác. Tất cả những công việc xây dựng đó sẽ đòi hỏi một đội xe tải lớn chạy bằng dầu diesel, máy xúc, máy đóng cọc, máy ủi và các thiết bị khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
13 Yêu thích
1 Bình luận 10 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại