menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Nguyên

Nga nhận khoản lợi nhuận khủng từ giá dầu mỏ tăng và đồng ruble yếu

Truyền thông Nga dẫn lời các chuyên gia phân tích kinh tế phương Tây cho rằng sức mạnh tài chính của Điện Kremlin sẽ được tăng cường trong năm nay nhờ giá dầu cao và đồng ruble bị suy yếu do những lo ngại trừng phạt kinh tế.

Theo trang mạng Mk.ru, tính toán của các chuyên gia cho thấy ngân sách Nga sẽ có thêm khoản thu bổ sung lớn từ giá dầu cao trong năm nay. Với giá dầu dự kiến sẽ duy trì ở mức 90 USD/thùng, ngân sách Nga sẽ có thêm khoản thu bổ sung lên đến 65 tỷ USD.

Với mức giá dầu được dự báo lên đến 100 USD/thùng, ngân sách Nga sẽ nhận được thêm 73-80 tỷ USD. Đây là khoản tiền vô cùng lớn, nếu tính giá dầu theo đồng ruble mà Bộ Tài chính Nga đang áp dụng, thì khoản lợi nhuận tăng thêm thậm chí có thể lớn hơn do đồng tiền nội tệ của Nga có thể tiếp tục suy yếu so với đồng USD trong bối cảnh rủi ro bị trừng phạt mới.

Các chuyên gia cho biết, doanh thu từ dầu mỏ sẽ tăng cường sức mạnh tài chính của Điện Kremlin. Nhà kinh tế Scott Johnson tiên đoán Nga sẽ thu về khoản lợi nhuận đáng kinh ngạc trong năm nay. Ông nói: “Điều này làm tăng dự trữ ngân sách của Liên bang Nga vào đúng thời điểm cần thiết với Điện Kremlin, giúp đảm bảo tạo ra một vùng đệm an toàn lớn hơn trong trường hợp khủng hoảng vì các lệnh trừng phạt”.

Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Nga, dự trữ ngoại hối của Nga lên tới 634,1 tỷ USD, trong khi dự trữ của Quỹ bình ổn quốc gia (NWF) đạt 182,59 tỷ USD, tương đương 11,7% GDP của Nga trong một năm.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng dự báo rằng giá dầu thô tăng và đồng ruble yếu sẽ mang lại siêu lợi nhuận cho Nga. Trang mạng Vz.ru dẫn lời nhà phân tích Vladimir Ananiev của Trung tâm EXANTE nói: “Dầu thô ở mức cao nhất trong 8 năm, đồng ruble ở mức thấp nhất trong 2 năm gần đây. Kết quả là, một thùng dầu Brent có giá 7.000 ruble. Điều này chưa từng xảy ra trước đây và sẽ khiến Bộ Tài chính vô cùng vui mừng, bởi cùng với việc giá dầu tăng và đồng ruble giảm giá, các khoản thu ngân sách đang tăng lên”.

Các chuyên gia có chung nhận định đồng ruble suy yếu là do cường độ đối đầu địa chính trị giữa phương Tây và Nga và nguy cơ leo thang xung đột quân sự ở Donbass (Ukraine).

Việc giá dầu tăng lại do một số yếu tố khác nhau tác động. Trong đó, yếu tố địa chính trị cũng có tác động đến dầu mỏ. Trong đó, nổi bật là những nguy cơ gia tăng của sự leo thang căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine đe dọa nguồn cung cấp không chỉ khí đốt của Nga mà còn cả dầu mỏ của Nga cho thị trường châu Âu và các khu vực khác.

Bên cạnh đó, tình hình hỗn loạn ở Trung Á vào đầu năm nay, đặc biệt là cuộc bạo loạn xảy ra ở Kazakhstan một trong những quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu. Trong bối cảnh đó, các cuộc tấn công của phiến quân Yemen nhằm vào các kho dầu ở Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) hoặc Saudi Arabia cũng làm gia tăng lo ngại cho các giao dịch dầu thô.

Về cơ bản, theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến giá dầu leo thang vẫn là do chênh lệch cung và cầu. Nhu cầu đang tăng cao do nhiều nước đã ổn định tình hình đại dịch COVID-19, nhưng lo ngại về nguồn cung lại tăng lên. Wall Street Journal đổ lỗi về việc thiếu nguồn cung là do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài khối, hay còn gọi là OPEC+, không tăng sản lượng khai thác.

Theo đó, tháng 12/2021, các thành viên OPEC+ chỉ tăng sản lượng 250.000 thùng/ngày, tương đương 60% khối lượng mà họ hứa cung cấp trong tháng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu đang bơm ít hơn 790 triệu thùng mỗi ngày so với mục tiêu công khai của họ.

Các ngân hàng phương Tây đang đánh cược rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng. Do đó, Morgan Stanley và Goldman Sachs tin rằng dầu Brent sẽ đạt 100 USD vào quý III năm nay. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) tái xác nhận dự báo giá dầu Brent sẽ đạt đỉnh ở mức 120 USD/thùng vào giữa năm 2022, nhưng sau đó sẽ trở lại mức trung bình 80 USD/thùng.

Cá biệt, trong kịch bản tiêu cực nhất, các nhà phân tích của JPMorgan tin rằng dầu có thể tăng lên 150 USD/thùng trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine và nguồn cung dầu giảm. Kịch bản này rất nguy hiểm đối với nước Mỹ vì những đợt giá dầu tăng trong lịch sử là nguyên nhân thường xuyên gây ra suy thoái ở cường quốc này.

Theo các nhà kinh tế học Joseph Lupton và Bruce Kasman của JPMorgan, khi giá tăng vọt lên 150 USD/thùng vào năm 2008, cơ chế của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bắt đầu hoạt động. Lần này, theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng, giá dầu có thể tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị. Điều quan trọng là trong một kịch bản tiêu cực như vậy sẽ được tiếp thêm động lực bởi lạm phát vốn đã cao và sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu do lo ngại hậu quả của một làn sóng đại dịch mới.

Tuy nhiên, các nhà phân tích Citigroup tin vào một kịch bản lạc quan hơn. Theo họ, việc tăng giá dầu thô lên 100 USD/thùng là có thể xảy ra, nhưng nó sẽ chỉ là thoáng qua và sau đó giá dầu sẽ giảm hơn 27% so với mức hiện tại xuống mức trung bình 65 USD/thùng vào quý IV/2022.

Alexander Kuptsikevich, nhà phân tích hàng đầu tại FxPro, tin rằng giá dầu có thể đạt tới đỉnh điểm trong quý I năm nay, và sau đó giá sẽ mắc kẹt trong ngưỡng 70-90 USD/thùng. Theo chuyên gia Nga, ngưỡng giá dầu như vậy sẽ là tối ưu cho cả các nhà sản xuất dầu (đủ đắt để tạo ra nhiều lợi nhuận) và cho người tiêu dùng (dầu thô sẽ không tạo thêm áp lực lạm phát).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại