menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Miên

Nga tung gói cứu trợ kinh tế hàng chục tỷ USD để hóa giải lệnh cấm vận

Điện Kremlin có kế hoạch tăng lương hưu cùng với gói hỗ trợ kinh tế dành cho các doanh nghiệp bị tác động bởi lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nga đang thu xếp một gói cựu trợ kinh tế trị giá hàng chục tỷ USD để trung hòa tác động tiêu cực do lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra, hỗ trợ người dân trước các tổn thất tài chính liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Sau khi đưa quân vào Ukraine hôm 24/2, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành nhiều sắc lệnh chống khủng hoảng, lệnh tăng khẩn cấp chi tiêu đối với người nghỉ hưu, nhân viên nhà nước cũng như yêu cầu bù đắp cho dân chúng trước lạm phát tăng cao. Ông Putin cũng ủng hộ tung các khoản vay trợ cấp chính phủ đối với các công ty bị thiệt hại bởi lệnh trừng phạt. Những bước đi như vậy giúp duy trì mạch sống cho các nhà máy vốn phải nừng hoạt động vì thiếu thiết bị, vật tư nhập khẩu đầu vào, ví như chip máy tính.

Ngay cả khi đối mặt với khó khăn do cuộc chiến ở Ukraine, Nga vẫn có thể chi tiêu mạnh tay để thúc đẩy kinh tế nhờ vào tỉ lệ nợ công thấp, nguồn thu dồi dào đến từ xuất khẩu năng lượng. Tháng 3 vừa qua, chi tiêu liên bang của Nga đã tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, một phần là do tăng chi tiêu cho quân sự. Nhưng nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ tính theo giá trị đồng rúp, giúp bù đắp gần như hoàn toàn mức tăng chi này.

“Chính phủ Nga có nhiều tiền, do có được nguồn thu lớn từ dầu mỏ và khí đốt – hai mặt hàng đang đứng ở mức giá cao. Nga có đủ tiền để trang trải cho quốc phòng và hỗ trợ người dân”, Natalia Zubarevich, chuyên gia kinh tế làm việc tại Moskva, nhận định.

Giới chức Nga chưa đưa ra con số về tăng chi tiêu trong nỗ lực khôi phục kinh tế, không nói rõ khoản tăng này sẽ được sử dụng ra sao. Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết các biện pháp chống khủng hoảng ban đầu sẽ tiêu tốn khoảng 2.500 tỷ rúp (35 tỷ USD), bao gồm cả tăng chi tiêu và miễn, giảm thuế. Đến ngày 27/4, ông Siluanov thông báo Quỹ Tài sản Quốc gia Nga (NWF) sẽ rót tiền, tái cấu trúc hãng hàng không Aeroflot và Tập đoàn Đường sắt Nga – hai đơn vị phải hứng chịu tổn thất lớn từ đòn trừng phạt của phương Tây.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Andrei Belousov cho biết chính quyền có thể cung cấp khoản tín dụng trị giá khoảng 8.000 tỷ rúp (112 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có các khoản vay và thế chấp trợ giá cho doanh nghiệp. Phát biểu trước các nghị sỹ Nga, ông Belousov nói rằng đây là mức hỗ trợ kịch trần chính phủ có thể tung ra mà không gây ra mức lạm phát tăng vọt.

Điện Kremlin hy vọng những nỗ lực trên đây giúp hãm đã suy giảm kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng âm 11,2% trong năm nay, mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ sau kỳ suy thoái trong những năm 1990.

Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moskva tạm thời dừng áp dụng quy định về kỉ luật tài khóa vốn yêu cầu chính phủ rót nguồn vượt thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang NWF. Thay đổi này cho phép chính phủ huy động các quỹ trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, giới kinh tế cho rằng chi tiêu chính phủ không phải là viên đạn thần đối với Nga. Gói kích thích tài khóa – như gói chi tiêu trị giá nhiều ngàn tỷ USD của Mỹ nhằm phục hồi kinh tế do đại dịch COVID-19, hướng đến việc thúc đẩy hoạt động kinh tế thông qua cấp tiền cho người tiêu dùng để tăng chi tiêu. Nhưng vấn đề Nga gặp phải hiện nay không phải là suy giảm cầu tiêu dùng, mà là thiếu hụt nguồn cung, do việc nhập khẩu nhiều mặt hàng không còn thực hiện được.

Theo Maxim Mironov, giáo sư chuyên ngành tài chính tại Đại học IE Business ở Madrid, nút thắt với kinh tế Nga không phải là câu chuyện người dân không có tiền. Vấn đề nằm ở chỗ không có đủ các cấu thành kinh tế do những vấn đề liên quan đến chuỗi cung và ách tắc này không thể xử lý bằng kích thích tài khóa. Ông Mironov nhận định, chính phủ Nga nhiều khả năng sẽ tăng chi tiêu nhằm vào đối tượng người già, nhân viên hoạt động trong khu vực nhà nước.

Tuần trước, Tổng thống Putin hối thúc Quốc hội Nga đẩy nhanh tiến trình thông qua các quy định luật về tăng chi tiêu phúc lợi xã hội. Những bước đi này “nhằm hướng đến hỗ trợ trực tiếp cho những nhóm cư dân dễ bị tổn thương nhất – đó là những gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi” – ông Putin phát biểu trên truyền hình.

Bộ trưởng Siluanov hồi tuần trước cho biết Nga sẽ không vay mượn để trang trải cho thâm hụt ngân sách năm nay. Thay vào đó, chính phủ nhiều khả năng sẽ dùng tới NWF, quỹ có lượng tiền mặt vào khoảng 155 tỷ USD tính tại thời điểm đầu tháng 4/2022. Quyết định không vay mượn này cho thấy chính phủ vẫn lo ngại nguy cơ lạm phát vốn trong tháng 3 vừa qua đã leo lên mức đỉnh trong bảy năm trở lại đây. Lệnh trừng phạt cũng đóng cánh cửa vay nợ của Nga trên các thị trường nợ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
1 Bình luận 3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại