menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Bùi

Ngành mía đường, 'sân chơi' không dành cho kẻ yếu

Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), có hiệu lực từ đầu năm 2020, với việc đưa thuế suất nhập khẩu đường về 0%, được dự báo sẽ tạo thêm áp lực với các doanh nghiệp ngành đường.

Chật vật với bài toán tồn kho, giá rẻ

Thực tế, không đợi tới khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, hai niên vụ gần đây, các doanh nghiệp mía đường trong nước đã gặp khó khăn trong bán hàng, do phải cạnh tranh gay gắt với đường lậu giá rẻ từ Thái Lan tràn vào.

Lãnh đạo CTCP Mía đường Sơn La (SLS) cho biết, Thái Lan là quốc gia sản xuất đường đứng thứ 4 trên thế giới.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và chính sách bảo hộ của Chính phủ đối với ngành đường, giá thành sản xuất đường của Thái Lan thấp hơn hẳn.

Hiện các doanh nghiệp đường Việt Nam đang phải cạnh tranh chính với đường Thái nhập lậu và sau năm 2020, áp lực này tăng lên khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, đường Thái giá rẻ có thể “đường đường chính chính” vào nước ta.

Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), khi ATIGA có hiệu lực, giá đường trong nước phải giảm thêm 15 - 20% mới có thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu. Điều này sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp đường trong nước cũng như 33 vạn hộ nông dân trồng mía.

Riêng 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do không thể cạnh tranh.

Số liệu thống kê của VSSA cho thấy, trong niên vụ 2018 - 2019, các nhà máy đường đã ép được hơn 12,2 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,17 triệu tấn đường.

Tồn kho tại các nhà máy đường đến khi kết thúc vụ khoảng 600.000 tấn. 2019 vẫn là năm ngành đường có lượng tồn kho cao trong các năm gần đây. Hiện giá thành sản xuất đường tại Việt Nam cao hơn tại Thái Lan từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Cũng theo VSSA, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ năm 2018 đến cuối tháng 9/2019 khoảng trên 800.000 tấn.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Kon Tum (KTS) cho rằng, việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết trong ATIGA, bắt đầu thực thi từ đầu năm 2020 sẽ mở cửa cho sản phẩm đường từ Thái Lan với mức giá chỉ khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg tràn vào thị trường Việt Nam, thấp hơn so với giá bán của các nhà máy đường trong nước khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Đây sẽ là một thách thưc rất lớn đối với KTS cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.

Trong báo cáo phân tích về doanh nghiệp ngành đường, Công ty Chứng khoán FPT cho rằng, ngành đường Việt Nam hiện đang gặp áp lực cạnh tranh từ Hiệp định ATIGA cũng như áp lực đến từ đường lậu.

Niên vụ 2017 - 2018, sản lượng đường lậu được thống kê ước đạt hơn 33% thị phần đường toàn quốc và đường Thái Lan trở thành đối thủ cạnh tranh chính đối với các doanh nghiệp đường trong nước.

Để có thể giữ vững vị thế trong bối cảnh này, các doanh nghiệp mía đường Việt Nam buộc phải giải được bài toán hạ giá thành sản xuất, cũng như định hướng phát triển các sản phẩm cạnh và sau đường.

Doanh nghiệp mía đường tiếp tục phân hóa

Khó khăn với ngành đường trong nước cũng phản ánh qua kế hoạch kinh doanh trong niên vụ tài chính 2019 - 2020 của một số doanh nghiệp trong ngành.

Cụ thể, SLS đặt mục tiêu đạt 863,9 tỷ đồng tổng doanh thu và 25,53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong niên vụ này, lần lượt giảm 2% và 60% so với kết quả thực hiện của niên vụ trước. KTS cũng đặt mục tiêu niên vụ 2019 - 2020 (1/7/2019 - 30/6/2020) khá dè dặt, với doanh thu 486,56 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6,24 tỷ đồng, biến động không nhiều so với niên độ trước.

Thậm chí, KTS cho biết, để tiết giảm tối đa chi phí, Công ty không tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, mà lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Việc này sẽ được thực hiện trước ngày 7/12/2019.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình lại không bi quan như vậy.

Trong các doanh nghiệp mía đường niêm yết, SBT đang có quy mô sản xuất lớn nhất, với 9 nhà máy đường đóng tại Việt Nam và Lào.

Sau đó là Đường Quảng Ngãi, đang sở hữu 2 nhà máy; trong đó, Nhà máy Đường An Khê được xem là nhà máy có công suất lớn nhất cả nước (18.000 tấn mía/ngày).

SBT đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho niên độ 2019 - 2020, với doanh thu thuần 10.903 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 430 tỷ đồng, cả hai chỉ tiêu đều tăng nhẹ so với niên độ trước.

Quý I niên độ tài chính 2019 - 2020 (tính từ ngày 1/7/2019 đến ngày 30/9/2019), Công ty đã đạt doanh thu 3.184 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu bán đường tăng 37,5%, lên 3.003 tỷ đồng; doanh thu bán mật đường cũng tăng lên gần 32 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 35,6 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ.

Đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu của SBT, khi các dòng sản phẩm ghi nhận 3.000 tỷ đồng doanh thu, chiếm 94%, tăng 38% so với cùng kỳ.

SBT hiện là công ty sở hữu đa dạng nhất các dòng sản phẩm đường với trên 50 sản phẩm, phục vụ hầu như tất cả những nhu cầu phát sinh của các nhóm khách hàng.

Theo SBT, mức lợi nhuận thu được trong niên độ tài chính 2019 - 2020, Công ty sẽ trích 5% tổng lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển, cho ra đời các giống mía năng suất cao phù hợp thổ nhưỡng; cải tiến quy trình sản xuất để tiết kiệm nguyên nhiên liệu, giảm thiểu phát thải ra môi trường và chi trả cổ tức ở mức 4 - 6%.

Tính đến thời điểm 30/9/2019, SBT ghi nhận tổng tài sản 17.841 tỷ đồng; trong đó, tổng nợ phải trả chiếm 10.736 tỷ đồng, vốn chủ đạt 7.105 tỷ đồng.

Tại CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) - doanh nghiệp mía đường lớn nhất khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ, với tổng công suất ép mía đạt 11.000 tấn/ngày, Đại hội đồng cổ đông cũng vừa thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2019-2020 với doanh thu 2.362 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 170% so với cùng kỳ. Đặc biệt, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 106 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng hơn 350% so với niên độ 2018 - 2019.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch LSS cho biết, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong niên độ 2019 - 2020 một phần do kết quả năm trước khá thấp, một phần xuất phát từ việc Công ty đã phát triển được giống mía phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng của vùng nguyên liệu.

Theo ông Tam, hiện LSS đang triển khai dự án nước dinh dưỡng tế bào chiết xuất từ mía, sản phẩm này đã được các thị trường như Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan… áp dụng. Sản phẩm này hướng đến sức khỏe của con người nên sẽ có nhiều triển vọng trong thời gian tới.

Ngoài sản phẩm truyền thống là đường, LSS cũng đang triển khai thêm dự án sữa gạo đóng hộp…

Bên cạnh đó, lĩnh vực năng lượng điện tái tạo và kinh doanh sinh thái tre trúc Thanh Tam dự kiến sẽ đóng góp một phần lợi nhuận cho Công ty trong thời gian tới, hỗ trợ một phần khi hoạt động kinh doanh truyền thống gặp khó khăn.

Thực tế cho thấy, SBT và LSS cũng là những doanh nghiệp kiểm soát hàng tồn kho khá tốt trong ngành.

Cụ thể, tại SBT, lượng đường tồn kho chuyển vụ niên độ 2018 - 2019 đạt 555.000 tấn, giảm khoảng 389 tỷ đồng so với đầu niên độ. Còn tại LSS, hàng tồn kho tính đến hết quý I niên độ tài chính 2019 - 2020 ghi nhận hơn 304 tỷ đồng, giảm đến 30% so với đầu niên vụ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại