menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đoan Trang

Nhiều khả năng thị trường chứng khoán tiếp tục quá trình định giá lại

Nhà đầu tư đã trải qua tuần giao dịch (từ 26 - 30/9) trong tâm trạng lo lắng, thiếu lạc quan khi VN-Index có tuần giảm mạnh nhất từ tháng 5/2022 đến nay. Giới phân tích cho rằng với bối cảnh hiện tại, nhiều khả năng các thị trường tài chính sẽ tiếp tục quá trình định giá lại.

Nhiều áp lực

Chốt phiên cuối cùng tháng 9, VN-Index tăng 0,54% lên 1.132 điểm. Tuy nhiên so với đầu tháng thì chỉ số này giảm tới 12%. Tính từ đầu năm, VN-Index giảm hơn tới 24%. Giá trị vốn hóa sàn HOSE giảm hơn 1,3 triệu tỷ đồng (khoảng 58 tỷ USD) về sát mốc 4,5 triệu tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán giảm sâu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước, do quý III/2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước đó vào năm 2021, GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index trải qua tuần giảm điểm mạnh, xuyên thủng hỗ trợ vùng đáy tháng 7 và kết tuần tại 1.132 điểm. Các chỉ báo vẫn đang diễn biến kém tích cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy. Không loại trừ việc phiên tăng điểm cuối tuần chỉ là phục hồi kỹ thuật và quán tính giảm có thể vẫn còn tiếp diễn.

“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng, không vội vàng bắt đáy, mua đuổi cổ phiếu để quản trị rủi ro trong ngắn hạn”, VCBS nhận định.

VCBS cho biết, sáng 30/9, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước từ 23.700 đồng/USD lên 23.925 đồng/USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá này thêm 905 đồng, tương đương tăng 3,9%.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, sau khi nâng lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục sử dụng công cụ tỷ giá cho thấy sức ép lớn vẫn đang duy trì với các chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô. Với bối cảnh xung đột chính trị thế giới tiếp tục leo thang, rủi ro hệ thống gia tăng, nhiều khả năng các thị trường tài chính sẽ tiếp tục quá trình định giá lại, VCBS nhận định.

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (từ 26 – 30/9), VN-Index giảm 71,27 điểm xuống 1.132,11 điểm; HNX-Index giảm 14,19 điểm xuống 250,25 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12,8% so với tuần trước đó lên 68.277 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 18,1% lên 2.841 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 1,2% so với tuần trước đó xuống 6.502 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 4,6% lên 332 triệu cổ phiếu.

Tuần qua có tới 4/5 phiên VN-Index giảm liên tục. Diễn biến đáng chú ý là việc mốc tâm lý 1.200 bị xuyên thủng, tạo tâm lý bi quan khiến nhà đầu tư liên tục giảm giá bán. Thậm chí, có thời điểm, VN-Index đã để thủng mốc 1.100 và chạm mức 1.099,44 điểm.

Tuần qua, toàn bộ các nhóm ngành đều sụt giảm về vốn hóa. Nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tiêu cực nhất trong tuần qua với mức giảm 11,1% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ việc giá dầu thế giới tiếp tục sụt giảm và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến cho cầu dầu cũng đi xuống.

Có thể kể đến các mã tiêu biểu như: PVB giảm 18,1%, PVC giảm 13,5%, BSR giảm 11,8%, PVD giảm 10,8%, OIL giảm 9,8%, PVS giảm 8,8%...

Tiếp theo là nhóm ngành nguyên vật liệu với 8,5% giá trị vốn hóa, do cổ phiếu hóa chất giảm mạnh như: DGC giảm 17%, DCM giảm 7%, DPM giảm 5,4%... và cổ phiếu thép: HPG giảm 6,6%, HSG giảm 8,6%, NKG giảm 13,5%...

Cổ phiếu ngành công nghiệp cũng giảm mạnh với 7,3% giá trị vốn hóa; tài chính giảm 7,1%, dịch vụ tiêu dùng giảm 6,6%, hàng tiêu dùng giảm 5,9%, tiện ích cộng đồng giảm 4%, ngân hàng giảm 3,9%, công nghệ thông tin giảm 3,1%, dược phẩm và y tế giảm 2,6%.

Trong tuần cuối tháng 9, khối ngoại đã bán ròng gần 1.000 tỷ đồng; trong đó, lực bán tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản như NLG bị bán ròng 311 tỷ đồng, KDH (238 tỷ đồng) , NVL (205 tỷ đồng). Bên phía mua ròng, khối này mua mạnh nhất DGC (76 tỷ đồng).

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), trong tháng 9/2022 thị trường chịu rất nhiều áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng các mức lãi suất điều hành lên thêm 1%, các quỹ ETF (quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu) chịu áp lực rút vốn ròng khi lợi tức trái phiếu ở các nước tăng... Điều này khiến cho nhiều nhiều mã cơ bản tốt đã liên tiếp chịu áp lực bán mạnh về các vùng hỗ trợ tăng trưởng dài hạn.

Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang có mức định giá thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhưng trong ngắn và trung hạn, thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá. Do đó nhà đầu tư có tỷ trọng hợp lý, quản trị rủi ro ngắn hạn tốt có thể xây dựng danh mục cổ phiếu tốt tại các ngành có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai để theo dõi và có các kế hoạch giải ngân khi thị trường chung ổn định trở lại, SHS khuyến nghị.

Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, trong ngắn hạn, VN-Index xuất hiện đáy mới thấp hơn đáy tháng 7/2022 do tâm lý bi quan. Điều đó có nghĩa là xu hướng giảm đã được xác nhận. Do đó, nhà đầu tư cần giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về ngưỡng an toàn và chờ tín hiệu tiếp theo.

Có góc nhìn tích cực hơn, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường đã khép lại quý III/2022 bằng phiên chốt NAV (giá trị tài sản thuần, đại diện cho giá trị thị trường mỗi cổ phần cho một quỹ tương hỗ) “tưng bừng” nhờ dòng vốn ngoại đảo chiều mua mạnh.

Kể từ mức đỉnh tháng 8, chỉ số VN-Index đã giảm 195,5 điểm (15,1%), tương đương nhịp giảm của chứng khoán Mỹ. Rất nhiều nhóm cổ phiếu đã giảm về mức hỗ trợ kể từ đầu năm và đang nhận được lực cầu bắt đáy.

Với phiên phục hồi hơn 30 điểm (phiên 30/9) kể từ mức đáy trong phiên với nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức tăng cao nhất trong phiên, đây sẽ là tín hiệu hỗ trợ cho thị trường trong tuần tới. Bên cạnh đó, chứng khoán thế giới đã ổn định trở lại khi đà tăng của đồng USD đã gặp vùng cản mạnh và có dấu hiệu đạt đỉnh.

Chứng khoán thế giới đi xuống vì lo ngại suy thoái kinh tế

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong bối cảnh, các thị trường chứng khoán thế giới cũng đi xuống.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục mang đến biến động cho thị trường tài chính toàn cầu, qua đó tác động tiêu cực đến Phố Wall.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/9, thị trường cổ phiếu tiếp tục lao dốc, khiến chỉ số Dow Jones mất 500 điểm và S&P 500 chạm mức thấp mới kể từ đầu năm nay.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,71% xuống 28.725,51 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa dưới mốc 29.000 điểm kể từ tháng 11/2020. Bên cạnh đố, S&P 500 hạ 1,51% xuống 3.585,62 điểm.

Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 1,51% và đóng cửa ở mức 10.575,62 điểm. Như vậy, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận mức giảm sâu trong tuần qua, với chỉ số Dow Jones giảm 2,9%, còn S&P và Nasdaq lần lượt hạ 2,9% và 2,7%.

Phiên 30/9 cũng là phiên giao dịch khép lại tháng Chín và quý III/2022. Tính chung trong tháng Chín vừa qua, Dow Jones mất 8,8%, S&P 500 giảm 9,3%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, còn Nasdaq giảm 10,5%.

Quý III/2022 đánh dấu chuỗi ba quý đi xuống liên tiếp đầu tiên của chỉ số S&P 500 và Nasdaq kể từ năm 2009, với các mức giảm lần lượt là 5,3% và 4,1%.

Trong khi chỉ số Dow Jones mất 6,7% trong quý vừa qua, ghi dấu ba quý giảm điểm liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Một báo cáo về lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố trong ngày 30/9 cho thấy giá cả tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard nhấn mạnh nhu cầu cần thiết phải “hạ nhiệt” lạm phát khi cho rằng ngân hàng này sẽ không sớm rút lại các chính sách thắt chặt tiền tệ.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên cuối tuần 30/9, khi lạm phát tiếp tục tăng cao buộc các ngân hàng trung ương lớn phải “mạnh tay” điều chỉnh lãi suất để kiểm soát giá cả.

Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa giảm điểm – nối bước đà sụt giảm trên Phố Wall, nơi nỗi lo về lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn, lạm phát gia tăng cùng khả năng xảy ra suy thoái vẫn ám ảnh thị trường. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 1,83% xuống 25.937,21 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 1/7.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm trong bối cảnh lo ngại suy thoái lan rộng. Theo đó, chỉ số Kospi tại thị trường Seoul giảm 0,71% và đóng cửa ở mức 2.155,49 điểm.

Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong kết thúc tuần giao dịch trong sắc xanh nhờ hoạt động mua vào khi giá thấp, mặc dù lo ngại lạm phát và lãi suất tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường. Chỉ số Hang Seng phiên này tăng 0,33% lên 17.222,83 điểm.

Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,55% xuống 3.024,39 điểm sau khi báo cáo mới nhất cho thấy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc lại gặp khó khăn vào tháng Chín. Điều này chủ yếu do các vụ phong tỏa phòng dịch COVID-19 ở nhiều khu vực của đất nước, qua đó tác động không nhỏ tới nền kinh tế số hai thế giới.

Ngoài ra, nhà đầu tư hầu như ít phản ứng trước tin tức rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép một số thành phố giảm lãi suất thế chấp đối với các khoản mua nhà lần đầu khi nước này cố gắng hỗ trợ thị trường bất động sản.

Trên các thị trường khác, Sydney, Wellington và Manila cũng trong vùng giảm điểm. Tuy nhiên, Mumbai, Jakarta và Bangkok ghi nhận mức tăng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Yêu thích
15 Bình luận 7 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại